Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn: Nhìn từ trùng tu di tích đình Trần Đăng

VHO- Tọa đàm “Trùng tu đình Trần Đăng: Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn?” vừa được tổ chức tại Hà Nội đã đề cập đến một trong những vấn đề nan giải của công tác trùng tu di tích: Hạ giải hay không hạ giải? Sau trùng tu liệu có làm biến dạng di tích hàng trăm năm tuổi như thực trạng đã xảy ra ở nhiều công trình thời gian qua?

Giữ lại một di sản tưởng chừng không thể cứu vãn: Nhìn từ trùng tu di tích đình Trần Đăng - Anh 1

Mái đình Trần Đăng sau khi được trùng tu Ảnh: LÝ TRỰC DŨNG

Hạ giải hay không?

Đình làng Trần Đăng thuộc xã Hoa Sơn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Theo nhiều thư tịch cổ, đình được khởi dựng từ thời Trần, đến thời Lê được mở rộng, làm mới và xây thêm một số công trình, đình trải qua một lần trùng tu lớn vào đời Nguyễn. Chi tiết trang trí, chạm trổ trong ngôi đình đều mang dấu ấn mỹ thuật của những thời kỳ này. Năm 1988, đình làng Trần Ðăng được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử. Gắn liền với di tích đình Trần Ðăng là lễ hội tưởng nhớ Tướng Cao Lỗ, diễn ra vào mồng 6 Tết Nguyên đán hằng năm.

Từ tháng 6.2009, Dự án bảo tồn, tu tạo và đào tạo của Ðức (GCREP) cùng kiến trúc sư Lý Trực Dũng bắt đầu tu tạo khu di tích. Ðình làng Trần Ðăng cũng là nơi các chuyên gia áp dụng những phương pháp mới trong bảo tồn. Trả lời câu hỏi vì sao quyết định không hạ giải trong khi di tích đình Trần Đăng bị đánh giá xuống cấp nghiêm trọng, các hạng mục gần như đã hư hỏng hoàn toàn, KTS Lý Trực Dũng chia sẻ, đình Trần Đăng là đình cổ, tuổi đời 400 – 500 năm. “Hiếm có công trình nào có nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ đẹp và tinh tế như vậy. Những mảng nghệ thuật thể hiện trên đầu đao hay các con giống bằng gốm đen, gạch hoa chanh tuyệt đẹp... nếu hạ giải thì không giữ được. Ngay khi quyết định không hạ giải, các cụ trong làng cũng bảo chúng tôi rằng nếu không hạ giải thì không làm được. Tuy nhiên phải thấy rằng, nếu hạ giải thì rất đơn giản nhưng giá trị văn hóa bị tổn thất nặng nề. Một mái đình có tuổi đời trăm năm khi hạ giải, làm mới sẽ khiến cho một di tích cổ trở về như một “em bé mới sinh”, theo KTS Lý Trực Dũng.

Trước sự xuống cấp của ngôi đình, KTS Lý Trực Dũng cùng các thành viên của dự án đã cố gắng nhiều nhất để giữ lại những giá trị lịch sử, văn hóa chứa đựng trong từng hoa văn, mái ngói của ngôi đình. “Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là về kinh tế và kỹ thuật. Khi khảo sát, thực trạng của đình xuống cấp rất nghiêm trọng. Các kỹ sư và nhóm thợ đã bàn tính xem cách thức khả thi nhất, để không ảnh hưởng đến kết cấu toàn bộ ngôi đình...”, ông Dũng cho biết thêm.

Giữ lại nhiều nhất có thể

Quyết định không hạ giải, KTS Lý Trực Dũng cho biết, sau trùng tu, đình Trần Đăng đã giữ được nhiều nhất có thể. Ví dụ như cột cái với đường kính 50-60 cm, đỉnh và chân cột bị mục ruỗng, nhiều người nghĩ rằng nên bỏ đi nhưng các KTS quyết tâm giữ lại, thậm chí sẵn sàng bỏ thêm tiền túi để trùng tu. KTS Lý Trực Dũng cũng nhấn mạnh, trong trùng tu cần phải bảo tồn tối đa thành phần nguyên gốc của di tích, hạn chế tối đa sự can thiệp làm thay đổi di tích, các phần thay thế phải được phân biệt với phần nguyên gốc.

Câu chuyện trùng tu một di sản kiến trúc thuần Việt như đình làng Trần Đăng cho thấy một bài học kinh nghiệm quý báu trong quyết định trùng tu di sản mà ở đó, đôi khi việc xê dịch từng centimet cũng ảnh hưởng tới số mệnh di sản. Đình làng Trần Ðăng cũng là nơi các chuyên gia áp dụng những phương pháp mới trong bảo tồn. Nhiều loại vật liệu mới được áp dụng trong bảo tồn và phục hồi các hạng mục bằng gỗ lim. Một số chất liệu thay thế tương đương với gỗ được trám vào những chỗ hỏng, sao cho vừa giống gỗ, mà lại chịu được thời tiết khắc nghiệt ở miền Bắc. Những loại hóa chất chống mối mọt, nấm mốc và rêu cũng được tính toán sao cho hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đỉnh điểm của câu chuyện trùng tu ngôi đình chính là việc nhóm trùng tu đã thay thế một câu đầu nằm ngay đầu hồi của đình dài hơn 4m, nặng gần một tấn. Để không hạ giải, đơn vị thi công của KTS Lý Trực Dũng đã tính toán kĩ lưỡng, khảo sát công trình và tìm phương án kỹ thuật tối ưu giữa những nhà chuyên môn cho tới tương tác và thảo luận với người dân làng Trần Đăng – chủ thể của di sản. 

 MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc