Ninh Thuận: Công viên gần 90 tỉ đồng mới hoạt động đã xuống cấp

VH- Công viên biển (CVB) Bình Sơn do Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thành Đông thực hiện, theo phương thức đổi đất lấy công trình với nguồn vốn đầu tư gần 90 tỉ đồng được coi là điểm nhấn của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Thế nhưng mới khánh thành đưa vào sử dụng chưa lâu, công trình đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. 
 CVB Bình Sơn, thuộc phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm được khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 10.2014. Công trình có quy mô diện tích gần 20 ha, vốn đầu tư gần 90 tỉ đồng, mục tiêu vừa đảm bảo cảnh quan đô thị, vừa là điểm vui chơi, giải trí kết hợp bãi tắm cho người dân và du khách.
Theo phản ảnh của người dân, vài năm trước, khi công trình CVB Bình Sơn mới bàn giao đưa vào sử dụng, đang trong thời gian bảo hành nhưng nhiều hạng mục của công trình như: Đài phun nước, đài quan sát, hệ thống điện, đèn chiếu sáng… đã bong tróc, xuống cấp, hư hỏng... Một số hạng mục sau đó được đơn vị thi công công trình sửa chữa, khắc phục.
Tuy nhiên, hiện hạng mục đài phun nước được xem là điểm nhấn, “trái tim” của CVB Bình Sơn, nhưng đây lại là một trong những hạng mục hư hỏng nhiều nhất, điều này cho thấy việc thi công cẩu thả, thiếu kỹ thuật, mỹ thuật.

Ninh Thuận: Công viên gần 90 tỉ đồng mới hoạt động đã xuống cấp - Anh 1

Các hạng mục ốc đá tại công viên bong tróc, sát rỉ


Phần tường bao, rất nhiều phiến đá ốp đã bị rơi, để lộ bên trong là tường cốt được thi công nham nhở, nhiều phiến đá bị nứt, gãy còn dính trên tường. Quan sát kỹ mới thấy, những phiến đá không được ốp mà được đặt, gá lên phần cốt không có lớp hồ kết dính mà thông qua liên kết bằng những đinh vít. Ngoài đinh vít, giữa các tấm đá với cốt tường hầu như không có liên kết với nhau mà giữa chúng có khe rỗng khá rộng. Đây là công trình ven biển, không khí luôn có hơi nước mặn, trong khi bên trong các tấm đá ốp có khoảng rỗng. Theo thời gian, hơi nước mặn xâm nhập làm những đinh vít bị rỉ sét, rơi rụng, kéo theo những phiến đá nặng trượt khỏi vị trí, hoặc bị vỡ.
Các trụ đèn xung quanh đài phun nước, ngoài tình trạng chung là đá ốp bị rơi, bóc, thì trụ có hiện tượng nứt, gãy, biến dạng, nhiều cột không có móng đổ xiêu vẹo, do được thi công cẩu thả. Quan sát sơ bộ tại khu vực đài phun nước, có đến mấy chục vị trí hư hỏng, đá ốp bị gãy, sụp.
Phần Đông Nam công viên, sát biển có một đài cao, cấu tạo như một sân khấu, hai bên có hai bức tường hình bán nguyệt cao chừng 2 m, được ốp đá. Ở bức tường phía bên phải, một tấm đá lớn đã bị rơi, vỡ vụn, để lộ bên trong là bức tường được xây bằng đá chẻ, nham nhở, không tô. Các tấm đá được gắn vào tường thông qua các gá sắt khá mỏng. Đáng lưu ý, do đá ốp tách biệt khỏi cốt tường, thậm chí khoảng cách này lớn gần cả gang tay, tạo thành một khoang trống toang hoác. Với tình trạng này, các tấm đá vốn dài hàng mét và nặng cả tạ, rất dễ bị rơi khi các gá sắt bị rỉ sét hoặc đá ốp bị gãy khi có lực tác động từ bên ngoài. Thực tế, trên bức tường, vị trí tiếp giáp giữa các phiến đá bị xô lệch, chuyển vị; nhiều tấm đá đã bị rạn, nứt có nguy cơ rơi, sập bất cứ lúc nào.

Ninh Thuận: Công viên gần 90 tỉ đồng mới hoạt động đã xuống cấp - Anh 2

 Hàng loạt các trụ đèn ốp đá không có móng nghiêng chực đổ


Đường lên đài này, ở nhiều vị trí gạch lát bị dộp, bóc. Có thể dễ dàng nhận thấy, bên dưới nền gạch hầu như không có hồ (vữa) xi măng, mà chỉ là… cát.
Với kỳ vọng, khi công viên biển Bình Sơn hoàn thành, hàng nghìn người dân thành phố Phan Rang sẽ được hưởng lợi, được vui chơi, giải trí tại khuôn viên văn hóa này, thế nhưng công viên về chiều vắng không có bóng người, chỉ lác đác một số người bán hàng rong xả rác ra công viên và bờ biển. Một số người dân lân cận công viên cho biết, do công viên xuống cấp nên người dân ít tới vui chơi. Bên cạnh đó, gần đây một số đối tượng đã đặt bảng cấm hai đầu tiếp giáp của công viên, không cho người dân xuống tắm biển nên khu vực công viên ngày càng trở nên hoang vắng hơn.


Xuân Hướng

Ý kiến bạn đọc