Lấy ý kiến cộng đồng về Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di sản Huế
VHO - Chiều ngày 6.10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khai mạc không gian trưng bày đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế để lấy ý kiến từ cộng đồng. Thời gian lấy ý kiến diễn ra đến hết ngày 31.10.2023.
Không gian trưng bày đồ án quy hoạch tại số 15 Lê Lợi, TP.Huế.
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa cảnh quan Cố đô Huế toàn vẹn và bền vững với tư cách là một trung tâm văn hóa, di sản quốc gia, khu vực và quốc tế. Hướng đến phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, chuyển hóa khu vực Quần thể Di tích Cố đô Huế thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế; giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc, tạo sinh lực mới, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Quy mô lập quy hoạch gồm khu vực bảo vệ của Di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận vào năm 1993, cập nhật năm 2011; bao gồm các điểm di tích: Kinh thành Huế, chùa Thiên Mụ, Văn Miếu và Võ Miếu, Hổ Quyền và Voi Ré, đàn Nam Giao, điện Hòn Chén; cùng các lăng: Dục Đức, Tự Đức, Đồng Khánh, Thiệu Trị, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và di tích Trấn Hải Thành. Quy mô quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi di tích (tỷ lệ 1:2.000) khoảng 800-1.200 ha, quy hoạch (tỷ lệ 1:500) khoảng 80-100 ha.
Ngoài ra còn có khu vực bảo tồn cảnh quan sông Hương gắn với di tích; các trục, tuyến không gian cảnh quan văn hoá, các quần cư lâu đời gắn với từng di tích; các khu vực tổ chức hoạt động phát huy giá trị di tích, kết nối hạ tầng kỹ thuật nội bộ và hệ thống giao thông, hạ tầng chung có liên quan. Quy mô quy hoạch định hướng tổ chức không gian, bảo vệ cảnh quan văn hóa và kết nối quần thể di tích (tỷ lệ 1:10.000) khoảng 42.600 ha.
Nhiều người dân ở Huế rất quan tâm đến các nội dung quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế
Ranh giới quy hoạch Quần thể Di tích Cố đô Huế được xác định trên cơ sở bảo tồn bền vững Cố đô Huế trong phạm vi không gian văn hóa, lịch sử, tự nhiên và chức năng phù hợp với điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21.9.2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Cụ thể: phía Bắc được giới hạn bởi cảng thị Thanh Hà (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền); phía Nam được giới hạn bởi cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy); phía Đông tới hạ nguồn sông Hương và cửa biển Thuận An; phía Tây tới thượng nguồn sông Hương và các dãy núi Thương Sơn và Duệ Sơn.
Theo đồ án quy hoạch, Quần thể di tích Cố đô Huế được xác lập bao gồm 5 phân vùng chức năng, gồm: Khu vực 14 di tích di sản UNESCO; khu vực tái tạo di sản và tương tác phát triển; công viên quốc gia Tam Chủ Sơn; khu vực cảnh quan văn hóa sông Hương và các chi lưu; các khu vực đón tiếp và dịch vụ trung tâm...
Nội dung lấy ý kiến về bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu nhận diện đầy đủ giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế; hoàn thiện hệ thống hồ sơ, dữ liệu làm cơ sở chuyển đổi số và tự động hóa trong quản lý; tạo lập khung pháp lý, chính sách, kế hoạch đầu tư nhằm thu hút nguồn lực xã hội trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế. Đồng thời bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hóa, làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận Quần thể di tích Cố đô Huế trong danh mục Di sản văn hóa thế giới.
Từ nay đến hết ngày 31.10.2023, cộng đồng nhân dân có thể tham quan không gian trưng bày đồ án quy hoạch tại số 15 Lê Lợi, TP.Huế để đóng góp các ý kiến phù hợp. Có 12 nội dung chính được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lấy ý kiến cộng đồng, gồm: Bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng; tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu quy hoạch; các tiền để bảo tồn di sản và phát triển bền vững; dự báo phát triển và các chỉ tiêu chủ yếu; quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; định hướng phát triển không gian; khung sử dụng đất, hạ tầng kinh tế, xã hội và hạ tầng kỹ thuật; định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; dự báo tác động và biện pháp bảo vệ môi trường; kinh tế di sản và giải pháp thực hiện quy hoạch…
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng chuẩn bị lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về nội dung đồ án quy hoạch này
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tại Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11.1.2022 với thời gian thực hiện hoàn thành quy hoạch trong quý 1 năm 2024. Đồ án đã được nghiên cứu thiết lập hồ sơ theo đúng trình tự quy định hiện hành và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VHTTDL thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bài, ảnh: SƠN THÙY