Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Làng quê trầm tích

Thứ Ba 12/12/2017 | 16:25 GMT+7

VH- Phong Chương là xã bãi ngang nghèo, cách biển 6 cây số. Anh Lê Viết Phước, Chủ tịch xã 35 tuổi cho biết, xã anh hộ nghèo cao nhất huyện Phong Điền.

Nhưng đường sá phong quang lắm, đường ngang, đường dọc đều bê tông hóa, ô tô đi lại, tránh nhau dễ dàng. Trung tâm xã cứ như một thị tứ. Có đủ các quán bán tạp hóa, cà phê… Chủ tịch Lê Viết Phước cho người dẫn chúng tôi đi thăm di tích lịch sử nổi tiếng. Đó là đền thờ và mộ của cha, em và con đại danh thần Nguyễn Tri Phương.
Lâu nay tôi biết về danh tướng này là Tổng đốc Hà Nội, người chỉ huy đánh Pháp giữ thành Hà Nội. Nhưng tôi không ngờ ông sinh ra trong một gia đình làm ruộng và nghề mộc ở Phong Chương này và đền thờ, lăng mộ của ông ở đây! Chỉ chừng ấy thôi, Phong Chương đã trở thành địa chỉ đỏ ngàn đời của những người con đất Việt. Một vùng quê thuần nông nghèo mà gần 200 năm trước đã có một gia đình vĩ đại, đã sinh ra những người con vĩ đại. Nguyễn Duy (1809–1861), là một danh tướng triều Nguyễn hy sinh trong trận Đại đồn Chí Hòa Gia Định là em trai Nguyễn Tri Phương. Con trai ông, Nguyễn Lâm hy sinh cùng cha trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội. Đó là sự hy hữu và nét vàng son của lịch sử Phong Chương. Đền thờ “Tam công trung hiếu tiết nghĩa Nguyễn Tri Phương- Nguyễn Duy- Nguyễn Lâm” rất rộng rãi, được xây dựng ngay trong làng quê, bên đồng lúa. Trong đền thờ có tượng bán thân Nguyễn Tri Phương, nhang khói nghi ngút. Ngoài đền thờ có tượng đài “Tam công lẫm liệt” cao vút, như bút khắc tạc lịch sử lên trời xanh!
Nguyễn Tri Phương tên là Nguyễn Văn Chương, sinh ngày 21 tháng 7 năm Canh Thân (1800). Tên Nguyễn Tri Phương là do vua Tự Đức đặt cho ông năm 1850. Cuộc đời Nguyễn Tri Phương bạn đọc có thể tìm các bộ sử hoặc tìm kiếm qua Google. Tóm tắt chiến tích đời ông là vị tướng Tổng chỉ huy quân đội triều Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873). Tôi cứ tưởng mình là người đọc nhiều, vẫn chưa thông sử. Tôi không biết Phò mã Nguyễn Lâm là con trai thứ hai của đại thần Nguyễn Tri Phương. Sử chép: Nguyễn Lâm khiêm nhường, học giỏi như cha. Năm 1864, ông được vua Tự Đức gả em gái là Đồng Xuân công chúa cho, và phong làm Phò mã Đô úy. Nguyễn Lâm liền cùng cha chỉ huy giữ cửa Đông Nam thành Hà Nội. Ông bị trúng đạn và tử thương tại trận ngày 20.11.1873, lúc 29 tuổi. Được tin Nguyễn Lâm tử trận, vua Tự Đức ban dụ rằng :… Nguyễn Lâm không có trách nhiệm gì đến việc giữ thành, mà biết hiếu nghĩa như thế, ơn nước, tiếng nhà hai đằng không hổ thẹn; so với bọn con em tầm thường của bọn quý phái khác, cùng những kẻ lúc bấy giờ bỏ quan, tìm nơi tiện lợi cho mình há chẳng càng nên khen thưởng ư?...”.

Bên di tích quốc gia, mộ nhà canh tân Nguyễn Lộ Trạch


Mộ danh thần Nguyễn Tri Phương và phò mã Nguyễn Lâm nằm ở một đồi đất giữa cánh đồng Phong Chương, cây cối rợp mát, gió lộng. Đường đến mộ ô tô đi được. Chụp ảnh bên mộ danh thần, tôi như cậu học trò xúc động trước chứng tích lịch sử hào hùng của làng quê Phong Chương!
Rời Phong Chương, chúng tôi về xã Điền Môn gần đó để chiêm ngưỡng dung nhan làng vàng Kế Môn. Một làng thuần nông với rất nhiều rú cát. Ở đây đường sá, nhà cửa đẹp hơn phố thị. Kế Môn có mấy cái nhất: Thư viện làng đầu tiên lớn nhất của Thừa Thiên Huế, với 4.000 đầu sách. Kế Môn có Trung tâm Thương mại Kế Môn, tức là cái chợ làng to nhất tỉnh với diện tích 2.000m2. Đình làng Kế Môn to nhất tỉnh. Kế Môn có tới 50 cái biệt thự nhiều tỉ đồng thường ngày đóng cửa. Đó là biệt thự của những người Kế Môn nghề vàng giàu có ở khắp trong ngoài nước xây để khi về làng thì có chỗ ở. Tất cả đều do vàng mà nên.
Chuyện kể rằng, có một người tên là Cao Đình Độ, nghề kim hoàn giỏi ở Thanh Hóa đi thuyền vào Kinh đô Huế, theo lời kêu gọi của vua Quang Trung, để làm nghề kim hoàn cho Hoàng cung. Khi thuyền vào sông Ô Lâu, qua làng Kế Môn thì bị lật. Được dân làng Kế Môn cứu, ông Độ ở lại truyền nghề chế tác vàng cho dân làng. Từ đó làng Kế Môn trở thành làng của những thợ vàng giỏi. Nhưng họ không thể hành nghề ở làng được, vì không có khách, phải đi khắp nơi thế giới. Theo dân làng kể thì, hiện nay Huế là nơi có dân làm vàng Kế Môn đông nhất, sau đó đến Đà Nẵng, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Sài Gòn… Còn trên thế giới, dân Kế Môn ở Mỹ nhiều nhất, từ Oakland (California) đến Portland (Oregon), Houston (Texas)..., chỗ nào có cộng đồng người Việt là ở đó có tiệm vàng của người Kế Môn. Cái làng nông Kế Môn ấy còn là quê hương của nhà cách tân, nhà thơ Nguyễn Lộ Trạch (1853 - 1895). Sinh thời, ông là người đọc nhiều sách, có kiến thức sâu rộng. Mộ của ông nằm ở rú cát Kế Môn đơn sơ mà trang nghiêm, ấm áp và đã được công nhận là di tích quốc gia năm 2001.
Vâng, hãy đi về các làng quê để nhận được những trầm tích của quá khứ dân tộc làm vốn liếng cho mình…


N.Minh

Print
Tags: Di sản

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top