Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia tháp Bằng An xuống cấp trầm trọng

Thứ Tư 20/04/2022 | 10:25 GMT+7

VHO-  Tháp Bằng An đứng sừng sững bên tỉnh lộ 609, phường Điện An, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), cao 21,5 mét, mỗi cạnh 4 mét, riêng thân tháp dài 12,7 mét được bọc kín, chỉ có một lối đi vào từ hướng đông qua tiền sảnh dài 6 mét, rộng 1,55 mét, chóp tháp thon, nhọn, bên trong thờ thần Shiva nhưng nay chỉ còn có bệ thờ. Phía trước tiền sảnh có tượng hai linh vật bằng đá gồm voi và sư tử, biểu tượng về sức mạnh và lòng dũng cảm. Tháp Bằng An đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia theo Quyết định số 100/VH-QĐ ngày 21.1.1989.

 Cây cối um tùm trên tháp Bằng An

Nhà nghiên cứu người Pháp H.Parmentier ngay từ đầu thế kỷ XX đã khẳng định, tháp Bằng An có dáng vẻ kỳ lạ nhất trong lịch sử kiến trúc cổ Chămpa. Nhìn từ phía bên ngoài, ngôi tháp giống như búp măng tre khổng lồ, có tiền sảnh khá dài, tường tháp phẳng, không có cửa giả, không trụ áp tường và hoa văn trang trí, vòm mái hình chóp thu nhỏ dần trên đỉnh. Căn cứ vào nội dung bi ký văn bia được tìm thấy trước đây, nay dựng trước tháp thì tháp Bằng An được xây dựng vào khoảng các năm 875 - 877, tức khoảng thế kỷ IX. Còn nhà khảo cổ J.Boisserliev lại dựa vào hai pho tượng sư tử và voi bằng đá sa thạch đặt ở phía trước theo phong cách chánh lộ đã xác định sự hình thành của tháp muộn hơn, vào khoảng thế kỷ XI.

Có thể nói tháp Bằng An là tác phẩm điêu khắc bằng gạch lớn nhất trong lịch sử điêu khắc Chămpa được thể hiện bằng hình tượng Linga-Yoni, hội tụ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của nền văn minh Chămpa. Các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng đã khẳng định nơi đây ngày xưa có tới 3 ngôi tháp, ngoài tháp Bằng An lớn nhất còn có 2 ngôi tháp nhỏ hơn được xây theo hình vuông, tọa lạc ở phía Đông Bắc và Tây Nam đã bị sụp đổ từ lâu. Trải qua bao biến cố thăng trầm và sự tàn phá vô hình của thời gian, đến nay tháp Bằng An tuy vẫn cao vút giữa trời và còn khá nguyên vẹn về hình dáng nhưng đang bị xuống cấp rất nặng nề. Tháp cổ đứng uy nghi bên đường, đêm ngày có nhiều xe cộ qua lại nhưng trong khuôn viên tháp vẫn luôn là nơi đìu hiu, vắng vẻ lạ lùng bởi thiếu vắng bóng người. Trên thân tháp có những cây sanh mọc chen lấn từ các khe gạch, lâu ngày không được đốn tỉa cùng với vô số dây leo bu bám có nguy cơ gây nứt tường, trên chóp tháp đã bị sạt một mảng gạch, nhìn thấu trời, nước mưa theo lỗ vỡ này chảy xuống liên tục nên nền tháp luôn ẩm ướt. Xung quanh tháp, nhiều cây xà cừ vươn cao che phủ toàn bộ cảnh quan. Hai cánh cổng sắt han gỉ mở toang đứng bên mái nhà chòi làm nơi ngồi nghỉ của du khách bị mục nát, xiêu vẹo đã làm cho nhiều người bước chân tới đây không khỏi chạnh lòng, lo lắng cho một di tích cấp quốc gia có từ hàng ngàn năm cực kỳ độc đáo và quý giá này đang đứng trước sự đe dọa của thời gian.

Mới đây, HĐND thị xã Điện Bàn đã thông qua đề án phát triển văn hóa, giai đoạn 2022-2025, bố trí kinh phí cho công tác bảo tồn di tích trên địa bàn, trong đó có nêu sẽ xây dựng, chỉnh trang khuôn viên tháp Bằng An. Thiết nghĩ việc đầu tư để cứu vãn sự xuống cấp của tháp Bằng An là điều cần thiết và cấp bách hơn trước khi nơi đây có một công viên văn hóa nhằm bảo vệ di sản quý hiếm này.

THÁI MỸ

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top