Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Trở lại di tích quốc gia chùa Đậu (Hà Nội): Xử phạt sai phạm xong, chưa ai chịu “khắc phục”

Thứ Hai 19/07/2021 | 11:18 GMT+7

VHO- Tròn ba tháng sau khi Thanh tra Bộ VHTTDL ký quyết định xử phạt hành chính đối với BQL di tích xã Nguyễn Trãi (Thường Tín, Hà Nội) về việc để xây dựng một số công trình mới trong khu vực bảo vệ của di tích quốc gia chùa Đậu mà không có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, ngày 16.7, chúng tôi quay trở lại chùa Đậu.

Tam quan chùa Đậu. Ảnh chụp sáng 16.7

 Ngôi chùa đệ nhất danh lam yên tĩnh, vắng lặng giữa mùa dịch. Nhưng điều đáng nói là những công trình sai phạm vẫn… còn nguyên, chưa có dấu hiệu được “khắc phục hậu quả” như lời hứa cách đây 3 tháng.

Chưa thấy “khắc phục sai phạm”

Di tích chùa Đậu những ngày giữa đại dịch khá vắng vẻ. Phía sau Tam quan, công trình nhà Hữu mạc đang được hoàn thiện, chuẩn bị bàn giao. Một số hạng mục công trình nơi nhà chùa làm bãi đỗ xe và đường vào chùa hiện cũng đã dừng thi công. Đại đức Thích Quang Minh, trụ trì nhà chùa cho biết, sau khi Thanh tra Bộ làm việc, nhà chùa và chính quyền địa phương tạm dừng các công trình này lại.

Tam quan, gác chuông hiện vẫn đang sở hữu màu sơn sáng choang, thay vì những lớp cổ kính rêu phong trầm mặc trên vóc dáng ngôi cổ tự. Đại đức Thích Quang Minh lý giải: “Đúng ra, Tam quan chỉ nên quét xi măng để giữ được màu cổ kính. Màu sơn theo hồ sơ tu bổ được duyệt trên thực tế đã bị sai lệch...”. Cũng theo Đại đức, cổng Tam quan, gác chuông là hạng mục đặc biệt quan trọng, gợi nhớ hình ảnh di tích chùa Đậu nên cần thiết phải được trả lại màu xưa. Tuy nhiên, công việc này cũng cần phải qua các bước đúng thủ tục, theo đó phải xin Bộ thỏa thuận lại màu sơn. Tại buổi làm việc ngày 16.4 về xử lý sai phạm trong tu bổ, tôn tạo di tích chùa Đậu, Thanh tra Bộ VHTTDL cùng đại diện Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Sở VHTT Hà Nội đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với BQL di tích xã Nguyễn Trãi, xử phạt 20 triệu đồng đối với BQL di tích xã Nguyễn Trãi vì để xảy ra việc xây dựng một số công trình mới: cổng liền kề Tả vu, Giảng đường, nhà khách trong khu vực bảo vệ II của di tích chùa Đậu mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Cũng tại đây, ông Dương Văn Nhiệt, Phó BQL di tích xã Nguyễn Trãi thừa nhận có sai sót trong việc xây dựng trên và xin khắc phục hậu quả. Tuy nhiên từ đó đến nay, các công trình sai phạm trong khu vực II của di tích chùa Đậu vẫn “án binh bất động”. Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Quang Minh cho biết, chính quyền địa phương và nhà chùa đã nhận thức rõ sai phạm do việc để xảy ra các công trình xây dựng trong khu vực bảo vệ của di tích. Đại đức cũng cho biết, từ sau buổi làm việc với Thanh tra Bộ, nhà chùa chưa nhận được văn bản nào của chính quyền các cấp thông báo việc phối hợp “khắc phục sai phạm” hay tháo dỡ những công trình sai phạm trên vùng bảo vệ của di tích.

Nhà Giảng đường trên khu vực bảo vệ II của di tích vẫn ngang nhiên tồn tại. Ảnh chụp sáng 16.7

Chính quyền địa phương có tiếp tục… thờ ơ?

Ông Nguyễn Doãn Văn, Trưởng BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội cho biết, sau khi Thanh tra Bộ vào cuộc làm rõ sai phạm trong tu bổ, tôn tạo tại di tích chùa Đậu, huyện Thường Tín có văn bản gửi cấp trên xin xử lý và khắc phục hậu quả. Tuy nhiên từ đó đến nay, BQL di tích và danh thắng Hà Nội vẫn chưa nhận được thông tin gì thêm.

Sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm và thậm chí là vô cảm trước số phận của một di tích đã được định danh là tài sản quốc gia từ năm 1964 từ phía chính quyền địa phương đã được Văn Hóa đề cập từ các số báo cách đây 3 tháng. Chẳng thế mà khi cả ba công trình không hề nhỏ là Giảng đường, Cổng vào liền kề Tả vu, nhà khách do nhà chùa tự ý xây dựng, vi phạm nghiêm trọng pháp luật về di sản văn hóa cứ lần lượt mọc lên, thậm chí được nhìn nhận như một “sự đã rồi”. Trong buổi sáng ngày 16.7, liên hệ với Phòng VHTT huyện Thường Tín, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời “mới đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch khắc phục”. Không rõ, việc “đang chuẩn bị” như thế này sẽ kéo dài cho đến bao giờ? Sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương liệu có tiếp tục trong quá trình khắc phục sai phạm mà đáng ra phải được thực hiện thật khẩn trương, nghiêm túc?

Hạng mục nhà Hữu mạc chuẩn bị bàn giao

Liên quan đến một vấn đề mà Văn Hóa cũng đã đề cập trước đây là việc chính quyền địa phương xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín không có đủ hồ sơ quản lý di tích được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm biên bản khoanh vùng bảo vệ di tích, Đại đức Thích Quang Minh trao đổi, suốt quá trình từ năm 1964 đến giờ, chùa Đậu chưa có một hồ sơ nào về mặt quản lý đất đai, khoanh mốc giới khu vực bảo vệ 1, 2 ở đâu. “Việc không có hồ sơ quản lý di tích khiến cho công tác bảo vệ di tích gặp nhiều khó khăn”, Đại đức Thích Quang Minh khẳng định.

Cũng về câu chuyện đất đai, việc xây dựng bãi đỗ xe, đường vào chùa cho đến nay vẫn chưa thể tiếp tục và hoàn thiện bởi đây là phần đất ruộng được sư trụ trì mua lại của bà con nhân dân để mở rộng không gian di tích, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng pháp luật vẫn chưa được chính quyền địa phương và nhà chùa thực hiện xong xuôi. Theo Đại đức Thích Quang Minh, những vướng mắc về đất đai là một trong những lý do khiến hồ sơ di tích quốc gia đặc biệt của Chùa Đậu vẫn bị vướng mắc, trong khi những ngôi chùa cùng tầm cỡ như Chùa Thầy, Tây Phương, Trăm Gian, Chùa Dâu, Phật Tích đều đã được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó là sự tồn tại của các công trình to lớn, hoành tráng lừng lững ở khu vực hồ nước gồm: Tháp Quan âm, Bảo tháp Mạn đà la, Thủy đình Di lặc… cho đến nay vẫn chưa xác định được có nằm trong vùng bảo vệ di tích hay không. Lý do cũng bởi thiếu hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích. Liên quan đến sự tồn tại hiện nay của những công trình sai phạm trong khu vực bảo vệ II của di tích, theo trụ trì nhà chùa, BQL di tích xã và nhà chùa đã thừa nhận sai phạm, tuy nhiên, với danh tiếng của chùa Đậu ngày nay thì những hạng mục như nhà Giảng đường, nhà khách là nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong mùa hè, khi các sĩ tử trước mùa thi về chùa cầu may mắn, đỗ đạt cần có chỗ nghỉ ngơi. Trụ trì nhà chùa thừa nhận, với kết cấu cột thép cuốn tròn, vì kèo sắt, mái lợp ngói Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến không gian, cảnh quan kiến trúc di tích. “Khi dựng lên nhà Giảng đường nhà chùa cũng xuất phát từ lý do đây là nhu cầu thiết yếu, tuy nhiên về tổng thể cảnh quan kiến trúc theo dự án quy hoạch tổng thể của chùa Đậu thì công trình này chắc chắn sẽ không tồn tại…”, Đại đức Thích Quang Minh cho hay.

Chuyện “con voi chui qua lỗ kim” tại di tích chùa Đậu đã rõ, sai phạm cũng đã được các cơ quan chức năng chỉ ra và xử phạt. Thế nhưng vì sao vài tháng đã trôi qua mà cơ quan quản lý các cấp đến chính quyền địa phương vẫn chưa có động thái nào để khắc phục những sai phạm đã rõ mười mươi này? 

HOÀNG NGÂN

 

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top