Về Đồng Hỷ nghe câu hát Sli đằm thắm của người Nùng

VHO - Hát Sli dân tộc Nùng đang dần bị lãng quên, mai một trong đời sống của đồng bào. Hiện nay, những người am hiểu làn điệu Sli hầu như chỉ còn ở lớp người cao tuổi, bởi vậy việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Sli là hoạt động thiết thực để những làn điệu dân ca đặc sắc này luôn sống mãi với thời gian.

Ve Dong Hy nghe cau hat Sli dam tham cua nguoi Nung - Anh 1

Hát Sli là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có lịch sử lâu đời, gắn bó trong đời sống người Nùng 

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, nghệ thuật hát Sli là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có lịch sử lâu đời, gắn bó với đời sống tinh thần, được bà con người Nùng ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) hát mọi lúc, mọi nơi, trong lễ cưới, hay lễ hội truyền thống. Làn điệu Sli với hình thức hát giao duyên đối đáp, kể chuyện, giao lưu, chúc tụng đậm chất trữ tình thể hiện tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, tình nhân ái giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.  

Ở đâu có dân tộc Nùng thì ở đó vang lên những điệu Sli quen thuộc. Người Nùng có thể hát  Sli trên đường đi, lúc nghỉ chân, thậm chí lúc sắp phải chia tay lời ca mới được cất lên. Và khi lời ca đã quyện rồi thì họ quên không chú ý đến thời gian, cũng chẳng lo lắng gì về không gian nữa. Lúc ấy chỉ vang vọng làn điệu Sli say đắm, khiến cho những ai một lần được nghe được hát Sli thì nhớ mãi, khó có thể quên được.

Tuy nhiên, hiện nay hát Sli của dân tộc Nùng đang dần bị lãng quên, mai một trong đời sống của đồng bào. Những người am hiểu làn điệu Sli hầu như chỉ còn ở những người cao tuổi. Làn điệu Sli dần trở nên xa lạ đối với tầng lớp trẻ. Bởi vậy, việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể hát Sli là hoạt động thiết thực để các làn điệu dân ca này tồn tại và sống mãi trong đời sống văn hóa của đồng bào Nùng.

Ve Dong Hy nghe cau hat Sli dam tham cua nguoi Nung - Anh 2

Làn điệu Sli với hình thức hát giao duyên đối đáp thể hiện tình yêu quê hương đất nước, con người và thiên nhiên

Năm 2023, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Đồng Hỷ, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Hỷ tổ chức chương trình Xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy làn điệu hát Sli dân tộc Nùng tại xã Hòa Bình.

Tham gia lớp trao truyền có 5 nghệ nhân, già làng, người am hiểu về các làn điệu Sli và 50 học viên là dân tộc Nùng đang sinh sống trên địa bàn của xã Hòa Bình, học sinh Trường THPT Hòa Bình và THCS Hoà Bình. Trong đó, học viên cao tuổi nhất hiện trên 60 tuổi và học viên nhỏ tuổi nhất là 11 tuổi.

Đây là dịp để các nghệ nhân dân tộc Nùng trao truyền cách thức trình diễn làn điệu Sli truyền thống của dân tộc Nùng. Qua đó, giúp các học viên tìm hiểu về lịch sử ra đời, nội dung và ý nghĩa cũng như hình thức biểu diễn của những làn điệu Sli trong đời sống cộng đồng, đặc biệt là thế hệ hệ trẻ nhằm lưu giữ lâu bền vốn di sản quý giá của cha ông. Từ đó hướng tới mục tiêu đưa giá trị văn hóa truyền thống đến với cuộc sống đương đại.

Ve Dong Hy nghe cau hat Sli dam tham cua nguoi Nung - Anh 3

Tham gia có học viên cao tuổi nhất trên 60 tuổi và nhỏ nhất là 11 tuổi

Bên cạnh đó, các hoạt động tổ chức truyền dạy và hướng dẫn thực hành dân ca, dân nhạc truyền thống của dân tộc còn giúp phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa các dân tộc, đề cao vai trò năng lực của chủ thể văn hóa, và tạo điều kiện cho đồng bào được giao lưu, vui chơi giải trí lành mạnh từ các giá trị văn hóa truyền thống. Trên cơ sở đó, tình đoàn kết và nhận thức cũng như trách nhiệm về việc giữ gìn bản sắc văn hóa riêng của mỗi cộng đồng dân tộc sẽ được nuôi dưỡng, duy trì và ngày một được nâng cao.

Trong quá trình tổ chức, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam còn nghiên cứu, ghi âm, chụp ảnh, ghi hình, dựng phim tư liệu về làn điệu hát Sli của dân tộc Nùng (nhóm Nùng Phàn Slình) ở xã Hòa Bình để phục vụ cho việc tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Nùng tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, hỗ trợ bộ trang phục nam, nữ dân tộc Nùng (nhóm Nùng Phàn Slình) cho CLB hát Sli của dân tộc Nùng tại xóm Tân Đô, xã Hòa Bình nhằm lưu giữ và phục vụ cho hoạt động trình diễn, giao lưu văn hóa, góp phần lan tỏa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.

Ve Dong Hy nghe cau hat Sli dam tham cua nguoi Nung - Anh 4

Bà Tô Thị Thu Trang, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trao tặng trang phục truyền thống cho CLB hát Sli xóm Tân Đô

Ông Hoàng Văn Thành, nghệ nhân truyền dạy hát Sli dân tộc Nùng cho biết, với tài năng, niềm đam mê với tình yêu nghệ thuật truyền thống, các nghệ nhân dân tộc Nùng ở xóm Tân Đô, xã Hòa Bình chúng tôi luôn với tinh thần phấn khởi và mong muốn đồng hành cùng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đóng góp sức mình vào việc truyền dạy hát Sli để giữ gìn mạch nguồn di sản văn hóa của cha ông.

Mặc dù các học viên ở các độ tuổi khác nhau, môi trường khác nhau, cách tiếp cận khác nhau nhưng tất cả đều có chung sự quan tâm và niềm đam mê với những làn điệu Sli dân tộc Nùng. Bởi vậy, sau một thời gian ngắn được các nghệ nhân trao truyền và tập luyện, hầu hết các học viên đều thuộc và có thể trình diễn hát Sli với niềm tự hào về di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Nùng.

Ve Dong Hy nghe cau hat Sli dam tham cua nguoi Nung - Anh 5

Lớp trao truyền có 5 nghệ nhân, già làng, người am hiểu về các làn điệu Sli và 50 học viên là dân tộc Nùng

"Việc xây dựng mô hình bảo tồn làn điệu hát Sli dân tộc Nùng bước đầu phát huy hiệu quả từ nguồn lực đầu tư của nhà nước, xã hội và cộng đồngg, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đề cao vai trò chủ thể văn hóa của các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng.

Từ mô hình này, tin tưởng rằng, các nghệ nhân sẽ tiếp tục truyền dạy, tiếp lửa cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn các giá trị di sản của dân tộc nói chung, làn điệu Sli dân tộc Nùng nói riêng với mục tiêu hướng tới xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và hiện đại", bà Tô Thị Thu Trang nhấn mạnh.

NAM HƯNG

Ý kiến bạn đọc