Sắp xếp, nâng cao năng lực các nhà hát: Tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả

VHO- “Cần xây dựng những giải pháp hợp lý, sử dụng hiệu quả nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật” là tinh thần chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông tại buổi làm việc về Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương với Tổ soạn thảo.

Sắp xếp, nâng cao năng lực các nhà hát: Tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả - Anh 1

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì buổi làm việc Ảnh: TRẦN HUẤN

 Việc xây dựng Đề án nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/ NQ-CP ngày 24.1.2018 về chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25.10.2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cần xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn nêu rõ, vừa qua, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đưa ra nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực văn hoá, thể dục và thể thao, trong đó chú trọng đến việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả. Vì vậy, việc xây dựng Đề án này nhằm triển khai hiện thực hóa chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn đời sống nghệ thuật biểu diễn. Sự cần thiết của việc xây dựng Đề án cũng đề cập vấn đề bảo tồn văn hóa dân tộc trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng sẽ là những lĩnh vực đi tiên phong và luôn được đánh giá là phương pháp rất hiệu quả, là cầu nối truyền tải những thông điệp về văn hóa, chính trị, ngoại giao để kết nối giữa các quốc gia và khu vực trên thế giới. Ông Lê Minh Tuấn nhấn mạnh, với tiền đề giữ nguyên 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn thì cần rà soát, sắp xếp lại bên trong các đơn vị xem có những vấn đề gì cần bổ sung, hoặc không còn phù hợp với giai đoạn hiện nay để từ đó xây dựng cơ cấu tổ chức hợp lý.

Quá trình đánh giá các đơn vị nghệ thuật Trung ương đã nổi lên một số vấn đề như: Nghệ thuật biểu diễn nói chung đang gặp nhiều khó khăn về nguồn khán giả, nhất là khán giả trẻ; Vẫn còn thiếu các cơ hội giao lưu, cọ xát, tiếp cận với các loại hình nghệ thuật mới nhằm tiếp thu, chọn lọc tinh hoa để học hỏi, xây dựng phong cách riêng cho nhà hát và sáng tạo các sản phẩm văn hoá có giá trị hội nhập; Bộ máy hoạt động của một số đơn vị chưa thật năng động, chưa tận dụng được hết nguồn nội lực hiện có, cần phải xây dựng tổ chức bộ máy, đổi mới phương thức hoạt động; Nguồn nhân lực nghệ thuật tương đối dồi dào, nhưng chưa được phân bổ hợp lý nhằm phát huy hiệu quả tối ưu trong hoạt động; Số cán bộ, diễn viên có tuổi đời dưới 30 chiếm tỉ lệ thấp, về lâu dài sẽ không đủ lớp kế cận chuyên môn; Các nghệ sĩ, diễn viên vẫn được tính thời gian công tác và nghỉ hưu theo quy định chung của Bộ Nội vụ dẫn tới tình trạng nhiều người không còn khả năng biểu diễn nhưng vẫn ở trong biên chế của đơn vị…

Một bất cập nữa về nguồn nhân lực cần được đặt ra trong phạm vi Đề án này, đó là hiện nay, tại 12 đơn vị nghệ thuật ở Trung ương đang có một lực lượng lớn lao động hết tuổi nghề nhưng vẫn còn trong độ tuổi lao động và không chuyển đổi được vị trí việc làm. Điều đó dẫn đến thực trạng nhân sự giữ biên chế trong đơn vị thì lại không tham gia biểu diễn nghệ thuật, đơn vị phải ký hợp đồng thời vụ với nghệ sĩ trẻ bên ngoài. Không những thế, hiện nhà nước không tiếp tục cho phép ký hợp đồng chuyên môn, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng nghệ sĩ trẻ có năng lực, trình độ phù hợp trong lĩnh vực có đặc thù cao như nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang khủng hoảng về nguồn lực lao động chuyên nghiệp, vì vậy cần có những cơ chế, chính sách kịp thời để khuyến khích, thu hút lực lượng trẻ tham gia học tập, biểu diễn ở các loại hình này.

