Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23.11: Người dân “góp gạo” PCCC di sản Hội An

Thứ Sáu 23/11/2018 | 10:39 GMT+7

VHO- “An toàn cho di tích là tâm nguyện và trách nhiệm của mỗi người dân, vì thế ai nấy đều tích cực đóng góp…”. Đó là suy nghĩ chung của những chủ nhân di sản thế giới đô thị cổ Hội An (Quảng Nam) khi góp phần trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nơi đây.

 

 

Diễn tập PCCC tại đô thị cổ Hội An

UBND TP Hội An vừa tiến hành bàn giao mặt bằng thi công công trình phòng chống cháy trong khu phố cổ Hội An cho đơn vị thi công. Tổng kinh phí đầu tư để thực hiện dự án gần 5,16 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP và nhân dân đóng góp tự thực hiện.

Nâng cấp để phù hợp với đặc thù khu phố cổ

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa TP Hội An cho biết, cách đây hơn 10 năm, từ nguồn ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố đã được đầu tư lắp đặt hệ thống ống dẫn nước ngầm và đường dây cứu hỏa ở tất cả các tuyến phố đi bộ. Hiện nay hệ thống này đã xuống cấp nghiêm trọng và vận hành hết sức khó khăn. Các thiết bị chữa cháy được đầu tư vào thời điểm đó đến nay đã lạc hậu, bị hư hỏng như xì hơi, không đủ áp lực để bơm nước khi gặp sự cố cháy nổ,…

Dự án chuẩn bị thi công sẽ dựa trên cơ sở hạ tầng của hệ thống trước đây để nâng cấp, cải tạo lại, đồng thời sẽ đầu tư thêm những thiết bị hiện đại, phù hợp với địa hình, điều kiện của khu phố cổ. Cụ thể sẽ xây dựng hệ thống điều hành tập trung, sửa chữa đường ống cấp nước PCCC đã được lắp đặt trước đây. Về sau sẽ tập huấn cho lực lượng dân phòng, người dân… phòng trong trường hợp có cháy nổ sẽ huy động tối đa lực lượng tại chỗ sử dụng, kéo ống trong bán kính 50-100m để dập tắt bước đầu vì đặc thù trong khu di sản khó có thể huy động xe cứu hỏa vào ngay lập tức.

 Diễn tập chữa cháy tại Khu phố cổ Hội An năm 2017

Thí điểm lắp đặt hệthống báo cháy tựđộng tại 40 di tích loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thuộc đường Trần Phú; lắp đặt thiết bị chữa cháy trong di tích,… Trước đây hệ thống báo cháy tự động tại các điểm trong khu di sản theo nguyên lý bốc khói tự động, nhưng do tại các điểm di tích hoặc các cơ sở kinh doanh thường xuyên thắp hương, đốt giấy vàng bạc nên gặp khó khăn trong việc phát hiện. Với công trình mới này sẽ thí điểm lắp đặt hệ thống báo cháy tự động theo nguyên lý cảm ứng nhiệt tại một số di tích đặc biệt.

Ông Trung cũng cho biết, với dự án mới TP sẽ hỗ trợ, cùng với sự tham gia của cộng đồng vào công tác PCCC. Trước mắt đối với các di tích đặc biệt, các địa điểm trong khu di sản đang kinh doanh các mặt hàng có khả năng cháy nổ cao như nhà hàng, quán bar, karaoke, cơ sở kinh doanh lưu trú, cửa hàng bán vải vóc, may mặc, các mặt hàng lưu niệm… các ngành chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát lại hệ thống điện, trang thiết bị PCCC. Trên cơ sở đó sẽ hỗ trợ các chủ di tích, các cơ sở kinh doanh các mặt hàng đặc biệt có nguy cơ cháy nổ cao thay đổi tất cả các thiết bị điện đã lạc hậu, hư hỏng bằng thiết bị đảm bảo an toàn. Hỗ trợ lắp đặt hệ thống bình cứu hỏa, quả cầu chống cháy, góp phần kịp thời ứng phó với nguy cơ thường trực về cháy, đảm bảo an toàn cho các di tích và đặc biệt là người dân đang sinh sống, du khách tham quan phố cổ.

Ngoài ra còn thực hiện các hạng mục như cải tạo hệ thống điện trong nhà; lắp đặt thiết bị dò rò rỉ khí gas. Bên cạnh đó sẽ tập trung một số nhiệm vụ như xây dựng lực lượng dân phòng thường trực vận hành, quản lý, sử dụng hệ thống chữa cháy KPC đảm bảo hiệu quả. Quy hoạch, xây dựng các điểm lấy nước chữa cháy tại tuyến đường Bạch Đằng. Rà soát và tổng kiểm tra toàn diện điều kiện an toàn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình trong khu di sản và các vùng phụ cận. Từ đó sẽ xây dựng phương án PCCC, có biện pháp khắc phục, loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện có nguy cơ gây cháy, nổ. Có phương án di dời những ngành hàng, cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao ra khỏi khu di sản. Buộc toàn bộ các hộ kinh doanh phải trang bị đầy đủ bình chữa cháy mini.

