Chắt chiu nước ngọt giữa rừng khộp

VHO- Vừa nhìn thấy Đồn biên phòng Yok Đôn nằm giữa cánh rừng khộp khô cằn, xào xạc gió nóng, tôi chợt liên tưởng đến đoạn mô tả chàng chăn cừu Santiago nhìn thấy những ốc đảo, hồ nước giữa sa mạc trong tác phẩm nổi tiếng Nhà giả kim của Paulo Coelho. Người Ê Đê ở Tây Nguyên cảm ơn Thần Nước róc rách trên nương rẫy, còn những người lính biên phòng chắt chiu từng hạt nước để bám trụ giữa rừng khộp.

Chắt chiu nước ngọt giữa rừng khộp - Anh 1

 Khuôn viên Đồn biên phòng Yok Đôn đã trở thành ốc đảo xanh giữa rừng khộp khô cằn

 Ốc đảo giữa rừng

Từ TP Buôn Ma Thuột đi về phía biên giới, xuyên qua cánh rừng khộp, con đường vắng vẻ có khi 15 km mới gặp một bóng người. Cánh rừng khộp cô đơn như những người lính đóng trong những tiền đồn trải dọc miền biên viễn. Nhìn những cây măng le có thể đoán được sự khắc nghiệt của vùng đất này - gần cửa rừng măng le tươi tốt, nhưng càng vào sâu thì măng càng cằn cỗi, già nua, phất phơ dưới tán cây dầu, thân vỏ vằn vện những đường vân nứt nẻ.

Ốc đảo xanh tốt giữa cánh rừng khô khát chính là đồn biên phòng. Món quà của các cơ quan kết nghĩa mỗi khi xuống thăm đơn vị là loại cây xanh có thể chịu hạn. Các anh phải khoan nhiều lỗ để tìm nước ngọt, cuối cùng cũng có nước, nhưng toàn là nước nhiễm phèn vàng khè in thành vệt trên miệng hồ lọc.

Đồn biên phòng Yok Đôn nằm trên trục đường, thuộc địa phận xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Cách cổng đồn 800 mét là bờ suối Đắk Đam. Con suối cũng sụt sùi tháng ngày giống như cánh rừng đang xào xạc lá. Vào mùa mưa thì nước đục ngầu bùn đất; mùa nắng thì biến thành ao tù, bao nhiêu lá cây từ sườn đồi dồn ứ xuống lòng nước.

Đại úy quân y Đặng Quang Bắc lắc lắc trên tay lọ thuốc Fendo Green và giới thiệu, đây là “vũ khí” tốt nhất đang được sử dụng để chống lại bọn muỗi - nguyên nhân từng biến đồn này thành “rốn” sốt rét rừng. Trong cuốn sổ khám bệnh thời gian trước đây, từng có nhiều chiến sĩ bị sốt rét như Nông Văn Vương, Lại Hoàng Thắng, Y Trương Kbua…Tâm điểm bắt nguồn từ con suối Đắk Đam, vào mùa khô chứa đầy lá cây rừng, giống muỗi cũng ào ạt sinh nở, nhắm hướng duy nhất có điện sáng là đồn biên phòng để quần tụ về. Gần hai năm nay, các biện pháp y tế, chăm sóc sức khỏe được đơn vị triển khai quyết liệt nên đã chặn đứng căn bệnh sốt rét.

Lô cốt nước

Thiếu tá Lê Đình Hiếu, cán bộ trinh sát của đồn ôm khẩu súng AK báng gấp đứng dưới tán cây xoài gần cổng ra vào. Ngay đó là bể nước lọc đầy vệt vàng loang lổ của cặn phèn, xây cách mặt đất 3 mét, có ghi chữ bằng vôi thật to “I love you!”. Chỉ là câu bông đùa của chiến sĩ muốn lưu dấu ở đơn vị khi hết tuổi nghĩa vụ, nhưng “love bể nước ngọt” là câu chuyện bất tận ở vùng rừng thiêng nước độc này.

Từ cổng đơn vị ra tới phía sau lưng đồn, các bể nước chờ trời mưa nằm khắp nơi. Có bể lộ thiên, có bể xây nửa nổi nửa chìm, bể to, bể nhỏ đủ loại, có bể chiều ngang gần 20 mét và chiếm phần lớn diện tích ở trong đơn vị. Nước không chỉ cho người mà còn để phục vụ tưới tiêu, chăn nuôi, giữ màu xanh cho ốc đảo nằm giữa rừng khộp khô cằn.