Sắp xếp, nâng cao năng lực các nhà hát: Tinh gọn, chuyên nghiệp và hiệu quả - Anh 2

 Việc giữ người, giữ tài năng trẻ luôn là vấn đề “đau đầu” của các đơn vị nghệ thuật Ảnh: N.T

Cơ hội nhưng cũng là thách thức

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đánh giá cao sự nỗ lực vào cuộc của các thành viên Tổ soạn thảo và cho rằng, Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương nêu và đặt ra những giải pháp quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, bất cập đối với 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ VHTTDL. Thứ trưởng yêu cầu Tổ soạn thảo tiếp tục làm việc với từng nhà hát để có được những số liệu cụ thể nhất về bức tranh toàn cảnh của từng đơn vị và từng ngành nghệ thuật biểu diễn. Căn cứ vào việc thực hiện đường lối của Đảng, xây dựng con người mới, hội nhập quốc tế, ảnh hưởng của cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghiệp văn hóa để thấy rõ được vị trí và sự cần thiết của các đơn vị nghệ thuật trong bối cảnh hiện nay, làm rõ vì sao cần phải giữ lại các đơn vị nghệ thuật trung ương cũng như vấn đề sắp xếp và nâng cao năng lực các đơn vị này. Những nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đều có tính chuyên nghiệp cao, xứng đáng là các đơn vị mang thương hiệu quốc gia, tập trung tất cả tinh hoa của các loại hình nghệ thuật Việt Nam, tập hợp được nguồn nhân lực tài năng sáng giá nhất của ngành nghệ thuật biểu diễn cả nước.

Về nội dung đề án, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, phải sắp xếp nội bộ từng đơn vị với mục tiêu hợp lý, sử dụng hiệu quả nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật. Thứ trưởng yêu cầu Đề án phải xác định rõ tiêu chí năng lực của các đơn vị nghệ thuật, trong đó có năng lực biểu diễn, năng lực truyền thông, năng lực tự chủ và năng lực hội nhập. Bên cạnh đó, cũng phải làm rõ thực trạng từng đơn vị để đưa ra được đánh giá chung về tình hình hoạt động, số lượng suất diễn, cơ sở vật chất, kỹ thuật… Từ đó đưa ra mô hình hướng tới và các giải pháp, nhóm giải pháp, các đề xuất, khuyến nghị phù hợp.

Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự phát triển sâu rộng trên phương diện của đất nước cũng như các quốc gia trên thế giới, hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng có nhiều thay đổi, phát triển với việc ứng dụng khoa học, công nghệ và các phương pháp quản lý hiện đại, tiên tiến nhằm tối ưu hoá khả năng sáng tạo của con người. Vì vậy, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn Việt Nam cũng cần kịp thời đổi mới để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại. Việc Chính phủ giao Bộ VHTTDL triển khai xây dựng Đề án Sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn ở Trung ương là nhằm hướng đến mục tiêu phục vụ sự phát triển lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới. Đây là cơ hội cũng như thách thức để cơ quan quản lý nhà nước đưa ra những giải pháp chiến lược có tính chất lâu dài, nâng cao tính chuyên nghiệp và hiện đại cho ngành nghệ thuật biểu diễn nước nhà. 

 Hiện nay, tại 12 đơn vị nghệ thuật ở Trung ương đang có một lực lượng lớn lao động hết tuổi nghề nhưng vẫn còn trong độ tuổi lao động và không chuyển đổi được vị trí việc làm. Điều đó dẫn đến thực trạng nhân sự giữ biên chế trong đơn vị thì không tham gia biểu diễn nghệ thuật, đơn vị lại phải ký hợp đồng thời vụ với nghệ sĩ trẻ bên ngoài. Không những thế, hiện nhà nước không tiếp tục cho phép ký hợp đồng chuyên môn, dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng lực lượng nghệ sĩ trẻ có năng lực, trình độ phù hợp trong lĩnh vực có đặc thù cao như nghệ thuật biểu diễn.

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc