Địa đạo Phú An - Phú Xuân ngập nước

VHO- Mới đây chúng tôi trở lại địa đạo Phú An - Phú Xuân, di tích lịch sử cấp quốc gia tại xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), và cứ nghĩ sau khi trùng tu, tôn tạo, di tích sẽ có nhiều du khách ghé thăm, nào ngờ cánh cửa cổng vẫn khóa chặt, cảnh vật vắng lạ. Đáng nói, địa đạo tuy đã được tôn tạo song vẫn chưa khai thác đúng mức bởi nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do đường hầm bị ngập nước…

Địa đạo Phú An - Phú Xuân ngập nước - Anh 1

 Một cửa miệng địa đạo Phú An - Phú Xuân

 Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn hai xã Lộc Thuận, Lộc Quý, huyện Đại Lộc, nay là xã Đại Thắng được xác định là địa bàn trọng điểm về chiến lược cách mạng bởi đây là vùng dân cư bị địch lùa xúc vào các ấp chiến lược, vì vậy Huyện ủy Đại Lộc quyết định huy động tổng hợp lực lượng đào địa đạo để phục vụ chiến đấu lâu dài. Từ tháng 3.1965 đến tháng 4.1967, các lực lượng đã bí mật đào được 2.300m, trong đó có 21 đoạn hầm đường ngách, bao gồm các hầm cứu thương, chứa lương thực, hội họp, chỉ huy. Địa đạo xuyên trong lòng đất, bờ tre, làng mạc các thôn Phú An, Phú Xuân, Phú Bình, Phú Long của hai xã Lộc Quý, Lộc Thuận. Địa đạo Phú An - Phú Xuân không chỉ là nơi trú ẩn, làm việc của Huyện ủy Đại Lộc, Đặc khu ủy Quảng Đà, địa điểm tiếp nhận nguồn cán bộ, bộ đội miền Bắc chi viện cho chiến trường đất Quảng mà còn là nơi phổ biến, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Bộ Chính trị, nơi làm việc của Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư Khu ủy khu 5 Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước), Chu Huy Mân, Đoàn Khuê cùng nhiều lãnh đạo, tướng lĩnh cấp cao khác chỉ huy chiến trường.

Sau khi đất nước thống nhất, địa đạo Phú An - Phú Xuân không còn sử dụng nữa và bắt đầu xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, trở thành hoang phế. Ngày 30.12.2002, Bộ VHTT có Quyết định số 39/QĐ-BVHTT xếp hạng địa đạo Phú An - Phú Xuân là di tích lịch sử cấp quốc gia. Để “cấp cứu” di tích, năm 2011 tỉnh Quảng Nam đã đầu tư 3,2 tỉ đồng tôn tạo địa đạo, đến năm 2013 hoàn thành. Việc trùng tu này cũng chỉ dừng ở mức mang tính gìn giữ biểu tượng của di tích vì địa đạo ngoằn ngoèo hơn 2.000m, nhưng có nhiều đoạn đã bị sập, bít kín lối, chỉ tôn tạo được 145m bằng cách đổ bê-tông cốt thép hình vòm nhằm chống sạt lở, vách địa đạo trát vữa giả đất cùng với 3 miệng hầm lộ thiên, trong đó có 1 miệng hầm các bậc cấp lên xuống và một số hạng mục khác. Khi việc trùng tu mới hoàn thành, khách có thể bước xuống vào trong đường hầm tham quan, nhưng chỉ sau ít ngày thì nước từ bên ngoài thấm tràn kín đường hầm, điện chiếu sáng và 2 máy bơm tự động cũng bị tê liệt. Theo quy định, di tích cấp quốc gia thuộc thẩm quyền quản lý, khai thác của cấp huyện nhưng năm 2016, di tích địa đạo Phú An - Phú Xuân được huyện bàn giao cho UBND xã Đại Thắng quản lý và cấp thêm 5 triệu đồng để xã trả cho suất bảo vệ 2 triệu đồng, nhân viên thuyết minh 2 triệu đồng và chi phí điện, nước 1 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay khách tham quan đến cũng chỉ đứng trên mặt đất ngắm nhìn được 3 miệng hầm, vài chục lỗ thông hơi, còn trong lòng đường hầm bì bõm nước.

Địa đạo Phú An - Phú Xuân ngập nước - Anh 2

 Cửa miệng địa đạo ngập nước

Một số người địa phương đã từng tham gia trực tiếp đào địa đạo năm xưa cho rằng, nguyên nhân đường hầm địa đạo ngập chìm trong nước khởi đầu từ khâu thiết kế lẫn thi công. Họ cho rằng địa đạo ngày trước chỉ toàn bằng đất thịt, không hề có xi-măng, sắt thép can thiệp nhưng quanh năm không bị thấm, bị ngập nước. Trong lòng địa đạo chỉ cúi lom khom mới có thể di chuyển được, còn sau khi tôn tạo thì đi lại dễ dàng, điều này cũng đồng nghĩa với việc khoét quá sâu xuống lòng đất như “đào giếng” nên nước từ bên dưới trồi lên, lại thêm hai bên thành hầm địa đạo tô vữa chống thấm không tốt nên nước thường xuyên ứ đọng trong đường hầm địa đạo cũng là điều dễ hiểu.

Rất mong các đơn vị liên quan tỉnh Quảng Nam cần có biện pháp khắc phục tình trạng nước ngập trong lòng địa đạo nhằm thúc đẩy việc khai thác hiệu quả hơn di tích, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước của dân tộc cho thế hệ trẻ. 

THÁI MỸ

Ý kiến bạn đọc