Hội An tưởng niệm, tri ân cố kiến trúc sư Kazik

VHO- Ngày 18.3.2022, TP. Hội An tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày mất của cố Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowsky - (19.3.1997-19.3.2022) tại Công viên Kazik (số 138 Trần Phú). Đông đảo người dân Hội An cũng đã đến tham dự lễ tưởng niệm, thành kính bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với cố KTS Kazik- người đã có công phát hiện, khai mở nhận thức, hành động và kết nối để lan tỏa giá trị của Đô thị cổ Hội An vươn tầm Di sản của nhân loại.

Hội An tưởng niệm, tri ân cố kiến trúc sư Kazik - Anh 1

Đại diện lãnh đạo TP.Hội An tưởng niệm cố KTS Kazik

Buổi lễ nhằm tưởng niệm, tri ân công lao cố KTS Kazik- một người bạn nhiệt thành, son sắc thủy chung, tài ba và đầy nhiệt huyết, đã dấn thân và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa tại Hội An nói riêng và Việt Nam nói chung.  
Chương trình có sự tham gia của ông Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Viện Bảo tồn Di tích - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; lãnh đạo TP. Hội An cùng đông đảo người dân Hội An và du khách. 
Tại buổi lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An đã có bài diễn văn nhìn lại chặng đường, những đóng góp to lớn mà vị cố KTS người Ba Lan đã dành cho phố cổ Hội An nói riêng, cũng như sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa tại Việt Nam nói chung. 
Những người bạn, người đồng nghiệp đã từng làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với cố KTS Kazik cũng đã chia sẻ những câu chuyện cảm động về sự nhiệt huyết, tình yêu vô hạn, lòng đam mê di tích, di sản nhân loại, nhắc nhớ về những hồi ức tốt đẹp của kiến trúc sư, một hiệp sĩ, người nghệ sĩ tài hoa với Hội An. 

Hội An tưởng niệm, tri ân cố kiến trúc sư Kazik - Anh 2

Ông Wojciech Gerwel, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam tại Lễ tưởng niệm cố KTS Kazik

 Tháng 6. 1982, khi đang là Trưởng Tiểu ban Hợp tác Ba Lan - Việt Nam tu bổ di tích Mỹ sơn, KTS Kazik đến với Hội An. Với kinh nghiệm vốn có và lòng đam mê di tích, di sản nhân loại, Kazik đã nhận diện được giá trị, tiềm năng của khu phố cổ Hội An. Bằng uy tín cá nhân và sự nhiệt huyết của một “Hiệp sĩ bảo vệ di tích”, Kazik đã bỏ những ngày nghỉ của mình, cùng các cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin Hội An, Phòng Bảo tồn - Bảo tàng Ty Văn hóa Thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, đặc biệt là Trung tâm Thiết kế tu bổ Di tích Trung ương (nay là Viện Bảo tồn Di tích, Bộ VHTTDL) chuẩn bị hồ sơ 8 loại theo quy định của Ngành, để trình Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích quốc gia cho khu phố cổ Hội An. Trong đó, hồ sơ vẽ ghi kiến trúc tổng thể Khu phố cổ, những di tích trọng điểm, những chi tiết, họa tiết hoa văn là phức tạp và tốn công sức nhất. 
Theo đề nghị của Kazik, Kiến trúc sư, Giáo sư Hoàng Đạo Kính lúc bấy giờ là Giám đốc Trung tâm Thiết kế Tu bổ Di tích Trung ương đã cùng đoàn cán bộ Trung tâm mình với hàng chục người toàn là những kiến trúc sư giỏi vào Hội An. Với hai đợt khảo sát, nghiên cứu hết sức khẩn trương, đợt 1 từ tháng 9 - 11.1983; đợt 2 từ tháng 4 - 6.1984 để quyết tâm trình hồ sơ vào đầu năm sau. Do vậy, ban ngày, các kiến trúc sư đi vẽ ghi hiện trạng, tối về tranh thủ thể hiện bản vẽ với sự giám sát chỉ đạo rất chân tình của Kazik nhưng trong điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn thiếu thốn. 

Cũng trong khoảng thời gian này, Kazik đã có những ngày tháng gắn bó, thân thiết với cán bộ và nhân dân phố Hội với nhiều biệt danh vô cũng dễ thương, triều mến “Thầy Lang”, “Ông già Liên Xô”…

Hội An tưởng niệm, tri ân cố kiến trúc sư Kazik - Anh 3

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích-người bạn, người đồng nghiệp thân thiết của cố KTS Kazik phát biểu tại buổi lễ tưởng niệm 

Kiến trúc sư Kazik luôn kiên trì theo đuổi nguyên tắc trùng tu "khảo cổ học", trong đó di tích gốc sẽ được giữ gìn nguyên vẹn ở mức tối đa và các biện pháp trùng tu chỉ được áp dụng để duy trì hiện trạng. Đích thân kiến trúc sư Kazik đã quay về Ba Lan chỉ để mang hóa chất quay lại Việt Nam phục vụ cho công tác trùng tu. Chính nhờ nguyên tắc này mà Hội An và Mỹ Sơn sau đó đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (DSVHTG), vì được bảo tồn một cách hoàn hảo các giá trị lâu đời.
Từ những kết quả nghiên cứu Hội An một cách có hệ thống, Kazik những nhận xét vẫn còn được nhắc nhớ: “May mắn thay lịch sử còn để lại cho chúng ta một khu đô thị cổ, một quần thể di tích kiến trúc hết sức phong phú và tuyệt mỹ… Trong phức hợp kiến trúc dân dụng ở khu đô thị cổ Hội An có khoảng 80% công trình vẫn được bảo tồn nguyên trạng mặc dù có một số nhà được sửa sang hoặc làm mới một số bộ phận… Tại các di tích kiến trúc của khu đô thị cổ đều dễ dàng tìm thấy những yếu tố của phong cách kiến trúc Việt Nam, phong cách kiến trúc Nhật Bản. Sự kết hợp và sự hòa hợp các kiểu thức, các phong cách trên đã tạo ra phong cách riêng biệt của Hội An.”.  
    Hay: “Vẻ đẹp không trùng lặp chứa đựng trong các phố phường lịch sử, sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, sự hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc trong nội thất các di tích kiến trúc tạo nên cho phố cổ Hội An những đặc điểm nổi bật trong một không gian riêng biệt. Những đặc điểm này đưa quần thể di tích phố cổ lên vị trí hàng đầu trong danh mục các di tích văn hóa nhân loại”. 
Trước sau ông vẫn kiên trì và nhấn mạnh về những nguyên tắc bảo tồn nguyên gốc, về khả năng phát triển du lịch của Hội An. Ông cho rằng “Hội An sẽ là con gà mái đẻ trứng vàng cho người dân nơi đây”; “Rồi tương lai hằng năm mỗi người dân Hội An sẽ phải đón tiếp 3 - 4 khách nước ngoài”;  “Sẵn sàng trả 100 đô la cho một đêm ở ngôi nhà cổ Hội An thay vì phải trả 10 đô la một đêm cho khách sạn hiện đại ở Đà Nẵng”,..
Dự cảm về một tương lai ồn ào, náo nhiệt với những đoàn khách du lịch, với sự đổi thay giàu có của người Hội An, Kazik và Giáo sư Hoàng Đạo Kính đã hối thúc, đề xuất Hội An có ngay biện pháp vẽ ghi lưu trữ hồ sơ di tích để đề phòng sự cải biến gấp gáp bất thường của bộ mặt khu phố cổ,…
Phát biểu tại Lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định:  Chính phủ Ba Lan nói chung và cá nhân KTS Kazik nói riêng đã có nhiều đóng góp, định hướng cho công tác trùng tu và bảo tồn cũng như phát huy những giá trị của Di sản Hội An. Những đóng góp đó thực sự thiết thực và mang lại những giá trị lớn lao không chỉ cho riêng Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Cố đô Huế mà còn cho cả Việt Nam. TP. Hội An luôn trân trọng và đánh giá cao những gì mà Chính phủ Ba Lan về những hỗ trợ và đặc biệt luôn ghi lòng tạc dạ những cống hiến, quên mình của cá nhân kiến trúc sư Kazik và các cộng sự,... đã đóng góp cho công tác trùng tu, tôn tạo, bảo tồn DSVH Hội An. Đồng thời mong muốn nhận được sự hợp tác, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ Ba Lan không chỉ trong công tác trùng tu và bảo tồn mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Đất nước Ba Lan và riêng cá nhân Kiến trúc sư Kazik luôn là người bạn chân thành, trân quý và chiếm một vị trí trang trọng trong lòng người dân phố Hội.  

Hội An tưởng niệm, tri ân cố kiến trúc sư Kazik - Anh 4

Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam xem trưng bày hình ảnh về quá trình công tác của Kazik tại Hội An, Mỹ Sơn. 

Cũng trong lễ tưởng niệm lần này Hội An ra mắt giới thiệu và tặng phẩm “Kiến trúc Hội An” của Viện Bảo tồn Di tích do Bộ VHTTDL chủ trì và trưng bày hình ảnh về quá trình công tác của Kazik tại Hội An, Mỹ Sơn. 

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (1944-1997) được biết đến với tên gọi thân mật là kiến trúc sư Kazik. Ông là người có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại Việt Nam như Cố đô Huế, thánh địa Mỹ Sơn và Hội An. 
Từ đầu thập niên 1980, Kazik đã tình nguyện sang Việt Nam thông qua một chương trình được kí kết bởi chính phủ Việt Nam và Ba Lan nhằm giúp Việt Nam phục chế lại các di tích cổ, mà cụ thể tại tại Mỹ Sơn- đây cũng là nơi ông gắn bó lâu nhất trong thời gian sống và làm việc tại Việt Nam, gần 16 năm.  Năm 1981, kiến trúc sư Kazik bắt đầu tiếp xúc với Hội An và nhanh chóng nhận ra những giá trị nổi bật toàn cầu của vùng đất này. Ông đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An, đồng thời cố gắng giới thiệu những nét riêng biệt của Hội An ra thế giới.
Kazik là người đầu tiên đã chú ý đến giá trị đặc biệt của phố cổ Hội An. Quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ trình lên UNESCO cho đến khi được công nhận là DSVHTG kéo dài gần 20 năm, đã gặp không ít những khó khăn, nhưng cố KTS chưa bao giờ nản lòng và từ bỏ. Ngày 4.12.1999 Hội An chính thức được vinh danh DSVHTG của nhân loại. 
Dự án cuối cùng mà kiến trúc sư Kazik tham gia là dự án bảo tồn trùng tu di tích Thế Tổ Miếu - Đại Nội Huế do chính phủ Ba Lan tài trợ. Ông mất vào ngày 19.3.1997 tại Huế. Để tri ân công lao của ngày đối với việc bảo tồn và phát huy DSVH Hội An, năm 2007 TP.Hội An đã cho xây dựng công viên ngay trung tâm phố cổ và đặt bức tượng bán thân để tưởng nhớ công lao của Kazik.  Năm 2017, TP. Hội An cũng phối hợp với Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam tổ chức tưởng niệm 20 năm Ngày mất của Kazik với nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh.

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc