Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Vỡ khối bia cổ tại di tích chùa Thổ Hà: Việc phải làm ngay là "sửa sai, chữa ẩu”

Thứ Tư 15/09/2021 | 11:06 GMT+7

VHO- Vụ việc hy hữu khối bia cổ 342 năm tuổi tại di tích chùa Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) bị tách thành nhiều mảnh trong quá trình dịch chuyển phục vụ tu bổ, tôn tạo di tích đang gây xôn xao dư luận, khiến các chuyên gia di sản đặt nhiều câu hỏi: Nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả này?

 Hình ảnh chùa Thổ Hà và bia đá cổ (bên trái) khi còn nguyên vẹn

Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, sau khi có thông tin về vụ việc, Cục đã yêu cầu Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang) triển khai ngay việc phục hồi khối bia cổ về gần nhất với nguyên trạng trước khi di chuyển.

Không được Bộ VHTTDL thỏa thuận

Tấm bia bị vỡ thuộc loại bia tứ diện. Trán bia cao 78cm; thân bia cao 115cm, rộng 75cm; đế bia cao 5cm, rộng 93cm, tạo bằng chất liệu đá xanh, niên hiệu Vịnh Trị năm thứ 4 (1679). Nội dung bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà (Đoan Minh tự).

Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Hán Nôm tiếc nuối, khối bia cổ tại chùa Thổ Hà rất có giá trị. “Trên bia có nhiều yếu tố văn hóa, đặc biệt là những hoa văn rất đẹp ở chân và xung quanh văn bia. Đây là tấm bia đẹp trong lịch sử minh văn ở Việt Nam. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu cảm thấy tiếc bởi tấm bia đang nguyên lành, văn tự gần như còn nguyên vẹn bỗng chốc bị vỡ tan tành bởi trùng tu ẩu. Thật khó để có thể khôi phục lại nguyên vẹn như cũ”, nhà nghiên cứu chia sẻ.

Về vụ việc hy hữu này, ngày 10.9, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến Bộ VHTTDL. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành xác nhận, Cục đã nhận được báo cáo và đã trao đổi, yêu cầu địa phương nhanh chóng triển khai biện pháp khắc phục.

Báo cáo của Sở VHTTDL Bắc Giang cho biết, Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà được Bộ VHTTDL thỏa thuận tại Công văn số 4672/BVHTTDL- DSVH ngày 16.10.2018; Công văn số 2959/BVHTTDL-DSVH ngày 12.8.2020; Công văn số 3468/BVHTTDL-DSVH ngày 18.9.2020. Theo kết quả kiểm tra, xác minh thông tin, Dự án được khởi công ngày 19.12.2019, BQL Dự án đầu tư xây dựng huyện Việt Yên làm chủ đầu tư và giám sát công trình, Công ty CP Bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc Việt là đơn vị thi công. “Việc tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà được chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa và xây dựng, có sự giám sát chặt chẽ của Ban giám sát cộng đồng, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng thi công theo hồ sơ đã được phê duyệt”, khẳng định của Sở VHTTDL Bắc Giang.

Vụ việc vỡ khối bia được mô tả: Chiều 8.9, đơn vị thi công tổ chức dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà. Để dịch chuyển bia đá, đơn vị thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc vào phần thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần đế bia để buộc bó toàn bộ bia, trước khi dịch chuyển). Tuy nhiên, khi tiến hành nâng bia lên thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảnh. Sau khi xảy ra sự việc, đơn vị thi công đã cho tạm dừng công việc dịch chuyển và báo cáo các cơ quan chức năng.

Báo cáo cũng cho biết, trước đây bia được đặt trong gác chuông. Năm 1954, dân quân du kích địa phương đã đốt gác chuông để lấy chuông đúc súng đạn phục vụ kháng chiến. Do tác động của nhiệt do đốt, bia đá bị rạn nứt nhiều vị trí.

“Việc dịch chuyển bia đá phục vụ cho thi công tôn nền khuôn viên chùa là cần thiết, được chủ đầu tư, đơn vị thi công và Ban giám sát cộng đồng địa phương thống nhất. Tuy nhiên, các bên đã không đánh giá hết hiện trạng của bia, nên đã để xảy ra sự việc. Để kịp thời khắc phục sự cố trên, Sở đã đề nghị chủ đầu tư tạm dừng việc dịch chuyển bia đá, dùng bạt bó buộc thân và đế bia, bảo quản các mảnh vỡ của bia; đóng cọc căng dây tạo hành lang bảo vệ; tạo mái che tạm thời trong thời gian báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền...”, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang cho biết.