TP Hội An cũng đang chờ cấp trên phê duyệt đề án hỗ trợ 200 tỉ đồng xây dựng hệ thống PCCC tại chỗ nhằm góp phần giải bài toán hỏa hoạn khiến chính quyền địa phương và người dân băn khoăn.

 Người dân tham gia dập lửa tại đám cháy trên đường Trần Phú

“Huy động” trách nhiệm của mỗi người dân

Đô thị cổ Hội An có diện tích hơn 0,3 km2, trong đó có 1.400 di tích, gần 1.400 hộ kinh doanh, sinh sống và 976 hộ kinh doanh tại chợ Hội An. Hầu hết nhà ở, kết hợp kinh doanh vật liệu chủ yếu là gỗ, liền kề, bên trong thường tích trữ lượng hàng hóa lớn như vải, quần áo, hàng lưu niệm cùng vật dụng gia đình. Một số trường hợp nhà cho thuê kinh doanh nhưng ban đêm không có người trông coi. Tại các di tích thường xuyên có người tham quan, đốt hương đèn, vàng mã. Chính vì thế nguy cơ xảy ra cháy ở đây là rất cao, cháy lan, cháy lớn, công tác tổ chức chữa cháy cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2016 đến nay đã xảy ra 12 vụ cháy trên địa bàn Hội An, trong đó phần lớn là những vụ cháy xảy ra ở khu di sản, nguyên nhân chủ yếu là do chập điện, hoặc do người dân, hoặc chủ các cửa hàng thuê nhà cổ kinh doanh thắp hương dẫn đến phát hỏa. Do đặc thù đường phố chật hẹp, người dân và du khách đi lại đông đúc nên lực lượng cứu hỏa cũng gặp nhiều cản trở, khó khăn khi tiếp cận hiện trường cháy. Hầu hết các vụ cháy đã xảy ra đều do người dân sống ở phố cổ tự xoay xở, dùng bình chữa cháy mini khống chế và dập tắt bước đầu,...

Năm 2017, TP Hội An cùng với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Quảng Nam đã tổ chức “Diễn đàn lắng nghe ý kiến của nhân dân về đảm bảo PCCC trong KPC-Hội An” cho hơn 500 người dân, chủ cơ sở kinh doanh của phường trung tâm phố cổ. Tổ chức cuộc diễn tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ quy mô lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh Quảng Nam cùng chương trình phát động và tuyên truyền PCCC với hơn 4.000 tờ gấp được phát hành, tổ chức tư vấn và thực hành chữa cháy, hướng dẫn trực tiếp các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và cách xử lý khi có cháy xảy ra.

Ông Phạm Ngọc Lực, Khối trưởng Khối phố An Thái (phường Minh An) cho biết nhà trong khu di sản chật chội, hầu như nhà nào cũng buôn bán kinh doanh hàng hóa dễ cháy. Nhờ tham gia các buổi tư vấn, diễn đàn như thế này người dân cũng nâng cao ý thức, nắm bắt nhiều hơn cách PCCC. Trực tiếp trao đổi với ngành chức năng về thực trạng, nguy cơ cháy, đề xuất những giải pháp PCCC phù hợp trong KPC.

Ông Đặng Mai, chủ nhà hàng ăn uống trên đường Bạch Đằng, chia sẻ, tham gia buổi tư vấn thực hành chữa cháy, gia đình và nhân viên cập nhật được rất nhiều kiến thức PCCC rất “sát sườn”. Mỗi nhà, cơ sở trong khu di sản phải trang bị 2 bình chữa cháy loại khí 4 kg và loại bột 4 kg, 1 bình nước dự trữ và các vật dụng để phá dỡ như rìu, búa, kìm cộng lực. Ông Mai cũng đề xuất, TP nên có một đội kiểm tra, thường xuyên nhắc nhở từng nhà, từng cơ sở kinh doanh, từng chủ di tích,… trong KPC về công tác PCCC.

 Hiện tất cả thôn, khối phố ở 13/13 xã-phường của Hội An đã thành lập 77 đội PCCC dân phòng với 616 thành viên, kiêm nhiệm cùng lực lượng bảo vệ dân phòng, dân quân tự vệ. Ngoài ra, có 61 đội PCCC cơ sở với 880 thành viên ở cơ quan, khách sạn, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong đó có 225 thành viên được cấp giấy chứng nhận đã qua tập huấn nghiệp vụ PCCC.

 


 KHÁNH CHI

Print

Góc ảnh

Xem nhiều nhất

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình,Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top