Để phát triển các ngành công nghiệp văn hoá trong thời đại số
VHO - Nhằm tìm giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo trong thời đại số, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) phối hợp với Netflix tổ chức Hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý của các bộ, ban, ngành như Bộ VHTTDL, Bộ Thông tin và Truyền thông… các thành phố mong muốn tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN); các Trung tâm văn hoá nước ngoài tại Việt Nam, các chuyên gia trong nước và quốc tế và đông đảo nghệ sỹ, người hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam.
Cơ hội từ công nghệ số
Theo TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), sự đột phá của công nghệ số mang lại nhiều cơ hội cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo, đảm bảo sự tiếp cận cho mọi người và văn hoá, sáng tạo trở thành nguồn lực phát triển kinh tế một cách bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu của Liên hợp quốc.
TS Nguyễn Anh Minh đưa ra ví dụ sinh động về cơ hội do công nghệ số mang lại từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lấy ví dụ đầy thuyết phục về cơ hội mà công nghệ số mang lại tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. “Công nghệ số đã làm thay đổi tất cả, làm di sản trở nên hấp dẫn, sống động hơn với công chúng. Bảo tàng Mỹ thuật là nơi lưu giữ báu vật của mỹ thuật Việt Nam nhưng trong một thời gian dài, Bảo tàng không phải là điểm đến thú vị của công chúng. Khi đó trung bình mỗi năm Bảo tàng đón một con số khách rất khiêm tốn khoảng 50.000 lượt khách trong đó có tới 90% là khách quốc tế, 10% là khách trong nước nhưng chủ yếu là khách nghiên cứu quan tâm đến mỹ thuật. Thậm chí các hướng dẫn viên còn rất “sợ” khi vào Bảo tàng Mỹ thuật vì họ không hiểu, không biết sẽ hướng dẫn thế nào cho du khách”, TS Nguyễn Anh Minh nêu thực tế của Bảo tàng Mỹ thuật vắng khách thời điểm chưa áp dụng công nghệ số.
Trước thực trạng đáng lo ngại này, những người có trách nhiệm ở Bảo tàng Mỹ thuật đã có nhiều trăn trở để tìm hướng ra và lời giải cho bài toán khó đã được tìm ra vào năm 2017 khi Bảo tàng quyết định áp dụng công nghệ số. Một dự án phối hợp công - tư lần đầu tiên được áp dụng trong lĩnh vực này đã được trình lên Bộ VHTTDL. Tuy nhiên cái vướng là cơ chế, chính sách vì thế phải sau 1 năm tháo gỡ, dự án mới được triển khai. “Đây là dự án win - win, đôi bên cùng có lợi, chúng tôi góp tài nguyên di sản, phía đối tác giúp đỡ mặt công nghệ để cùng vận hành khai thác dự án, làm “sống” lại Bảo tàng”, TS Nguyễn Anh Minh nói.
Ông Minh cũng cho biết, ứng dụng iMuseum VFA tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có tới 8 ngôn ngữ và sắp tới sẽ đưa vào thêm ngôn ngữ thứ 9 để phục vụ tốt hơn cho du khách. Sau 2 năm sử dụng ứng dụng, điều đáng mừng là du khách đón nhận và đánh giá cao, Bảo tàng cũng thoát khỏi cảnh đìu hiu khi con số khách thăm quan tăng đột biến, gấp đôi so vơi trước.
Thách thức và bài học từ các nước
Cũng theo TS Nguyễn Phương Hoà, việc chuyển đổi số, sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đã đặt ra nhiều thách thức như vấn đề bản quyền tác giả, mất an toàn, an ninh mạng, tác động trực tiếp đến quyền và sinh kế của những người thực hành văn hóa, nhà sáng tạo.
TS Nguyễn Phương Hòa cho rằng công nghệ số mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp văn hoá và nghệ thuật đương đại, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, một thách thức khác mà cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra là việc công nghệ số đã đang làm biến đổi chuỗi giá trị văn hoá gồm sáng tạo, sản xuất, phân phối, tiêu dùng và thụ hưởng. Từ mô hình “đường ống” truyền thống theo đó các khâu trong chuỗi sáng tạo tiếp nối nhau theo đường tuyến tính, giờ đây dưới tác động của công nghệ số, chuỗi giá trị này bị biến đổi sang mô hình mạng lưới mà ở đó sự phổ biến của điện thoại di động và các thiết bị thông minh đã thu hẹp đáng kể chi phí và thời gian làm việc trên tất cả các liên kết trong chuỗi giá trị, điều này đặc biệt có lợi cho những nhân tố mới xuất hiện như nghệ sĩ kỹ thuật số, người sáng tạo tự phân phối, nhà xuất bản điện tử, công ty khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng trực tuyến…
Mô hình này cho phép người tiêu dùng, khán giả có thể can thiệp vào quá trình sáng tạo của nghệ sĩ và người sáng tạo như thay đổi cốt truyện, thay đổi kết phim, đồng sáng tác, đồng tác giả trong thơ ca, văn học, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác hoặc cũng cho phép nghệ sĩ được kết nối trực tiếp với công chúng, bỏ qua các giai đoạn thông thường của chuỗi giá trị. Thách thức của sự biến đổi về mô hình chuỗi giá trị trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo nằm ở chỗ thiếu vắng các quy định và khuôn khổ pháp lý về quản lý và cả các cơ chế hỗ trợ bảo vệ các bên liên quan trong chuỗi giá trị này.
Để hoá giải các thách thức này, theo các chuyên gia, chúng ta cần có các chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong môi trường số tại Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Choi Seung Jin, Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, về chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa trong thời đại công nghệ số của Hàn Quốc có ba nội dung chính. Đó là bồi dưỡng nguồn nhân lực với khả năng sáng tạo. Chính phủ hàn Quốc đã xây dựng cơ chế hợp tác, kết hợp giữa trường học và doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động hỗ trợ cho những người thuộc lĩnh vực công nghệ văn hóa, sáng tạo.
Tiếp theo là hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp. “Chúng ta có thể nhận thấy có một đặc điểm ở các doanh nghiệp khởi nghiệp là thường gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu tiên và cũng có những doanh nghiệp sẽ thất bại. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng một hệ thống xác định quá trình phát triển của các doanh nghiệp ở từng giai đoạn và đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp cho từng giai đoạn để có thể phát triển liên tục. Tiếp theo là hỗ trợ về tài chính, đây chính là hỗ trợ quan trọng nhất.
Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều sự tương đồng và những kinh nghiệm về phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc sẽ là những gợi ý thiết thực để Việt Nam có thể thực hiện.
THU SÂM