Bách niên giai lão viết tự truyện Đi qua trăm năm

VHO - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vừa có buổi giao lưu với độc giả và giới thiệu cuốn tự truyện Đi qua trăm năm của NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành đầu năm 2024. Cuốn sách rất đặc biệt đối với bạn đọc khi nó không thuộc dạng sách nghiên cứu mà lại là tự truyện đi xuyên qua hai thế kỷ của cậu bé xuất thân từ làng quê xứ Nghệ cho đến một nhà nghiên cứu bình dân ở tuổi bách niên.

 

Bách niên giai lão viết tự truyện Đi qua trăm năm - Anh 1

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại buổi giao lưu với độc giả

Cuốn tự truyện Đi qua trăm năm ban đầu chỉ là sự ấp ủ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư và ông định sẽ hoàn thành thêm những dự án đã lên kế hoạch từ trước, rồi mới bắt tay vào việc viết về cuộc đời mình. Nhưng rồi tác phẩm chính thức được khởi động sau một chuyến thăm tác giả cao niên mẫn tuệ của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vào ngày 16.7.2022.

Cuộc “đặt hàng” của Bí thư Thành ủy TP.HCM

“Con đặt hàng cụ viết trước tự truyện “Một kiếp người” của cụ đi, mấy công trình nghiên cứu chậm lại một chút cũng được”, Bí thư Nguyễn Văn Nên khích lệ nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Được lời động viên như mở tấm lòng, ở tuổi bách niên ông đã dồn hết sức lực và trí nhớ ngồi gõ máy vi tính trong 6 tháng liên tiếp để kể chuyện đời mình. Và thế là Đi qua trăm năm hoàn thành đúng hẹn và ra mắt bạn đọc vào đầu năm 2024.

Tâm sự về lý do vì sao bây giờ mới viết tự truyện, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tâm sự: “Tôi năm nay 103 tuổi, cái tuổi xưa nay hiếm, nhất là đối với dòng họ của tôi. May nhờ tổ ấm phúc nhà, nhờ mười phương chư Phật gia hộ nên tôi vẫn được khỏe mạnh, vẫn tự đi lại bình thường mà không cần dùng gậy hay cần người dìu. Tinh thần tôi vẫn minh mẫn, trí nhớ tôi vẫn còn tốt, có thể đánh vi tính, xem sách báo không cần phải đeo kính. Tôi đã sống qua hai thế kỷ XX và XXI, trải qua nào thời vua quan nhà Nguyễn, thực dân Pháp, phát xít Nhật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nhìn lại quãng đời đã qua với nhiều kỷ niệm vui buồn, những thăng trầm trong cuộc sống, chứng kiến nhiều biến chuyển của thời cuộc, của vận mệnh quốc gia, của đời sống xã hội, tôi thấy đáng ghi lại để cho con cháu biết về quê hương, về các bậc tiền bối, để rút ra những kinh nghiệm về cuộc sống, biết cái gì nên tránh cái gì nên làm, cái gì nhất thời, cái gì là vĩnh cửu”.

Nhà nghiên cứu còn cho rằng, bản thân không có tài cán gì, không có tư tưởng gì cao siêu, chỉ có một cuộc sống bình thường như mọi người với những thất bại, những sai lầm trong cuộc sống dẫn tới có lúc đen tối nhất, tưởng không có lối thoát. Nhưng với ý chí phấn đấu không ngừng nghỉ, không thất vọng, không bi quan, ông đã vượt qua được hoàn cảnh để thực hiện lý tưởng cuộc sống… “Đời tôi cũng có những khuyết điểm, thất bại mà cũng có những thành công đáng ghi nhớ để con cháu biết lấy làm bài học kinh nghiệm trong việc đối nhân xử thế”, nhà nghiên cứu cho hay.

