Cần đầu tư hơn để tình yêu văn hóa đọc được trọn vẹn

VHO- Sau 4 lần được Bộ VHTTDL phát động, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã trở thành diễn đàn cho thanh niên, thiếu niên… chia sẻ kinh nghiệm đọc sách hiệu quả. Dù đã tạo hiệu ứng trong việc lan tỏa tình yêu, đam mê với sách và văn hóa đọc nhưng hiệu ứng đó khó lòng “trọn vẹn” khi thiếu đi sự quan tâm đúng mức của một số Bộ, ngành, địa phương.

Cần đầu tư hơn để tình yêu văn hóa đọc được trọn vẹn - Anh 1

 Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho 20 tập thể có thành tích xuất sắc trong tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc

 Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL), cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc là một trong những hoạt động quan trọng nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Qua 4 lần tổ chức, số lượng bài thi tăng dần qua các năm là minh chứng cho việc cuộc thi đã khẳng định được thương hiệu. Những thành công đó đến từ sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. “Đặc biệt, cuộc thi không chỉ thu hút sự quan tâm của đông đảo HSSV mà còn có sự quan tâm của các bậc phụ huynh cùng thầy, cô giáo. Nhiều gia đình đã đầu tư, giúp con em có được những bài dự thi chất lượng cả về nội dung và hình thức, mang lại hiệu quả giáo dục lớn”, bà Hiền nhận định. Nhưng bà Hiền cũng thẳng thắn nhìn nhận, cuộc thi vẫn tồn tại một số hạn chế, trong đó, nhận thức của một số Bộ, ngành, địa phương, cũng như một bộ phận người dân về vai trò của văn hóa đọc chưa đúng mức. Từ đó, dẫn đến thiếu sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư, phối hợp trong hoạt động phát triển văn hóa đọc nói chung và cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc nói riêng.

Cùng với đó, kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện Đề án, cuộc thi còn hạn hẹp, khó thu hút mọi người tham gia cuộc thi. Tại một số địa phương, kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động thư viện hạn chế nên khâu xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi chưa được thường xuyên. Đồng quan điểm, ông Vũ Trí Tĩnh, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Bắc Giang cho hay đã xuất hiện tình trạng việc triển khai ở một số địa phương, trường học còn chậm, chưa tích cực nên chưa khuyến khích được nhiều học sinh tham gia. “Cũng vì sự “thờ ơ” đó mà chất lượng các bài dự thi gửi về bị ảnh hưởng, nhiều trường gửi bài đại trà. Không ít bài dự thi sao chép trên mạng xã hội, website giới thiệu sách; bài thi ít sự sáng tạo, rập khuôn, chưa trả lời trọng tâm câu hỏi của BTC..”, ông Tĩnh đánh giá.

Nêu cụ thể tại tỉnh Kiên Giang, đại diện Thư viện tỉnh cho hay, một số đơn vị chưa nhiệt tình tham gia, hoặc tham gia nhưng chưa đầu tư cho nội dung bài dự thi. Vì thế dẫn đến chất lượng bài dự thi của thí sinh có sự chênh lệch giữa thành phố và các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Trong 4 năm phát động, Kiên Giang chưa thu hút được đối tượng sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tham gia. Trước thực trạng này, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội cho rằng để cuộc thi lan tỏa sâu rộng hơn nữa, công tác thông tin, tuyên truyền phải được chú trọng. Các hình thức thông tin, truyền thông cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng các phương thức mới, hiện đại nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, tính hấp dẫn. Đồng thời, huy động sự tham gia, phối hợp hiệu quả của các phương tiện thông tin, truyền thông trong cả nước.

Theo thượng tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội, trong quá trình tổ chức cuộc thi, các cấp lãnh đạo cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, động viên, hướng dẫn cụ thể và tạo điều kiện cho các cá nhân tham gia; có tổng kết đánh giá, khen thưởng kịp thời. Hơn nữa, cuộc thi cần đổi mới hình thức tổ chức, bảo đảm tính đa dạng, phong phú, sinh động, hấp dẫn và đạt hiệu quả; phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện của đơn vị. Thiếu tá Đỗ Thu Thơm, Phó trưởng Phòng Văn hóa, văn nghệ và Thư viện CAND (Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an) chia sẻ bên cạnh những cuộc thi tập trung, quy mô toàn quốc như Đại sứ văn hóa đọc, các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tổ chức các cuộc thi ở cấp cơ sở theo từng chủ đề gắn liền với văn hóa đọc. Chính những sân chơi như vậy sẽ bồi dưỡng tình yêu với sách, giúp các thí sinh có thêm kiến thức, kỹ năng làm bài khi tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Qua đó, nâng cao chất lượng của cuộc thi.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Kiều Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện khẳng định đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện về mọi mặt cho các thư viện trên địa bàn, hệ thống thư viện công cộng triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; cũng như tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc. Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương cần bố trí nguồn ngân sách ổn định cho việc triển khai thực hiện Đề án. 

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc