Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đưa Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến gần Việt Nam

Thứ Bảy 08/01/2022 | 22:47 GMT+7

VHO- Ngày 8.1, Tạp chí Người Làm Báo (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp với Khoa Quan hệ Quốc tế (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) và Truyền hình HITV/Truyền hình Cáp Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học trực tuyến "Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông".

Đoàn chủ trì Hội thảo Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông

Tham dự Hội thảo có Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài; Đại sứ, Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế Nguyễn Ngọc Trường. Ngoài ra, Hội thảo còn có các nhà khoa học, các chuyên gia về thông tin đối ngoại, các nhà báo, nhà ngoại giao; cùng các giảng viên khoa Ngoại giao, khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.....

Chủ trì Hội thảo khoa học là PGS.TS. Dương Văn Quảng, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao; PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo; nhà báo Vũ Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân – Báo Nhân Dân.

Cần có sự phối hợp và phân vai để nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại

Thông tin đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại trên báo chí nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, trong những giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và đấu tranh bảo vệ nền độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và hội nhập quốc tế, thông tin báo chí đối ngoại luôn đóng vai trò quan trọng. Cùng với cuộc đấu tranh quân sự và hoạt động ngoại giao, thông tin báo chí đối ngoại đã góp phần quan trọng trong việc nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam; xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

Thông qua thông tin đối ngoại, cộng đồng thế giới hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề khu vực và quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, giá trị văn hóa và những thành tựu phát triển của đất nước; đồng thời thông tin kịp thời tình hình và các vấn đề quốc tế quan tâm đến các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt công tác đối ngoại đã góp phần tiếp tục duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: “Với xu thế hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng trong tất cả các lĩnh vực, nhu cầu giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và mang thế giới đến gần Việt Nam hơn ngày càng trở nên cấp thiết. Đảng, Nhà nước luôn có chủ trương phát triển công tác thông tin đối ngoại, trong đó coi trọng việc xây dựng hệ thống báo chí đối ngoại trên trường quốc tế”.

Hội thảo khoa học chủ đề: “Công tác quản lý thông tin đối ngoại trên báo chí truyền thông” là chương trình hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị về nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đặc biệt trong thời điểm Hội Nhà báo Việt Nam vừa tổ chức thành công Đại hội lần thứ XI Hội Nhà báo Việt Nam với phương châm "Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển".

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đánh giá: “Công tác đối ngoại đã góp phần tiếp tục duy trì, củng cố môi trường hòa bình ổn định, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở Việt Nam, sánh vai các cường quốc... Đặc biệt, qua báo chí truyền thông, những chuyến đi Trường Sa cho người Việt Nam ở nước ngoài và báo chí đã cho thế giới và bà con Việt Kiều có cái nhìn đầy đủ hơn về Việt Nam. Hình ảnh biển đảo và chiến sĩ hải quân Việt Nam dù gian khổ nhưng đầy lạc quan đã được các kiều bào nước ngoài biết đến nhiều hơn, từ đó hiểu rõ hơn về tình hình chủ quyền Việt Nam, yên tâm là đất nước được bảo vệ vững chắc”

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo (trái) và Nhà báo Vũ Duy Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Nhân Dân – Báo Nhân Dân trong phiên thảo luận

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cũng cho rằng báo chí truyền thông (đặc biệt là thông tin đối ngoại) đóng vai trò quan trọng vào sự nghiệp phát triển của mỗi quốc gia. Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, làm bạn với tất cả các nước và chưa bao giờ chúng ta có vị thế, hình ảnh như hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông, các "binh chủng" làm công tác thông tin đối ngoại của Báo chí Việt Nam cần có sự định hướng, định lượng thông tin; phối hợp và phân vai để nâng cao hiệu quả truyền thông.

Theo Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, những hoạt động thông tin đối ngoại của người Việt Nam tại nước ngoài cũng rất quan trọng. Chúng ta có 5 triệu kiều bào tại nước ngoài, do đó thông tin đối ngoại cần quan tâm đến lực lượng kiều bào này nhằm mang đến những hình ảnh khách quan, trung thực về Việt Nam ra thế giới.

Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, làm tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp kinh tế xã hội đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ như công tác phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam, qua "ngoại giao vắc xin", với sự ủng hộ của nhiều quốc gia, bạn bè trên thế giới, chúng ta đã có nguồn vắc xin và đẩy nhanh tiến độ tiêm phủ phần lớn dân số Việt Nam, giảm thiểu các ca nặng Covid-19, giúp phục hồi nhanh hơn kinh tế xã hội Việt Nam.

“Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để thông tin đối ngoại của chúng ta hiệu quả hơn. Chúng ta càng nhanh bao nhiêu thì bạn bè thế giới càng hiểu rõ về đất nước, con người Việt Nam bấy nhiêu”, Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Tâm đắc với những phát biểu của Đại sứ Nguyễn Phú Bình và Đại sứ Nguyễn Thanh Sơn, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết luôn hướng dẫn sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế của mình học hỏi những tấm gương ngoại giao của đất nước và tích cực trau dồi kiến thức về thông tin đối ngoại.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác thông tin đối ngoại

Nhấn mạnh vai trò của thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo đề xuất công tác quản lý thông tin đối ngoại hiện nay cần chuyên nghiệp hơn, mạnh mẽ hơn, các cơ quan báo chí cần tích cực chuyển đổi số để công tác thông tin đối ngoại đạt hiệu quả hơn nữa.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền (phải) và PGS.TS. Dương Văn Quảng, Nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao trong phiên thảo luận

TS. Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế cũng cho rằng cần tập trung để tuyên truyền cho được những thành quả bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay. Việt Nam có vị thế địa chính trị và quan hệ tốt đẹp với các nước để có thể trở thành cường quốc trong khu vực. Bên cạnh đó, các cơ quan ngoại giao và đối ngoại cũng cần luôn chủ động trong công tác quản lý thông tin đối ngoại, tăng cường nguồn lực cho công tác này. Nguồn lực càng lớn thì hiệu quả truyền thông càng cao.

Chia sẻ những kinh nghiệm của Ấn Độ trong công tác thông tin và quản lý thông tin đối ngoại thông qua dẫn chứng về công tác phòng chống Covid-19 của Ấn Độ, nhà báo Diễm Hạnh, Quyền Phó Tổng biên tập, Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Báo Thế giới và Việt Nam cho rằng Ấn Độ đã rất thành công khi đẩy mạnh thông tin đối ngoại thông qua việc tương tác trên các trang mạng xã hội, thu hút hàng chục triệu người theo dõi.

Bên cạnh đó, Đài Phát thanh toàn Ấn Độ với việc phát sóng 22/24h/ngày, với 22 thứ tiếng. Ấn Độ có hàng trăm tổ chức và hàng ngàn học giả nghiên cứu về Ấn Độ đang sinh sống và làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới. Những học giả đó đã góp phần quảng bá Ấn Độ ra thế giới.

Thảo luận về chủ đề: Vai trò của Báo chí truyền thông quốc tế trong định hướng dư luận xã hội và giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, trong công tác thông tin đối ngoại nên coi lực lượng phóng viên nước ngoài là lực lượng quan trọng. Trước đây khi chưa có Covid, hằng năm, tùy theo các sự kiện, có khoảng 2.000 - 4.000 nhà báo, phóng viên nước ngoài vào Việt Nam tác nghiệp, tham dự các hội nghị quốc tế. Trong các sự kiện, chúng ta đã tranh thủ quảng bá về đất nước, con người Việt Nam rất hiệu quả.

“Hiện nay do Covid- 19, phóng viên nước ngoài bị hạn chế đến Việt Nam, vì thế, nên đưa thông tin trực tuyến trong các sự kiện lớn của đất nước và tổ chức các chuyến press tour đi đến các tỉnh, thành Việt Nam cho nhà báo nước ngoài. Chỉ mình nói về mình thì chưa đủ, nếu có các phóng viên nước ngoài nói một cách công bằng, chính xác về Việt Nam thì sẽ tăng cường thông tin đối ngoại hơn”, bà Phạm Thu Hằng nói.

Bên cạnh đó, bà Thu Hằng cũng cho rằng công tác xử phạt những thông tin sai sự thật về Việt Nam, về chủ quyền biển đảo Việt Nam cần được tiếp tục đẩy mạnh.

Nhà báo Bảo Lê, Quyền Trưởng phòng chuyên đề 1 Truyền hình VOV cũng chia sẻ về hoạt động nghiệp vụ trong quá trình sản xuất các chương trình thông tin đối ngoại; những xúc động khi tác nghiệp tại biển đảo Việt Nam. Qua đó, cho khán giả là những kiều bào, đồng bào thấy được hình ảnh những chiến sĩ, những người dân đang kiên cường bám biển, bám đảo, giữ trọn lời thề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Tổng kết Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo đánh giá thông tin đối ngoại trong thời gian qua góp phần thực hiện những nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng theo chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Báo chí đối ngoại là một bộ phận của công tác thông tin đối ngoại giúp người dân trong nước hiểu về tình hình thế giới, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu về Việt Nam nhiều hơn.

HOÀNG TUẤN

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top