Bộ VHTTDL tích cực triển khai Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
VHO- Đây là ghi nhận của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ do Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến dẫn đầu về tình hình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; ban hành văn bản quy định chi tiết, định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và công tác pháp chế tại Bộ VHTTDL.
Toàn cảnh buổi làm việc Ảnh: T.CÔNG
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngô Thị Ngọc Oanh cho biết, thực hiện Quyết định số 1323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các Nghị định hướng dẫn thi hành pháp luật trong lĩnh vực quản lý; tổ chức các hội nghị quán triệt các nội dung của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Đảng ủy, Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức Chương trình tập huấn hằng năm cho cán bộ cấp ủy, công đoàn, trong đó đã dành một chuyên đề giới thiệu về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành; những chính sách, pháp luật mới của ngành cần được xây dựng hoặc đang xây dựng; một số nghiệp vụ xây dựng pháp luật cơ bản cho cán bộ cấp ủy, công đoàn… Tháng 12 hằng năm, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành các kế hoạch của năm liền kề. Đặc biệt, trong việc tổ chức thực hiện Chương trình, Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, định kỳ hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, Bộ VHTTDL tổ chức họp trao đổi, rà soát, đôn đốc tiến độ, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của các đơn vị thuộc Bộ để có điều chỉnh kịp thời và đôn đốc các đơn vị thực hiện đúng tiến độ Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Năm 2022, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác xây dựng pháp luật của Bộ, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành. Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, Bộ VHTTDL đã soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành 2 Luật, 4 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 20 Thông tư. Việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Năm 2021- 2022, Bộ VHTTDL lập đề nghị xây dựng 3 luật: Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; 6 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng hoàn thành việc rà soát các văn kiện của Đảng, các văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... giao nhiệm vụ nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung các dự án luật, nghị quyết.
Về triển khai Chương trình xây dựng pháp luật 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, cho thấy năm 2022 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật khá lớn mà Bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền, trong đó có 2 dự án Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 tháng 5.2022 gồm: Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến; 1 văn bản Luật đã được rà soát, đánh giá và Chính phủ đã đồng ý chủ trương đề nghị xây dựng là Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), 2 Nghị định đã được Chính phủ ban hành gồm: Nghị định số 22/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 32/NĐ-CP về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh (Phần điện ảnh) và Nghị định số 30/2022/NĐ-CP quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia. 2 Thông tư đã được Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành theo thẩm quyền…
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các thành viên Đoàn công tác, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Lê Thanh Liêm cho biết, Bộ VHTTDL là Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, phạm vi quản lý rộng, do đó văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch có số lượng lớn, nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, nhiều văn bản chứa đựng những quy định khó quy phạm hóa… Tuy nhiên, công tác phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, Bộ VHTTDL nhận được sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm của Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan, góp phần cho công tác xây dựng pháp luật được đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Vụ trưởng Vụ Pháp chế khẳng định tất cả các quy trình thủ tục quy định xây dựng pháp luật, Bộ VHTTDL đã triển khai nghiêm túc và có kế hoạch. Công tác pháp chế không chỉ triển khai ở trung ương mà còn đến tất cả các địa phương, hằng năm, Vụ Pháp chế có tổ chức đoàn kiểm tra tới 5 đến 6 địa phương với tinh thần sát sao tìm hiểu, nhằm tháo gỡ những khó khăn của địa phương và định hướng phát triển chung cho toàn ngành.
Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành ông Nguyễn Hồng Tuyến, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) nhìn nhận, qua báo cáo của Bộ VHTTDL cũng như đại diện một số cơ quan trực thuộc Bộ, đoàn kiểm tra đánh giá cao công tác xây dựng và thực hiện công tác pháp chế của Bộ VHTTDL rất bài bản. Đoàn kiểm tra đề nghị Vụ Pháp chế cần tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL cần chú trọng nâng cao hơn nguồn kinh phí và mức chi cho công tác xây dựng pháp luật. Bộ VHTTDL cũng cần đẩy nhanh tiến độ trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Để đẩy mạnh hiệu quả công tác này trong thời gian tới, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị Bộ VHTTDL cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành và tiếp tục triển khai hoạt động này sát sao và sâu rộng hơn. Đoàn Kiểm tra cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Bộ VHTTDL và sẽ tổng hợp để xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
HIỀN LƯƠNG