Khảo sát di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

VHO - Đoàn khảo sát của UBND tỉnh Vĩnh Long do bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thực tế khảo sát tại Bảo tàng tỉnh và một số di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Việc khảo sát nhằm giúp các ngành chức năng nắm bắt kịp thời những thuận lợi, khó khăn, qua đó đề xuất giải pháp phát huy hiệu quả hoạt động của bảo tàng và di tích, thu hút khách du lịch.

Khảo sát di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long - Anh 1

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long (thứ 2 từ trái qua) khảo sát tại Di tích Văn Thánh Miếu, TP Vĩnh Long

Theo đó, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, di tích Công Thần Miếu, Văn Thánh Miếu (TP Vĩnh Long); Di tích chùa Phước Hậu (huyện Tam Bình); Di tích Lăng ông Thống chế điều bát Nguyễn Văn Tồn (huyện Trà Ôn).

Sau khi khảo sát thực tế các địa điểm, đại diện ban quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh đã kiến nghị tỉnh quan tâm quy hoạch mở rộng diện tích, cấp quyền sử dụng đất phần còn lại phía sau của di tích Văn Thánh Miếu; quan tâm đầu tư kinh phí kịp thời đảm bảo các công tác tu bổ, tôn tạo các công trình, hạng mục của di tích theo thời gian bị xuống cấp.

Khảo sát di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long - Anh 2

Đoàn khảo sát xem đạo sắc thời Nguyễn được lưu giữ tại Công Thần Miếu Vĩnh Long

Dịp này, Bảo tàng tỉnh cũng đã đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh có chủ trương cải tạo, chỉnh lý nội dung trưng bày Bảo tàng theo hướng hiện đại nhằm tạo sức hấp dẫn, thu hút đông đảo khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập, thu hút khách du lịch đến với Bảo tàng. Các ngành quan tâm để kho cơ sở sớm được xây dựng, đáp ứng yêu cầu bức thiết trong công tác bảo tồn, gìn giữ các di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Kết thúc buổi khảo sát, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các cơ quan xây dựng đề án quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết đối với việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, trùng tu các địa điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu một số địa điểm di tích lịch sử văn hóa trọng điểm của tỉnh để gắn kết tạo thành sản phẩm du lịch. Sở ngành, các địa phương cần tập trung nghiên cứu, khảo sát, rà soát lại để có phương án xây dựng, tôn tạo các di tích, phải đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho người dân biết được ý nghĩa của di tích, thực hiện gắn kết du lịch. 

Khảo sát di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long - Anh 3

Các thành viên Đoàn khảo sát chụp hình lưu niệm tại Di tích Văn Thánh Miếu, TP Vĩnh Long

“Ngành Văn hóa sớm nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tôn vinh các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho các hoạt động bảo tồn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, cũng như chính sách khuyến khích thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực về di sản văn hóa du lịch. Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền với nhiều hình thức, từ cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa di sản trên địa bàn tỉnh”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh.

BÌNH THỦY

Ý kiến bạn đọc