Cũng tại văn bản trên, theo Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang, để việc triển khai dự án tu bổ, tôn tạo chùa Thổ Hà đảm bảo tiến độ, Sở đề xuất Bộ VHTTDL cho phép chủ đầu tư gông bó, vận chuyển bia ra vị trí phù hợp để tạo mặt bằng phục vụ thi công công trình; đồng thời căn cứ bản in dập văn bia và trên cơ sở các tài liệu khác có liên quan phục chế lại bia đá. Sở cũng cho biết trong quá trình thực hiện sẽ tranh thủ ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học đề việc phục chế đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là, trong hồ sơ thỏa thuận tu bổ chùa Thổ Hà của Bộ VHTTDL không hề có nội dung di chuyển khối bia cổ. Trao đổi với Báo Văn Hóa, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang Trần Minh Hà xác nhận “đây là sơ suất” khi lập phương án tu bổ (?!). “Do nền chùa thấp, mỗi lần mưa lụt lại bị ngập, hỏng hóc hiện vật nên cần thiết phải nâng cốt nền khuôn viên chùa. Địa phương trước thực tế này đã đề nghị đơn vị thi công nâng cốt nền chùa cao thêm 1,5 mét. Mọi thủ tục, quy trình tu bổ, tôn tạo di tích đều đảm bảo, duy chỉ có khối bia đá cổ thì khi lập phương án trùng tu lại không nói đến. Sự cố là việc không ai muốn, chúng tôi đang tìm biện pháp khắc phục…”, ông Hà cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành xác nhận, việc di dời khối bia đá cổ không được Bộ VHTTDL thỏa thuận cho phép.

 Bia đá trên 342 năm tuổi bị vỡ khi di chuyển để tu bổ

Có tuân thủ đúng quy trình?

Nhận định về vụ việc, TS Phạm Quốc Quân cho rằng, vấn đề cần nhìn nhận ở đây là quy trình khoa học để di dời bia và nâng cốt nền chùa có được xây dựng hay không? Nếu có thì ai duyệt? Và có sự thẩm định của các chuyên gia về phục hồi tu bổ, bảo quản di tích hay không? “Kể cả có đào móng xung quanh bia thì khi tiến hành di dời hiện vật khối nặng vẫn có nguy cơ rủi ro, vỡ hỏng cao. Đối với những hiện vật nặng, nằm ngoài lòng đất như thế này thì việc chuẩn bị để nâng lên, thay đổi vị trí nhất thiết phải có quy trình đảm bảo các yếu tố khoa học, giữ gìn độ an toàn cho hiện vật. Quy trình đó phải được các cơ quan quản lý, chuyên môn, các chuyên gia thẩm định, thông qua.

TS Phạm Quốc Quân cũng cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cố. Khi di dời khối bia mà không có sự phân tích thấu đáo, đầy đủ cơ sở khoa học thì chỉ cần vênh một chút cũng có thể bị tách rời nhiều mảnh; hoặc khi gông bó hiện vật để nâng lên mà làm không chu đáo cũng rất có thể bị hỏng, rơi vỡ, xô lệch. Chưa kể, chất liệu đá qua thời gian bị giòn, bị nứt vỡ… “Tất cả những lý do này có thể thấy được khi nhìn lại cả quy trình, ở đó phải đánh giá được đối tượng hiện vật, chất liệu gì, đặc thù ra sao. Nhiều khi cứ tưởng đá thì bền vững nhưng không phải. Đánh giá đầy đủ như vậy để trước khi nâng hiện vật lên, phải có sự gia cố của những thiết bị, cẩn trọng bọc lót kỹ càng hiện vật để tránh những va chạm không đáng có. TS Quân đặt câu hỏi: “Như vậy, việc di dời tấm bia đã đúng quy trình khoa học hay chưa? Nếu tuân thủ đúng quy trình thì lý do vì sao khối bia bị vỡ?

Liên quan đến đánh giá hiện trạng khối bia trước khi di chuyển, ông Trần Đình Thành thông tin, lõi bên trong của khối bia thực ra đã bị nứt gần hết. Tuy nhiên, phải thấy rằng giải pháp trong quá trình thi công là không phù hợp nên đã dẫn đến sự việc đáng tiếc này.

Dư luận nghi ngờ về phương án thi công không đảm bảo, Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang Trần Minh Hà trần tình: “Trên thực tế khối bia đã bị om nứt bên trong từ lâu nhưng chắc anh em khi thi công không nghiên cứu kỹ, chỉ nghĩ bia bị rạn phía mặt thôi. Trước đây bia cũng đã bị ngập, bùn đất ngấm vào tận trong, nếu để yên thì không sao nhưng chỉ cần động đến là rụng. Việc đánh giá thực trạng khối bia trước khi di dời không thấu đáo, cho nên khi vừa làm thì đã nứt vỡ rồi…”.

Tuy nhiên, theo nhận định của một số nhà nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do đơn vị thi công triển khai phương pháp không đúng, thợ làm không biết việc. Bia vốn bị rạn nứt phía trong nên khi nâng lên lập tức bị tách rời. “Đế phía dưới còn nặng hơn thân bia ở trên, đơn vị thi công đã không đào chân đế bốn phía để gia cố từ dưới lên mà lại chỉ đào một phía, đương nhiên nứt vỡ thôi. Việc thi công ẩu dẫn đến hậu quả như thế này”, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm bày tỏ.

Việc khôi phục không thể chậm trễ

Dù nguyên nhân là gì thì việc phải làm ngay chính là triển khai các biện pháp “sửa sai, chữa ẩu”, trả lại nguyên trạng khối bia cổ đặc biệt giá trị này. Theo TS Phạm Quốc Quân, việc chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã tạm dừng thi công, quây hiện trường để bảo vệ hiện vật tại chỗ là động thái kịp thời, cần được ghi nhận. Tuy nhiên đó chỉ là việc bảo vệ tạm thời, tiếp theo là phải mời cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đánh giá, đưa ra phương án để phục hồi hiện vật. TS Phạm Quốc Quân nhấn mạnh: “Khối bia đá cổ bắt buộc phải được khôi phục. Giải pháp là gắn trát các phần vỡ để khôi phục lại hình hài ban đầu. Tất nhiên trong quá trình làm có thể có khiếm khuyết, việc khôi phục lại những hoa văn, nét chữ trên bia cần phải đối chiếu với những văn bản, hình ảnh, tài liệu lưu trữ. Do vậy phải có cơ quan chuyên môn tư vấn…”.

 Từ góc chụp này cho thấy đơn vị thi công có đào móng, tuy nhiên việc đào móng không được thực hiện đầy đủ xung quanh đế bia

Giám đốc Sở Trần Minh Hà cũng cho biết, các bên liên quan đến vụ việc đều đang tích cực phối hợp để có giải pháp khắc phục tốt nhất. “Tôi đang có mặt ở chùa để chuẩn bị họp bàn phương án khắc phục (chiều 13.9-P.V). Tới đây chúng tôi sẽ mời đơn vị có chuyên môn, có các chuyên gia kinh nghiệm để tư vấn và giúp thực hiện biện pháp khôi phục. Hy vọng rằng giá trị của khối bia cổ sẽ không bị mất đi nhiều…”, ông Hà chia sẻ.

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, Cục đã sớm liên hệ với Phòng Quản lý di sản văn hóa của Sở yêu cầu phải thực hiện ngay việc tu bổ khối bia đá. “Việc xây bệ nâng nền, định vị và lắp ghép ngay đúng vị trí của khối bia cần phải thực hiện ngay; những mảnh bị rời ra thì thuê một đơn vị có năng lực tiến hành lắp ghép lại. Cục Di sản văn hóa cũng lưu ý quá trình này phải mời đơn vị có chuyên môn để tư vấn và thực thi các biện pháp, đảm bảo khoa học, an toàn và đúng quy trình”, ông Trần Đình Thành cho biết.

Cũng theo Phó Cục trưởng, việc phục hồi sẽ có thể đưa khối bia về gần nhất với nguyên trạng. Bởi trong quá trình phục hồi, nếu có vấn đề thì có thể đối chiếu với các ảnh chụp, hồ sơ lưu trữ về hiện vật để xử lý. Những đường nét hoa văn, chữ đều có trong ảnh chụp trước khi hạ giải… 

 Đế phía dưới còn nặng hơn thân bia ở trên, đơn vị thi công đã không đào chân đế bốn phía để gia cố từ dưới lên mà lại chỉ đào một phía, đương nhiên nứt vỡ thôi. Việc thi công ẩu dẫn đến hậu quả như thế này.

(Chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

 

 Việc xây bệ nâng nền, định vị và lắp ghép ngay đúng vị trí của khối bia cần phải thực hiện ngay; những mảnh bị rời ra thì thuê một đơn vị có năng lực tiến hành lắp ghép lại. Cục Di sản văn hóa cũng lưu ý quá trình này phải mời đơn vị có chuyên môn để tư vấn và thực thi các biện pháp, đảm bảo khoa học, an toàn và đúng quy trình.

(Ông TRẦN ĐÌNH THÀNH, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa)

 HOÀNG NGÂN

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top