Di sản địa chất, công viên địa chất được “ép” công nhận là di tích: Bộ Tài nguyên và Môi trường có “vượt” quy định về di sản văn hóa?

VH- Dự thảo Thông tư “Quy định kỹ thuật về điều tra, đánh giá di sản địa chất, công viên địa chất” vừa mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra lấy ý kiến, ngay lập tức đã tạo nên sự phản ứng, rằng dường như Bộ này đang muốn vượt qua các quy định pháp luật về di sản văn hóa.

Di sản địa chất, công viên địa chất sẽ là di tích?
Trong dự thảo Thông tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra quy định xếp hạng di sản địa chất với rất nhiều tiêu chí khác nhau.Theo đó, đối với di sản địa chất cấp tỉnh: Tổng số điểm phải từ 20 đến 50 và phụ tổng giá trị khoa học và giáo dục (1) và phụ tổng tính đa dạng địa chất (2) phải từ 15 đến 25 điểm; Đối với di sản địa chất cấp quốc gia: Tổng số điểm phải lớn hơn 50 và phụ tổng giá trị khoa học và giáo dục (1) và phụ tổng tính đa dạng địa chất (2) phải từ 25 đến 35 điểm; Đối với di sản địa chất cấp quốc gia đặc biệt: Tổng số điểm phải lớn hơn 50 và phụ tổng giá trị khoa học và giáo dục (1) và phụ tổng tính đa dạng địa chất (2) phải lớn hơn hoặc bằng 35 điểm.
Cũng theo dự thảo, xếp hạng công viên địa chất gồm 2 cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt. Điều kiện để công nhận công viên địa chất quốc gia: Quy mô, diện tích của công viên địa chất chiếm diện tích một vài huyện của một tỉnh hoặc liên tỉnh; Tính đa dạng của các kiểu loại di sản địa chất là các di sản địa chất phải đa dạng, thuộc nhiều kiểu loại; Số lượng các di sản địa chất phải có nhiều điểm di sản địa chất và được phân bố trên toàn diện tích công viên địa chất, tương đối thuận lợi cho bảo tồn cũng như khai thác, sử dụng; Có các di sản địa chất được xếp loại quốc gia; và các di sản địa chất đã, đang và/hoặc sẽ được bảo tồn và khai thác sử dụng một cách tổng thể, bền vững; Đa dạng các giá trị di sản khác (văn hóa, xã hội, lịch sử, đa dạng sinh học, v.v.), được xếp hạng quốc gia; các di sản đã và đang được bảo tồn và khai thác sử dụng bền vững; Vai trò của công viên địa chất đối với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường của khu vực (vùng miền, tỉnh, huyện): Có vai trò đáng kể trong việc thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cũng như các hoạt động giáo dục và nghiên cứu khoa học; Điểm đánh giá: tổng điểm đánh giá phải bằng hoặc trên 50% số điểm tối đa theo các tiêu chí được nêu ở Phụ lục IV kèm theo Thông tư này. Điểm đánh giá là cơ sở để đề nghị công nhận xếp hạng công viên địa chất. Trong đó, mỗi nhóm tiêu chí (gồm có 5 nhóm tiêu chí) phải đạt bằng hoặc trên 50% số điểm tối đa.
Điều kiện để công nhận công viên địa chất quốc gia hạng đặc biệt đòi hỏi công viên địa chất đó trước hết phải được công nhận là Công viên địa chất quốc gia; Có các di sản địa chất và di sản khác được công nhận là di sản quốc gia đặc biệt. Đáng nói hơn, dự thảo Thông tư này còn đưa ra những quy định hơi bị... khó hiểu: Xếp hạng di sản địa chất, công viên địa chất thực hiện theo quy định tại văn bản pháp luật về di sản văn hóa. Hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản địa chất, công viên địa chất được lập theo quy định của Bộ VHTTDL. Hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản địa chất cấp tỉnh được trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản địa chất, công viên địa chất cấp quốc gia được trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng di tích quốc gia, cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia. Hồ sơ đề nghị xếp hạng di sản địa chất, công viên địa chất cấp quốc gia đặc biệt được trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL để xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di sản quốc gia đặc biệt, lập hồ sơ khoa học di sản tiêu biểu của Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đề nghị UNESCO xem xét đưa vào danh mục di sản thế giới. Nhận định về những quy định trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội KH lịch sử VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, thở dài: “Vậy Luật Di sản văn hóa ở đâu rồi, thưa ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường?”.
Cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa
Cũng theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, nếu dự thảo Thông tư này được ban hành và không được sửa đổi, bổ sung thì sẽ không đúng với tinh thần, quy định pháp luật về di sản văn hóa. Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất như trong dự thảo Thông tư là điều đáng hoan nghênh vì hiện nay nhiều di sản thiên nhiên của chúng ta đang bị xâm hại nghiêm trọng, cần phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, ngăn chặn. Nhưng nếu muốn được công nhận những di sản thiên nhiên đó thì cần phải thực hiện đúng theo các quy định về di sản văn hóa, chứ không thể tự mình đưa ra hệ quy chiếu riêng, tiêu chí riêng rồi “ép” tất cả di sản địa chất, công viên địa chất trở thành di tích cấp tỉnh, quốc gia hay quốc gia đặc biệt. Ông còn nói thêm, hình như Bộ Tài nguyên và Môi trường đang “lấn sân” sang lĩnh vực quản lý di sản văn hóa?
Trả lời câu hỏi, hiện Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và những văn bản dưới luật đã quy định rất rõ tiêu chuẩn xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, và cấp quốc gia đặc biệt.Tuy nhiên, bên cạnh đó dự thảo Thông tư mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra lấy ý kiến cũng quy định hàng loạt tiêu chí để di sản địa chất, công viên địa chất trở thành di tích. Vậy, các tổ chức cá nhân phải ứng xử như thế nào cho đúng? Một chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa cho biết, trước hết trong Luật Di sản văn hóa không hề có khái niệm nào về di sản địa chất, công viên địa chất. Thứ nữa, trong Luật Di sản văn hóa đã có khái niệm “Danh lam thắng cảnh”, trong đó đã bao gồm khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù khu vực thiên nhiên, chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái đất. Vì thế có nhất thiết phải xếp hạng, công nhận di sản địa chất, công viên địa chất là di tích. Vị chuyên gia này còn khẳng định: “Luật bao giờ cũng có tính pháp lý cao hơn Nghị định. Nghị định cao hơn Thông tư. Bởi vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường muốn đưa di sản địa chất, công viên địa chất vào danh mục di tích, nghĩa là được Nhà nước xếp hạng thì cần phải tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa. Nói cách khác, phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn mà Luật Di sản văn hóa quy định chứ không thể áp dụng tiêu chí do Bộ này đưa ra”.
Liên quan đến nội dung của dự thảo Thông tư, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết, thực ra các tiêu chí để di sản địa chất trở thành di tích cấp này hay cấp kia do Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất trong dự thảo đã được khái quát trong Luật Di sản văn hóa. Ví dụ, trong luật đã quy định di tích quốc gia phải là “Cảnh quan thiên nhiên đẹp hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc, nghệ thuật hoặc khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù… Vì vậy, có nhất thiết công nhận di sản địa chất là di tích nữa hay không, theo cá nhân tôi là không cần thiết”, ông Bài nói.
Cũng theo nhiều chuyên gia, trong nội dung dự thảo Thông tư này có rất nhiều nội dung đáng bàn, đơn cử như một di sản địa chất sau khi hoàn thành việc điều tra, đánh giá và trở thành di tích thì cần phải có hai bộ hồ sơ. Một bộ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, và một bộ phải thực hiện theo quy định của Bộ VHTTDL. Thứ nữa, nếu nghiên cứu kỹ thì đang có sự chồng chéo trong vai trò quản lý nhà nước, một bên là về khoáng sản và một bên là di sản văn hóa. Có ý kiến cho rằng, trước khi thông qua bản dự thảo này, Bộ VHTTDL và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự trao đổi, thống nhất về những nội dung còn đang gây tranh cãi.


Nguyễn Hòa
 

Ý kiến bạn đọc