Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Gia Lai: Bảo tồn di sản văn hoá gắn liền với phát triển du lịch

Thứ Hai 04/03/2019 | 10:29 GMT+7

VHO - Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, rất nhiều di tích, cụm di tích lịch sử như Cụm di tích Tây Sơn thượng đạo, cụm di tích đình Tân Lai… (thuộc thị xã An Khê, Gia Lai) được tu bổ, bảo tồn. Cùng với đó, UBND Thị xã An Khê (Gia Lai) cũng đã yêu cầu phòng chức năng phối hợp lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Gia Lai công nhận hàng chục di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua đó, các di tích trên đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo người dân và du khách tới tham quan.

 

Lễ hội thờ cúng anh em nhà Tây Sơn tam kiệt tại An Khê

Theo nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Chămpa Trần Kỳ Phương, nhà Tây Sơn đã để lại nhiều công trình kiến trúc trải dài trên tỉnh Gia Lai. Tại An Khê, dù số lượng công trình đến nay còn sót lại không nhiều nhưng chứa đựng những giá trị vô cùng lớn, bởi đây là nơi khởi xuất phong trào Tây Sơn.

Còn GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, An Khê không chỉ đặc biệt về địa thế mà còn liên quan đến di sản, lịch sử. Mới đây, các nhà khảo cổ học đã dày công khai quật và ghi nhận đây là vùng sớm nhất của Việt Nam có sự tụ cư của con người với hệ thống các di tích sơ kỳ đá cũ có niên đại 700.000 - 800.000 năm.

Khu di tích Tây Sơn thượng đạo ở đầu những năm 70 của thế kỷ XVIII là căn cứ khởi nghĩa, mở đầu chương sử huy hoàng của thời đại Tây Sơn, đồng thời mở ra chương sử mới của lịch sử đất nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch - Bí thư Thị ủy An Khê cho biết, hàng năm, Thị ủy đều chỉ đạo UBND Thị xã An Khê cân đối ngân sách để tôn tạo các hạng mục di tích, phục dựng các nghi thức quan trọng, thăm nom hương khói tại các gian điện thờ...“Không thể để di sản mai một, UBND tỉnh Gia Lai đã định hướng bảo tồn phải gắn liền phát triển du lịch di sản tại thị xã An Khê. Do đó, tỉnh Gia Lai đã tổ chức Hội thảo nhằm nhận diện giá trị di sản, tìm ra các phương án bảo tồn và phát huy giá trị quý giá mà thị xã An Khê đang có”, bà Lịch nêu rõ.

Ông Dương Thanh Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã An Khê cho biết: Mới đây, UBND thị xã An Khê đã chỉ định lập hồ sơ 3 công trình văn hóa, gồm: cụm di tích đình Tân Lai (còn gọi là miếu Tân Lai, miếu Tân Chánh), đình Tân An cùng trên địa bàn phường An Bình và Thanh Minh tự ở phường An Phú.

Qua khảo sát cho thấy, cụm 3 công trình văn hóa này được hình thành từ cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, dù trãi qua hàng trăm năm tuổi, nhưng các nét kiến trúc chính tại các đình, miếu này vẫn còn nguyên vẹn nét kiến trúc cổ xưa. Trong đó, đình Tân Lai và đình Tân An vẫn còn lưu giữ các sắc phong của vua ban.

Bên cạnh việc thờ cúng Thành hoàng làng, các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn vùng đất mới từ khi khởi xây thì các đình này còn là nơi được người dân địa phương thường xuyên tổ chức hội họp vào mỗi dịp lễ, Tết với ước nguyện cầu mong mưa thuận gió hòa, dân làng no đủ.

Ngoài cụm công trình văn hóa trên đang được lập hồ sơ trình UBND tỉnh Gia Lai công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh, theo thống kê, trên địa bàn thị xã An Khê hiện có 36 đình, miếu, vạn; trong đó có 6 đình vẫn còn lưu giữ sắc phong của các đời vua Tự Đức, Duy Tân. Theo ông Hà, thị xã An Khê cũng là địa phương sở hữu số lượng đình, miếu, vạn cổ xưa nhiều nhất tỉnh, nổi bật là cụm di tích lịch sử Tây Sơn thượng đạo (Bộ VHTTDL cấp bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991). Nơi đây được nhân dân lập nên để thờ cúng anh em nhà Tây Sơn, những người có công lớn trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, nơi đây cũng thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong nước, quốc tế tới tham quan.

NGUYỄN GIÁC

Print
Tags:

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top