Tôi đến đơn vị vào lúc các bể dự trữ đang đầy nước. Các mái nhà đều xây dựng theo kiểu dồn nước về ống dẫn xuống hồ chứa... Tháng 11 là nước mưa ngập miệng hồ, chỉ tới tháng 4 mới bắt đầu báo động đỏ. Khi hết nước mưa thì máy bơm được kích hoạt để hút nước từ suối Đắk Đam về hồ treo trên cao để bắt đầu thực hiện công đoạn lọc. Nước suối khi tắm thỉnh thoảng cũng bị ngứa, nhưng ở giữa rừng, lòng đất lổn nhổn đá tảng thì có nước đã là quý lắm rồi.

Giải pháp nào để anh em có sức khỏe và trụ lại giữa cánh rừng vo ve muỗi? Bài toán này vốn được Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk triển khai suốt nhiều năm qua. Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk giới thiệu công trình mới nhất của đơn vị là hệ thống lọc nước tinh khiết CNP công suất lớn, có màng lọc R.O, ozone, tinh lọc như nước suối. Đồn Yok Đôn cũ từng nằm cách đồn mới 3km, nhưng vì quá khó khăn trong việc tìm kiếm nước ngọt nên đơn vị phải dịch chuyển đến vị trí mới này.

Để ốc đảo này có được màu xanh như một lâm viên, những người lính phải làm những công việc giống như công nhân lâm trường. Ở góc nhà kho có các loại máy phát điện công suất lớn hiệu Honda SD 8000 CX, máy Diesel Kipor DKE 6500 T, máy cày, giàn bừa, máy bơm nước… Sân đồn phía trước ken dày từ loại cây lấy gỗ cho tới cây ăn quả, như cây dầu, gỗ hương, chà chíp, sa pô chê, mận roi, si, me, mít…

Chắt chiu nước ngọt giữa rừng khộp - Anh 2

 Suối Đắk Đam vào mùa khô trở thành nguồn cung cấp nước chính cho đơn vị

Mít 20 món

Anh em ví von, những loại cây quần tụ về đây giống như những người lính xuất thân từ rất nhiều tỉnh thành: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bắc Giang, Hải Phòng… Vài năm trước, sóng điện thoại chưa phủ tới, anh em hằng ngày nhìn mặt nhau, rồi lại xắn tay áo, lăn xả vào biến nơi đây thành ốc đảo xanh tươi để cuộc sống có thêm niềm vui.

Từ Đồn biên phòng tới chợ phải đi tới 45km, muốn mua gói cà phê, mì tôm, que kem cũng khó. Vì vậy, mít vô tình trở thành đặc sản để anh em chế biến đủ món, từ trộn, luộc, kho, xào, cho đến đồ ăn vặt, có lẽ đến vài chục món chế biến từ mít. Mít còn là thực phẩm giúp đàn bò tăng thêm nguồn dinh dưỡng giữa cánh rừng khô cằn. Thỉnh thoảng anh em về thăm gia đình, món quà duy nhất mang theo cũng chỉ là những trái mít trồng giữa rừng khộp.

Đại úy Nguyễn Hữu Thường đưa tôi băng rừng, ra cạnh suối Đắk Đam để giới thiệu vườn mít 500 cây xanh tốt vì thường được bón phân của đàn bò gần 40 con. Những đêm tuần tra, mật phục giữa cánh rừng đen kịt và theo quy định không được bật đèn pin, mùi mít trở thành nguồn định hướng, vì thỉnh thoảng vẫn phảng phất theo gió.

Đi giữa rừng khộp, tôi chợt nghĩ đến nhà văn Nguyễn Vũ Điền, tác giả tập sách Rừng khộp mùa thay lá, nhớ câu thơ của ông: Những bữa cơm nấu vội trong rừng/ Những trận đánh không thể nào quên được… Người lính biên phòng hôm nay vẫn trụ bám giữa rừng khộp, chuyện thiếu nước đối với họ chẳng hề gì, bởi sự hy sinh ấy thật nhỏ nhoi so với những gì nhà văn Nguyễn Vũ Điền miêu tả: Bạn hy sinh, không đứa nào dám khóc/ Sợ nước mắt làm nghiêng ngả hàng quân. 

 Thiếu tá Lê Đình Hiếu, người quê gốc Nghệ An tâm tình, “em trải qua 4 đồn, làm nhân viên trinh sát, cuộc sống ở đồn nào cũng vất vả, cũng nằm giữa cánh rừng và cách xa dân, em sắp đủ 30 năm đóng bảo hiểm và chia tay anh em, cả đời lính vinh dự vì được cống hiến, tới bây giờ mới có thể về phụ giúp gia đình đúng nghĩa”.

 

LÊ VĂN CHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc