Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi

VHO- Sáng 21.11, Sở VHTT TP Đà Nẵng phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng đã tổ chức tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật của Bài chòi thành phố Đà Nẵng”. Đông đảo đại biểu là các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ nhân, nghệ si về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng đã có mặt tại tọa đàm để cùng thảo luận, tìm ra định hướng để bảo tồn phát huy giá trị của di sản Bài chòi.

Để Bài chòi luôn có chỗ đứng

Nghệ thuật Bài chòi ở thành phố Đà Nẵng là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền, dịp lễ hội, trong các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của cộng đồng địa phương. Trong đó phong trào hô hát Bài chòi phát triển mạnh nhất ở huyện Hòa Vang và nhận được sự hưởng ứng, yêu mến của đại bộ phận người dân địa phương. Điều đó chứng tỏ, Bài chòi vẫn có sức sống mạnh mẽ, được nuôi dưỡng, trao truyền trong nhân dân, trong làng xã và được người dân hưởng ứng, yêu thích. 

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi - ảnh 1
Tọa đàm "Giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi" sáng 21.11

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 5 nghệ nhân ưu tú đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Nghệ nhân ưu tú về lĩnh vực Bài Chòi; 10 nhóm/đội, Câu lạc bộ Bài chòi, tập trung ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và ở huyện Hòa Vang. Trong đó có 7 nhóm (đội) và 3 câu lạc bộ; tổng số người tham gia các Câu lạc bộ, nhóm/đội và biết hô/hát Bài chòi trên địa bàn thành phố là trên 200 người. Trong đó, có khoảng 36 nghệ nhân làm anh Hiệu trong các hội chơi Bài chòi, 5 nghệ nhân độc diễn Bài Chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ Bài chòi, 6 người biết đàn Bài chòi, 49 người có khả năng truyền dạy.

Trước nguy cơ nghệ thuật Bài chòi bị lãng quên, mai một, thành phố Đà Nẵng cũng đã có sáng kiến lồng ghép nghệ thuật Bài chòi vào những sự kiện văn hóa, du lịch lớn của thành phố, Hội chơi Bài chòi được tổ chức thường xuyên vào các tối thứ Bảy và Chủ Nhật ở bờ đông cầu Rồng đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách, từng bước tạo sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn. 
Tuy nhiên, như bà Nguyễn Thị Hội An - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng chia sẻ, nghệ thuật Bài chòi dù là di sản, có chỗ đứng nhất định trong “sân khấu lớn” của nghệ thuật của Đà Nẵng, nhưng Bài chòi khi đặt trước tình hình mới vẫn gặp phải nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi những người làm nghệ thuật, những nhà nghiên cứu Bài chòi phải thể hiện sức sáng tạo mãnh liệt đối với loại hình nghệ thuật này.

Đào tạo đi đôi với sáng tạo

Trên thực tế, tại Đà Nẵng, hiện nay số lượng người sáng tác lời cho Bài chòi rất ít, lớp người am hiểu về nghệ thuật Bài chòi thì tuổi đã cao, sức sáng tạo và truyền đạt không còn “lửa”. Các nghệ nhân, nhà nghiên cứu đều cho rằng muốn bảo tồn Bài chòi thì phải đào tạo lớp kế cận nếu không muốn Bài chòi mau chóng bị mai một. 

Theo bà Nguyễn Thị Lệ - Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên H. Hòa Vang, nghệ thuật Bài chòi hiện nay đang dần nhạt nhòa vì không có sự đổi mới để hấp dẫn lớp trẻ. Một trong những hạn chế đó vấn đề thiếu tác giả, thiếu người viết kịch bản, chủ yếu sử dụng những câu hát cổ, tác phẩm có sẵn mà thiếu đi sự sáng tạo.

Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi - ảnh 2

Sân khấu Bài chòi bên bờ sông Hàn Đà Nẵng vẫn tấp nập mỗi tối cuối tuần

Là một trong những nghệ sĩ tâm huyết sáng tác đã cải tiến, sáng tác rất nhiều lời hát mới cho Bài chòi, ông Trần Nhật Bằng - Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cũng cho rằng điều cốt lõi phải là đào tạo kịp thời và liên tục: “Một trong những khó khăn trong việc phát huy bài chòi là do công tác truyền dạy còn hạn chế, quá trình tìm kiếm, đào tạo những người thực sự có tố chất để kế thừa nghệ thuật truyền thống độc đáo này còn gặp nhiều khó khăn. Bài Chòi vẫn đi vào đời sống ghê lắm, đi diễn ở đâu cũng được vỗ tay, cũng được bà con hoan nghênh đòi diễn lại. Nhưng muốn đào tạo được nghệ nhân Bài chòi không phải là dễ, “quanh năm tập huấn, bốn mùa hội thi” may ra mới phát hiện “hạt nhân. Đào tạo trăm người cũng chỉ chọn được 3,4 người đáp ứng được tiêu chí của Bài chòi”.

Các nghệ nhân nhận định, việc phát huy, làm mới giá trị của di sản Bài chòi phụ thuộc không nhỏ vào việc tổ chức những liên hoan sân khấu dân ca Bài chòi,  lồng ghép các cuộc thi sáng tác kịch bản, sáng tác lời mới cho Bài chòi, thông qua đó tìm kiếm và tuyển chọn những nhân tố mới, tác phẩm hay để phục vụ công chúng. Bên cạnh đó cần có sự quan tâm của chính quyền để giải quyết phần nào những khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài chòi. Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Nguyễn Hữu Mai phải thừa nhận: “Nghệ nhân Bài chòi ở nông thôn không đủ tiền uống nước. Nếu để khó khăn bủa vây người nghệ sĩ, nghệ thuật cũng sẽ bị mai một. Vẫn còn đó những người nghệ sĩ yêu Bài chòi, hết lòng với nghệ thuật dân gian, nhưng phải có sự quan tâm đồng bộ của các ngành chức năng để loại hình nghệ thuật này được bảo tồn và phát huy một cách tốt nhất”.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc