Đổi thay ở vùng đồng bào Bana Vĩnh An

VHO - Vùng đồng bào Bana ở Vĩnh An, huyện Tây Sơn (Bình Định) đang “thay da đổi thịt” và đi lên từng ngày. Và sự khởi sắc ấy, là nhờ vào sự chung tay, đoàn kết và quyết tâm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như có sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ chính sách dân tộc.

Vĩnh An là xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Tây Sơn. Tổng diện tích đất tự nhiên 10.429,14 ha, được chia thành 5 làng, xã có 444 hộ/1.618 nhân khẩu; trong đó đồng bào dân tộc Bana chiếm trên 80% dân số. Toàn xã có 444 hộ/1.618 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Banar chiếm trên 80% dân số.

Đến với Vĩnh An hôm nay, không ít người bất ngờ bởi con đường rộng thênh thang thảm nhựa dài hơn 6,5 km nối các làng trong xã với nhau. Cùng với đó là 15 tuyến đường/24 km được đổ bê tông phẳng phiu. Già làng Bá Kiêu, làng Kon Giọt 1 phấn khởi: Khung cảnh của làng giờ nay đẹp lắm, Nhà nước không chỉ làm đường mới mà còn xây nhà văn hóa, nhà mẫu giáo, trạm y tế... khang trang. Các phụ nữ trong làng nhắc nhau phải trồng hoa, quét dọn đường, bỏ rác đúng quy định để làng được sạch đẹp hơn.

Đổi thay ở vùng đồng bào Bana Vĩnh An - Anh 1

Vào tháng 7 năm nay, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thăm đồng bào xã Vĩnh An

Ở Vĩnh An, các hội, đoàn thể của xã này cũng đăng ký đoạn đường tự quản xanh, sạch, đẹp dài hơn 2,5 km ở các làng và trồng 200 cây bóng mát gồm bằng lăng tím, sao đen. Còn nữa, 385 hộ đăng ký dịch vụ thu gom rác tại 30 thùng rác công cộng, đặc biệt với sự hỗ trợ của Nhà nước, 385 hộ đã xây dựng nhà vệ sinh, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt trong nhà. 

Những năm qua, người dân xã Vĩnh An không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Các hộ nông dân học hỏi kinh nghiệm, nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả đạt chất lượng cao, đem lại nguồn thu nhập tốt. Bà con mạnh dạn vay vốn hơn 13 tỉ đồng đầu tư chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế. Điển hình hộ kinh doanh Trần Văn Ra (làng Xà Tang) có 2 sản phẩm vừa được huyện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là mít Thái và quýt đường. Sau khi các sản phẩm của ông Ra được công nhận, nhiều thương lái biết đến các vườn cây ăn trái như cam, ổi, mít, quýt... Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Vĩnh An cũng đang liên kết các hộ chăn nuôi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm heo đen, gà đồi.

Hiện, thu nhập bình quân của vùng đồng bào thiểu số và miền núi Vĩnh An đạt trên 47 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 5% và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Toàn xã có 200/385 hộ kết nối mạng internet để cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức xã hội. 

Ông Đinh Hoang Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết: Nhờ sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của Đảng và Nhà nước với các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội miền núi, chính sách dân tộc, nhất là triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ chính quyền và nhân dân xã Vĩnh An hăng hái thi đua sản xuất, xây dựng quê hương. Đến nay, bộ mặt nông thôn của xã có những chuyển biến tích cực, kinh tế xã hội có phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện; bản sắc văn hoá truyền thống được giữ gìn và phát huy, hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả.

Về mục tiêu của địa phương trong thời gian tới, ông Bình chia sẻ: Chúng tôi tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để góp phần củng cố khối đại đoàn kết, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quyết tâm đưa xã Vĩnh An đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023.

Đổi thay ở vùng đồng bào Bana Vĩnh An - Anh 2

Hạ tầng thiết yếu ở Vĩnh An ngày càng khởi sắc là nhờ được đầu tư xây dựng từ các chương trình mục tiêu quốc gia

Vào tháng 7 năm nay, đồng bào Bana Vĩnh An vinh dự, vui mừng khi đón Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng Đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra một số công trình hạ tầng nông thôn mới nơi đây. Phó Thủ tướng rất vui mừng trước sự khởi sắc đi lên của địa phương. Đồng thời, đề nghị địa phương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân.

“Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ có chủ trương là phải thường xuyên đi về thăm nhân dân ở cơ sở. Có như vậy thì trong chỉ đạo điều hành và việc ban hành các chính sách mới sâu sát”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ và cho hay, qua việc khảo sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại cơ sở, Chính phủ sẽ có cái nhìn thực tế về những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện để có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc