Cai nghiện thuốc lá bằng y học cổ truyền

VH- Sau một năm thực hiện, 69% người cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp y học cổ truyền nhận được kết quả tốt và khá với các triệu chứng cai như giảm tỷ lệ mất ngủ, giảm tỉlệ bồn chồn bứt rứt, giảm ho, giảm đắng miệng… Phương pháp này vẫn đang được BV Y học cổ truyền Trung ương tiếp tục phát triển để tư vấn, điều trị và cai nghiện thuốc lá.

Ths. Đào Hữu Minh - Trưởng khoa Khám bệnh, Trưởng phòng Tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá (Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương) cho biết, Y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá như sử dụng nhĩ châm, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, tập luyện dưỡng sinh, thuốc ngậm y học cổ truyền… Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều công trình nghiên cứu đánh giá một cách đầy đủ và khoa học về tác dụng hỗ trợ cai nghiện thuốc lá của phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt.
Do đó, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đang triển khai đề tài “Nghiên cứu lâm sàng trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt”. Nghiên cứu thực hiện trên 50 mẫu bệnh nhân với công thức huyệt áp dụng là Thần môn, tâm, dưới vỏ, thận, tỳ, phế miệng; kết quả số bệnh nhân đạt loại tốt: 63,4%, loại khá: 16,6%... Sang giai đoạn năm 2017- 2018, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương sẽ mở rộng cỡ mẫu lên 180 bệnh nhân để tiếp tục phát triển nghiên cứu chuyên sâu kết hợp thêm xoa bóp bấm huyệt cùng với dán nhĩ áp loa tai để đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Theo bác sĩ Minh, châm loa tai (nhĩ châm) là một trong các pháp nghiên cứu mới tác động vào vùng loa tai hai bên nhằm đạt được tác dụng phòng và chữa bệnh. Theo quan niệm của Y học cổ truyền: bệnh tật phát sinh là do mất cân bằng âm dương trong cơ thể, muốn điều trị bệnh thì phải lập lại cân bằng âm dương. Nghiện thuốc lá cũng là một trạng thái mất cân bằng âm dương trong cơ thể. Khi âm dương mất cân bằng, khí huyết mất điều hòa thì bệnh tật sẽ phát sinh. Và cơ chế tác dụng của nhĩ châm chính là điều hòa lại khí huyết, điều hòa sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể để có thể cắt sự phụ thuộc vào thuốc lá cũng như giải quyết các triệu chứng khó chịu do thuốc lá gây ra. Còn xoa bóp bấm huyệt cai nghiện thuốc lá được thực hiện trên vùng lưng với tác dụng điều hòa khí huyết, điều hòa tạng phủ, kết hợp bấm một số huyệt toàn thân hỗ trợ nhĩ châm tăng cường tác dụng điều trị của thuốc lá.
“Đây là những đánh giá bước đầu nhưng đã thấy những tác dụng vượt trội trong tư vấn và điều trị cai thuốc lá bằng y học cổ truyền. Tại Phòng tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá của Bệnh viện còn kết hợp các phương pháp khí công dưỡng sinh giúp quá trình điều trị hiệu quả”, PGS.TS Vũ Nam - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Việt Nam nói.

Minh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc