Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Đề xuất xây dựng tuyến đường đi xuyên vùng lõi Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai: Lo ngại tác động nghiêm trọng đến nhiều mặt

Thứ Sáu 22/04/2022 | 10:34 GMT+7

VHO- Dự kiến hôm nay 22.4, các Bộ, ngành và địa phương liên quan sẽ tổ chức họp bàn về phương án đầu tư tuyến đường ĐT.753 và xây dựng cầu Mã Đà để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tuyến đường hoa Chiến khu Đ hiện hữu, theo đề xuất được mở rộng nối dài đến tỉnh Bình Phước, đi xuyên vùng lõi của KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

Được thành lập năm 2004, Khu Bảo tồn (KBT) Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai nằm trong hệ thống rừng đặc dụng và di sản văn hóa của Việt Nam.

Sẽ tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, các giá trị di sản văn hóa

Với nhiều giá trị nổi bật, năm 2011 UNESCO đã công nhận KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cùng với Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có tổng diện tích 969.993 ha. Trong đó vùng lõi có 172.502 ha, bao gồm KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (100.294 ha), VQG Cát Tiên (72.208 ha). Theo đó, Việt Nam phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và di sản văn hóa… Đặc biệt, trong vùng lõi KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai hiện có 3 di tích lịch sử được công nhận cấp Quốc gia gồm di tích Địa đạo Suối Linh, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ và Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ngoài ra, di tích khảo cổ học Đồi Phòng Không và di chỉ khảo cổ Suối Linh cũng được UBND tỉnh Đồng Nai công nhận di tích cấp tỉnh.

Tuy nhiên, gần đây UBND tỉnh Bình Phước đề xuất, sau khi xây dựng cầu Mã Đà, tuyến đường ĐT.753 sẽ kết nối với đường ĐT.761, sau đó nâng cấp thành quốc lộ 13C đi xuyên qua vùng lõi KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đến quốc lộ 1A (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Đặc biệt đáng chú ý, để xây dựng tuyến đường quốc lộ 13C thì phải chuyển mục đích sử dụng 44 ha đất rừng đặc dụng (rừng tự nhiên) sang mục đích xây dựng đường giao thông. Theo các chuyên gia, việc đề xuất này gây ra nhiều lo ngại, bởi nếu thực hiện sẽ tác động nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, các giá trị di sản văn hóa - lịch sử, việc công nhận các danh hiệu và nhiều vấn đề khác liên quan.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai cho biết, căn cứ các quy định pháp luật, việc xây dựng tuyến quốc lộ 13C theo đề xuất đi xuyên qua vùng lõi của KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai với tổng chiều dài hơn 31 km, một trong hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết về bảo tồn đa dạng sinh học, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đa dạng sinh học. Đồng thời làm ảnh hưởng đến việc bảo vệ diện tích rừng hiện hữu, gây chia cắt sinh cảnh sống của các loài động vật quý, hiếm và gây nhiều khó khăn cho công tác bảo vệ rừng. Lo ngại người dân tự ý lưu thông trên đường rừng sẽ gây khó khăn về phòng cháy rừng trong mùa khô; phá vỡ cảnh quan, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn ba di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia cũng như công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.

Hệ thống di tích lịch sử quốc gia trong vùng lõi của KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

Nếu UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu

Theo ông Hảo, KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai là một mô hình bảo tồn đặc thù, phát triển bền vững hài hòa giữa con người và thiên nhiên dựa trên sự đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa được duy trì từ xa xưa của các dân tộc bản địa, phong tục tập quán truyền thống được bảo tồn gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học. Đây còn là nơi giao thoa văn hóa của trên 13 dân tộc khác nhau. Trong khuyến nghị của UNESCO về đánh giá định kỳ 10 năm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai có nhấn mạnh vai trò của tri thức truyền thống của các dân tộc bản địa kết hợp với tri thức khoa học tiên tiến trong quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Tuy nhiên, nếu dự án xây dựng quốc lộ 13C đoạn qua KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai được phê duyệt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc duy trì, bảo tồn và áp dụng các kiến thức bản địa vào quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Cũng cần nói thêm, hồ sơ đề cử vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An thành Khu Ramsar Bắc Đồng Nai và hồ sơ đề cử KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thành Vườn di sản Đông Nam Á (Khu AHP) đã được UBND tỉnh Đông Nai trình Bộ TN&MT để tiếp tục thực hiện hoàn thiện những bước tiếp theo, sau đó trình Ban thư ký Công ước Ramsar và Ban thư ký Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Do vậy, nếu xây dựng tuyến đường quốc lộ 13C theo đề xuất sẽ ảnh hưởng tới việc công nhận các danh hiệu nói trên. Đặc biệt, UNESCO có thể sẽ thu hồi danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Theo ông Hảo, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; bảo tồn và giữ gìn các giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cách mạng Chiến khu Đ và phát triển Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai đã kiến nghị UBND tỉnh này có văn bản xin ý kiến Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam và tổ chức UNESCO tại Việt Nam về việc xây dựng tuyến quốc lộ 13C đi xuyên qua Khu bảo tồn thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai...

Thế hệ trẻ về nguồn, tìm hiểu truyền thống cách mạng dân tộc tại hệ thống di tích lịch sử quốc gia ở KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, cho rằng nếu xây dựng tuyến đường nói trên chắc chắn sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng tới vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, vi phạm nghiêm trọng Chiến lước Seville của UNESCO/MAB, đi ngược lại định hướng Chiến lược MAB 2015-2025. Nếu UNESCO can thiệp thì sẽ bị thu hồi danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, đồng thời vi phạm các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam. Do đó, nên dừng dự án xây dựng đường, ưu tiên xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai thành một mô hình phát triển bền vững của địa phương, quốc gia và quốc tế. “Khu bảo tồn Thiên nhiên-Văn hóa Đồng Nai thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5-lưu vực sông Đồng Nai) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong Global 200 Ecoregions. Đây là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam... Vì thế, Ủy ban Quốc gia MAB đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và UBND các tỉnh trên địa bàn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai dừng dự án xây dựng đường, cầu Mã Đà, cần ưu tiên xây dựng Khu dự trữ này thành một mô hình phát triển bền vững của địa phương, quốc gia và quốc tế”, GS Nguyễn Hoàng Trí kiến nghị.

Theo tìm hiểu của Văn Hóa, từ năm 1997 tỉnh Đồng Nai đã thực hiện việc đóng cửa rừng để bảo vệ nguyên vẹn các diện tích rừng tự nhiên hiện có và trồng bổ sung rừng, đồng thời thực hiện một số giải pháp lâm sinh để làm giàu rừng. Đầu năm 2022, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chỉ đạo UBND tỉnh này rà soát, xin ý kiến các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan xem xét điều chỉnh hướng tuyến quốc lộ 13C, nghiên cứu giải pháp tối ưu đối với việc điều chỉnh hướng tuyến nhằm đảm bảo kết nối lưu thông giữa các địa phương và hạn chế tối đa việc đi qua phạm vi quản lý của KBT Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, đảm bảo công tác bảo vệ rừng. 

 

 Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp (khu vực SA5-lưu vực sông Đồng Nai) nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn, một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của thế giới được xác định trong Global 200 Ecoregions. Đây là sinh cảnh ưu tiên được xác định bởi Quỹ Bảo tồn Việt Nam...

Vì thế Ủy ban Quốc gia MAB đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và UBND các tỉnh trên địa bàn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai dừng dự án xây dựng đường, cầu Mã Đà, cần ưu tiên xây dựng Khu dự trữ này thành một mô hình phát triển bền vững của địa phương, quốc gia và quốc tế.

(GS.TS NGUYỄN HOÀNG TRÍ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam)

 

HOÀNG HẢI

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top