Thúc đẩy văn hóa đọc trong lực lượng CAND: Con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức

VHO- Năng động, nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của xã hội hiện đại, đam mê tìm hiểu những tri thức mới, có tinh thần sáng tạo, sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân (CSND) nói riêng luôn có nhu cầu tham khảo sách, báo, tài liệu… Đây chính là tiền đề để phát triển văn hóa đọc cho sinh viên ngày nay.

Thúc đẩy văn hóa đọc trong lực lượng CAND: Con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức - Anh 1

 Văn hóa đọc là công cụ để rèn luyện bản lĩnh người cán bộ CAND, là một nguồn cảm hứng để phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ

 Đặc biệt, với vai trò nòng cốt trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm thì đòi hỏi lực lượng công an phải không ngừng học tập, tìm hiểu để nâng cao bản lĩnh chính trị, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, và con đường ngắn nhất để tiếp cận tri thức chính là đọc sách. Thế nên việc phát triển văn hóa đọc trong CAND ngày càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vì vậy, thời gian qua, Bộ Công an đã và đang trực tiếp chỉ đạo, chủ trì tổ chức hiệu quả rất nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy văn hóa đọc trong lực lượng CAND.

Còn tại Trường ĐH CSND, việc duy trì, phát triển văn hóa đọc, phong trào đọc luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Đây được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo. Qua 5 năm thực hiện Kế hoạch số 132/KH-BCA-X11 ngày 20.6.2018 về phát triển văn hóa đọc trong Công an nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; 3 năm thực hiện Chỉ thị số 09/ CT-BCA-X03 ngày 7.8.2020 về công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc trong CAND, phát triển văn hóa đọc tại Nhà trường đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, Nhà trường đã ban hành 19 văn bản gồm 1 nghị quyết và 15 kế hoạch, 2 công văn, 1 hướng dẫn liên quan công tác thư viện và phát triển văn hóa đọc, phong trào đọc sách tại trường.

Song song đó, Nhà trường cũng luôn chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên, công nhân viên và học viên trong việc phát triển văn hóa đọc dưới nhiều hình thức. Hơn thế nữa, nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thư viện trong việc phát triển văn hóa đọc, Nhà trường đã đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của thư viện theo hướng tăng cường ứng dụng CNTT, kết hợp giữa thư viện truyền thống, thư viện điện tử và thư viện số. Trong đó, thư viện số được xây dựng cổng thông tin với nhiều nội dung, chuyên mục đa dạng như: Thư mục thông báo sách mới; Giới thiệu sách; Bản tin thư viện; Các tin tức về phong trào phát triển văn hóa đọc… Tại đây, cán bộ, giảng viên, học viên có thể truy cập dễ dàng và khai thác cơ sở dữ liệu với hơn 80Gb dữ liệu, 500 đầu tài liệu số, 261.524 trang tài liệu về hệ thống giáo trình nhà trường biên soạn, giáo trình, sách và tài liệu tham khảo, đề tài nghiên cứu khoa học, văn bản pháp luật…

Đặc biệt, năm học 2019-2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành miền Nam, để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, Nhà trường đã thay đổi hình thức tiếp cận và lan tỏa văn hóa đọc bằng Triển lãm sách online, Triển lãm sách ở các tủ trưng bày tại Phòng truyền thống mở. Điều này không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc tại Trường ĐH CSND, mà còn thể hiện sự chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh của Nhà trường trong mọi hoàn cảnh.

Những năm học tiếp theo, trường tiếp tục đa dạng các hình thức tuyên truyền, lan tỏa văn hóa đọc như: Tổ chức cuộc thi Tìm hiểu về sách và thi ảnh Khoảnh khắc cùng sách với gần 800 tác phẩm dự thi; tổ chức chương trình giao lưu, giới thiệu tác giả - tác phẩm, trao đổi kinh nghiệm đọc - viết với chủ đề Sách và người thầy; Xây dựng tủ sách điện tử Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam với hơn 130 đầu tài liệu số, 62.000 trang tài liệu, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, giảng viên, học viên… 100% khoa, phòng, trung tâm thuộc trường đã phát triển tủ sách chuyên môn, tủ sách hồ sơ nghiệp vụ với 2.000 đầu sách tại mỗi đơn vị. Đặc biệt, 5 năm qua, cán bộ, giảng viên, học viên Trường ĐH CSND đã tham gia 5 cuộc thi do Bộ Công an phát động với 91 giải cấp trường, 8 giải cấp Bộ, 4 giải cấp Trung ương. Mới đây nhất, với 4 giải B, 2 giải C và 3 giải khuyến khích cá nhân, trường vinh dự giành giải Nhất toàn đoàn tại cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc trong CAND năm 2023 do Bộ Công an tổ chức.

Có thể thấy, văn hóa đọc là yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho quốc gia. Nhất là đối với lực lượng CAND, văn hóa đọc còn là một công cụ để rèn luyện bản lĩnh người cán bộ CAND, là một nguồn cảm hứng để phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ. 

Đại úy LÊ THÚY HỒNG

Ý kiến bạn đọc