Khối trường VHNT Bộ VHTTDL: Sẵn sàng “chiêu mộ” tài năng hệ trung cấp

VHO- Những cơ sở giáo dục đại học thuộc lĩnh vực VHNT của Bộ VHTTDL sẽ tiếp tục được tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng mang tính đặc thù. Bất cập, vướng mắc đã giải tỏa, công tác tuyển sinh năm 2021 đang được các trường khởi động với một tâm thế sẵn sàng.

Khối trường VHNT Bộ VHTTDL: Sẵn sàng “chiêu mộ” tài năng hệ trung cấp - Anh 1

 Tiết mục biểu diễn của học sinh Học viện Múa Việt Nam

 Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, Dự thảo Nghị định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật để phù hợp với thực tiễn đang được cơ quan chức năng gấp rút xây dựng. Khó có thể nói hết niềm vui của thầy và trò khi “nút thắt” bao lâu nay đã được tháo gỡ.

Nhiều phương án ứng phó tuyển sinh trong mùa dịch

Trong thông báo gửi thí sinh, các trường cho biết sẽ xét nghiệm Covid-19 bắt buộc, thí sinh tham gia tuyển sinh sẽ phải tuân thủ tuyệt đối quy định “5K” của Bộ Y tế bao gồm đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế, tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên nhà trường. Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, TS Lê Anh Tuấn cho biết, hiện Học viện đã nhận được hơn 600 hồ sơ đăng ký online vào học hệ trung cấp, trong khi chỉ tiêu dự kiến khoảng từ 200 đến 250. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng thi tuyển và an toàn phòng, chống dịch, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam quyết định sẽ lùi lịch tuyển sinh.

Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam Ngô Lê Thắng cho biết, thời gian tuyển sinh của trường không phụ thuộc vào việc phải thi cùng đợt với các ngành khác. Xiếc là nghệ thuật đặc thù nên đề án tuyển sinh cũng như kế hoạch và nội dung thi sẽ có quy chế riêng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng đầu vào, nhà trường sẽ tổ chức thi tuyển thành 2 đợt. “Nếu dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trường sẽ chuyển sang phương án thi online. Dĩ nhiên, công tác tuyển sinh sẽ vất vả và kéo dài hơn khi phải hướng dẫn cho học sinh các động tác theo yêu cầu của việc dự tuyển”, ông Thắng nhấn mạnh.

Tương tự, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam Trần Văn Hải thông tin, ngoài tổ chức tuyển sinh tại Hà Nội, Học viện Múa Việt Nam sẽ tổ chức điểm tuyển sinh tại một số tỉnh, thành. Từ ngày 6 đến 28.7, Học viện sẽ nhận phiếu đăng ký dự tuyển online; từ 1.8 đến 5.8 thí sinh kiểm tra vòng sơ tuyển; từ 6.8 đến 8.8 thí sinh dự vòng chung tuyển. Ngoài ra, thí sinh đăng ký dự tuyển tại các tỉnh, thành khác sẽ trực tiếp liên hệ với đại diện văn phòng tuyển sinh của Học viện tại Tuyên Quang, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình.

Nâng cao chất lượng ngay từ “đầu vào”

Chia sẻ với Văn Hóa, lãnh đạo các cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật của Bộ VHTTDL đều cho biết, năm nay sẽ siết chặt hơn về chất lượng tuyển sinh để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Cùng với việc đổi mới phương án tuyển sinh chất lượng, nội dung và giáo trình, giáo án cũng đã và đang được các trường ráo riết nâng cao.

Hiện Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn đang tiếp nhận hồ sơ của các thí sinh đăng kí tuyển sinh hệ trung cấp 4 năm, 6 năm, 7 năm và 9 năm. Hiệu trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, sở dĩ năm nay số lượng thí sinh dự thi hệ trung cấp đông hơn là vì trước đây chỉ có Học viện đào tạo hệ sơ cấp để tạo nguồn cho hệ trung cấp và đại học. Do nhu cầu xã hội ngày càng phát triển, hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo năng khiếu nghệ thuật như các trung tâm văn hoá, câu lạc bộ, nhà văn hoá… cũng đào tạo năng khiếu nghệ thuật ở trình độ sơ cấp cho các em học sinh từ nhỏ. Điều này giúp cho Học viện có “đầu vào” dồi dào hơn, gánh nặng về kinh phí đào tạo của nhà nước cũng giảm đi khi các gia đình tự lo kinh phí để cho con em họ vừa học văn hoá ở các trường phổ thông, vừa điều tiết được thời gian học năng khiếu nghệ thuật cho phù hợp. Sau khi được đào tạo sơ cấp năng khiếu nghệ thuật, học sinh đăng ký tuyển sinh vào Học viện sẽ có định hướng rõ ràng và tâm thế tốt hơn trên con đường mà các em đã chọn.

Nghệ thuật xiếc thường tuyển học sinh ở độ tuổi rất nhỏ (từ 11 tuổi), vì vậy rất hiếm thí sinh đến đăng ký trực tiếp tại nhà trường. Bộ phận tuyển sinh ngoài đăng tuyển online sẽ phải trực tiếp đi các tỉnh, thành phố để chọn học sinh. Hiệu trưởng Ngô Lê Thắng chia sẻ, hiện nay học sinh xiếc không phải đóng tiền học văn hoá phổ thông, các em chỉ phải đóng học phí 50.000 đồng/tháng, nhưng bù lại sẽ được nhận tiền hỗ trợ nghề là 68.000 đồng/tháng. Việc tuyển sinh cho xiếc ở nhiều lứa tuổi nên trình độ học văn hoá của các cháu cũng sẽ rất khác nhau. Mỗi khoá có khoảng 35-50 học sinh từ 11-18 tuổi nên khó có thể mở lớp học văn hoá kết hợp với các trường bên ngoài. Tuy nhiên, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam có Khoa văn hoá phổ thông với đủ số lượng giảng viên cơ hữu đáp ứng việc dạy các môn cơ bản. Điều này giúp cho học sinh hệ trung cấp được đào tạo theo quy trình khép kín mang tính đặc thù.

Trong khi đó, Học viện Múa Việt Nam lại phối hợp với Trung tâm GDTX (Sở GD&ĐT Hà Nội) cấp mã định danh để học sinh có thể học văn hóa ở trong Trường nhưng vẫn đủ điều kiện tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức. Quyền Giám đốc Trần Văn Hải cho biết: “Học viện sẽ đảm bảo tính thống nhất từ tiêu chí tuyển chọn đầu vào đến khâu đánh giá kiểm định chất lượng giáo dục và cuối cùng là chuẩn đầu ra một cách xuyên suốt. Hiện Học viện đang tiếp tục hoàn thiện, xây dựng và chỉnh sửa, bổ sung chương trình, giáo trình ở các hệ đào tạo theo mục tiêu, mục đích rõ ràng, thể hiện chuyên sâu trong từng chương trình đào tạo. Trường xác định việc đào tạo tài năng nghệ thuật mang tính chuyên sâu thì những quyết sách mới là vô cùng cần thiết. Vì vậy, song song với tuyển sinh thì việc đổi mới giáo trình, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu”. 

 THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc