Nhập lậu gia cầm diễn biến phức tạp, Lạng Sơn lập chuyên án điều tra
VHO - Buôn lậu con giống siêu lợi nhuận nên họ không từ thủ đoạn nào để vận chuyển vào nước ta, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn nhận định.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì cuộc họp
Chiều 3.10, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có cuộc họp trực tuyến chỉ đạo đôn đốc triển khai công tác ngăn chặn, phát hiện, xử lý các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.
Đã bắt trên 20 vạn con gà vịt nhập lậu
Báo cáo của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, từ tháng 7.2023 bắt đầu có hiện tượng nhập lậu gia cầm vào Việt Nam. Đến nay Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện 12 vụ, bắt trên 20 vạn con gà vịt giống; bắt, xử phạt hành chính hơn 9 triệu đồng đối với 3 đối tượng.
Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng đêm tối, qua rào biên hoặc rút rào lên để tuồn giống gia cầm lậu vào bên trong, sau đó từ biên giới vào các bản của xã Yên Khoái, Tú Mịch, tiếp đó tập kết tại bản Thín… của các xã sâu trong nội địa rồi đưa lên xe máy để đưa lên ô tô vận chuyển về xuôi.
Các đối tượng rất hung hãn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra. Điển hình là ngày 29.9 vừa rồi, lực lượng CSGT đã tổ chức bắt giữ vụ việc hơn 18.000 con gà giống nhập lậu, các đối tượng liều lĩnh đâm cả xe vào lực lượng CSGT.
Theo ghi nhận, phần lớn gia cầm nhập lậu đều qua cửa khẩu Chi Ma. Tại Trạm Hữu Lũng chưa bắt giữ được trường hợp nào. Tuy nhiên không ngoại trừ trường hợp các đối tượng buôn lậu không đi qua Quốc lộ 1 mà đi theo các con đường khác.
Trong khi đó, theo Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, địa hình từ của khẩu về đến vùng tiêu thụ, như Chi Ma về đến Lộc Bình, có rất nhiều đường mòn lối mở, những đường ngắn, trong khi đó lực lượng chức năng mỏng nên rất khó khăn trong việc triển khai chống buôn lậu gia cầm giống.
Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn đã bắt giữ được 6 vụ với số tiền 208 triệu đồng, hơn 40.000 con vịt giống và hơn 4 tấn vịt nguyên con đã mổ và 2,5 tấn chân gà. Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu lượng con giống rất nhiều nên khả năng công tác phòng, chống gia cầm nhập lậu kéo dài.
Lập chuyên án điều tra
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên yêu cầu cần tăng cường nắm bắt tình hình, nắm bắt thông tin và kịp thời xử lý vụ việc trên các tuyến biên giới, nắm bắt qua nhiều kênh, nắm bắt cơ sở để tăng cường lực lượng biên phòng tại Chi Ma để xử lý các vụ việc. “Cần tổ chức một đợt cao điểm từ nay đến tháng 11, vì giống gia cầm hiện nay nhập vào ồ ạt vào nước ta để phục vụ dịp Tết Nguyên đán”, ông Huyên đề xuất và cho rằng, hiện các vụ việc nhập lậu gia cầm mới chỉ xử lý hành chính, tuy nhiên có thể xử lý hình sự để làm gương, răn đe.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các đơn vị như Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các cơ quan chức năng như 389, UBND các huyện vùng biên xây dựng kế hoạch chi tiết để xử lý tình trạng nhập lậu gia cầm trái phép qua biên giới.
Đối vối Công an tỉnh sẽ tăng cường lực lượng nắm tình hình, đấu tranh với hành vi sai phạm. “Đánh phải đánh vào đường dây, đánh phải vào tận gốc chứ không hời hợt, nếu không sẽ không xử lý dứt điểm được”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Lực lượng công an xã phải vào cuộc mạnh mẽ tại địa phương để đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là buôn bán con giống trái phép qua biên giới. “Cần có biện pháp cụ thể chứ không phải chung chung”, ông Thiệu nhấn mạnh.
Với Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp phòng chống buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới cũng như phòng chống dịch bệnh.
“Chủ tịch cũng không thể nào mười tay mười chân, trăm tay trăm chân, Chủ tịch tỉnh đã phân công phân nhiệm, đặc biệt là đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Trưởng Ban Chỉ đạo 389 chỉ đạo trực tiếp để tập trung, điều phối các lực lượng chỉ đạo cho tốt”, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn bày tỏ, nhấn mạnh.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu yêu cầu hàng tuần vào lúc 16h00 ngày thứ 6 phải báo cáo và đầu mối là Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, từ đó Chủ tịch tỉnh nắm tình hình và có gì cần thiết thì sẽ tăng cường chỉ đạo thêm.
Ý LINH