Theo đó, cuốn sách dày 384 trang với 11 chương. Qua những chương sách ấy, bạn đọc sẽ hiểu thêm về vùng đất Thanh Chương xứ Nghệ, ở nơi đó cậu bé Nguyễn Đình Tư đã trải qua thời thơ ấu đầy sống động và vẹn nguyên ký ức đến hôm nay. Từ cậu học sinh giỏi trở thành chàng thanh niên tập tành đường chính trị, những thay đổi thời cuộc trong dòng chảy lịch sử đã đưa Nguyễn Đình Tư xuôi vào Nam, gặp những khúc quanh cuộc đời, rồi bước vào nghiệp cầm bút 80 năm qua. Dù thế, đọc từng con chữ để thấy được nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư không chỉ viết riêng về mình mà ông còn lồng ghép những câu chuyện lịch sử đầy giá trị để kể về người dân Việt Nam đã vượt qua gian khó lúc bấy giờ như thế nào.

Bách niên giai lão viết tự truyện Đi qua trăm năm - Anh 2

 Tác phẩm cuốn tự truyện

Vẫn còn ấp ủ 10 đầu sách

Tại buổi giao lưu và giới thiệu sách, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trợ lý Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã dành những lời cảm ơn chân thành nhất đến NNC Nguyễn Đình Tư.

“Dung lượng khoa học, lời văn trong tác phẩm được thầy trau chuốt một cách kỹ lưỡng. Quyển sách này rất tuyệt vời, giúp người đọc học được ở thầy lòng yêu nước. Dù có gian khổ thế nào, cuộc đời vất vả và thậm chí đôi lúc cũng ngang trái nhưng thầy luôn vô tư và đặt tình yêu nước lên trên hết”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân chia sẻ. Còn với bà Đinh Thị Thanh Thủy (nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP.HCM), tác phẩm Đi qua trăm năm ra mắt như một món quà mừng đại thọ tuổi 104 mà NXB Tổng hợp TP.HCM trang trọng trao tặng cụ Nguyễn Đình Tư. “Ngay sau tác phẩm Đi qua trăm năm, nhà nghiên cứu tuổi quá bách niên Nguyễn Đình Tư sẽ lại dành 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày bên máy vi tính và sách vở để làm việc, miệt mài với những số liệu, thông tin để viết tiếp những đề tài trong dự kiến như: Từ điển địa danh hành chính Bắc Bộ, Trung Bộ; Lịch sử thành lập và phát triển các tỉnh Bắc Bộ - Trung Bộ - Nam Bộ và Tây Nguyên…”, bà Thủy cho biết thêm.

Cũng tại buổi giao lưu, nhiều bạn đọc không khỏi bùi ngùi và thán phục khi được nghe những lời tâm sự của cụ Nguyễn Ngọc Tư về cuộc đời của mình từ khi còn bé cho đến sự nghiệp cầm bút hơn 80 năm. Gập ghềnh là thế, gian nan là thế nhưng với một tình yêu mãnh liệt dành cho sử Việt, nhà nghiên cứu vẫn miệt mài ngày đêm để cho ra đời những tác phẩm đầy giá trị cho hậu thế sau này. Ông được bạn đọc biết đến nhiều nhất với bộ tiểu thuyết dã sử Loạn 12 sứ quân và trở thành nhà biên khảo bình dân nổi tiếng, miệt mài nghiên cứu với hơn 60 tác phẩm, trong đó đã nhận giải thưởng cao với các công trình như: Từ điển địa danh hành chính Nam Bộ, giải Bạc sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam, 2009; Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) (2 tập), Giải A giải thưởng Sách Quốc gia lần 1 năm 2018; Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh: Dặm dài lịch sử (1698-2020) (2 tập), Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu lần thứ 11 năm 2023… Và còn rất nhiều tác phẩm, nghiên cứu đã và đang đi vào lòng bạn đọc.

Đến những dòng cuối cùng của cuốn tự truyện, bạn đọc vẫn cảm nhận được ăm ắp tình cảm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư: “Tập tự truyện này đã khép lại trang sau cùng. Những gì bạn đọc đã lướt qua đều thấy cuộc đời của tôi đã trải qua những gì khổ cực nhất, vất vả nhất, buồn tủi nhất chiếm đến hai phần ba năm tháng mới được hưởng những gì gọi là vinh dự vào cuối đời, không khác gì một câu chuyện cổ tích ngày xưa vậy. Và lời cuối trước khi khép lại tự truyện này, tôi vẫn còn dự định trong những ngày cuối đời sẽ viết tiếp 10 đầu sách nữa, nếu sức khỏe cho phép”. 

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc