Ứng xử văn minh với di tích, công trình công cộng của Thủ đô: Cần sự chung tay của cộng đồng

VHO- Hà Nội nổi tiếng với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh, công trình công cộng đẹp. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy sẽ khó duy trì nếu vẫn còn đó một bộ phận người dân, du khách thiếu chuẩn mực trong hành vi ứng xử nơi công cộng. Vì vậy, rất cần ý thức, sự chung tay của cộng đồng trong thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội; xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích, công trình công cộng để thể hiện sự trân quý với các di sản, biểu tượng của Thủ đô.

Ứng xử văn minh với di tích, công trình công cộng của Thủ đô: Cần sự chung tay của cộng đồng - Anh 1

 Nhà tù Hỏa Lò là một trong những đơn vị thường xuyên tuyên truyền đến du khách về việc tuân thủ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ảnh: Trần Huấn

 Nhiều chuyển biến tích cực

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn. Cụ thể, toàn TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Do đó, vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử tại các di tích, danh lam thắng cảnh, công trình công cộng ở Thủ đô luôn được chú trọng. 

Từng có giai đoạn, hình ảnh Cột cờ Hà Nội, tháp Hòa Phong… ngày một trở nên xấu xí trong mắt du khách bởi nơi đây xuất hiện rất nhiều những nét vẽ nham nhở từ một bộ phận du khách thiếu ý thức. Các hành vi này không chỉ gây mất mỹ quan, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến giá trị của các di tích, cảnh đẹp. Hành vi phá hoại của con người mang lại hậu quả vô cùng nặng nề vì khả năng hồi phục nguyên trạng cho di sản là rất khó, thậm chí không thể. Không chỉ tháp Hòa Phong và Cột cờ Hà Nội, một số di tích, công trình công cộng của Thủ đô cũng ít nhiều bị xâm hại. Trước đây, Ban quản lý khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã từng rất đau đầu để giải quyết “bài toán” người dân vô tư… sờ đầu rùa. 

Không chỉ viết, vẽ, khắc bậy lên di tích, ăn mặc hở hang, không phù hợp khi đến các di tích có tính tôn nghiêm như đình, chùa; văng tục chửi bậy; sẵn sàng gây gổ đánh nhau; chen lấn, không xếp hàng; xả rác bừa bãi tại các điểm tham quan, du lịch… cũng từng là vấn đề gây nhức nhối. Tuy nhiên kể từ khi Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội được ban hành và nỗ lực tuyên truyền, đưa vào đời sống, hành vi ứng xử của người dân, du khách tại nơi công cộng đã có những chuyển biến tích cực. Các nội dung thuộc Quy tắc ứng xử đã từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội, vì một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội cho biết, việc tích cực triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã và đang mang đến những thay đổi rõ nét. Tại nơi công cộng, các tầng lớp nhân dân cũng tích cực thực hiện nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; đa phần người dân đều ý thức được trách nhiệm phải trực tiếp tham gia bảo vệ các di tích, công trình mang ý nghĩa lịch sử của Thủ đô…

Để Quy tắc tiếp tục đi sâu vào đời sống

Cũng theo bà Phạm Thị Thanh Hương, thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa; đồng thời, khích lệ sự ra đời ngày càng nhiều việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng, trong đó có việc ươm mầm, nhân rộng các mô hình điểm từ thành phố tới cơ sở.

Điển hình trong phong trào xây dựng, hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh tại nơi công cộng, di tích ở Thủ đô là cuộc phát động triển khai mô hình quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” đến toàn bộ các di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (13 phường trên địa bàn quận đã ký cam kết hưởng ứng thực hiện). Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương khẳng định, việc tổ chức phát động điểm mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” được nhân rộng đến các phường trên địa bàn quận là sự hưởng ứng Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP Hà Nội; tiếp nối các hoạt động nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Không chỉ các di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm nỗ lực xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng, nhiều di tích khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện. Di tích đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò cho khách mượn áo choàng khi vào tham quan, chiêm bái, tránh trường hợp khách mặc quần áo không phù hợp vào di tích… Mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai thí điểm tại một số địa điểm như Khu di tích Đền - Chùa Bà Tấm, Đền Gióng, Làng Gốm Bát Tràng; Đền Cổ Loa (huyện Đông Anh)… 

Theo chuyên viên truyền thông của di tích Nhà tù Hỏa Lò Hoàng Vân Anh, căn cứ theo Quy tắc ứng xử nơi công cộng của thành phố, Nhà tù Hỏa Lò đã đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội các bài viết đề nghị khách tham quan ăn mặc lịch sự; đặc biệt không vẽ, viết bậy; sử dụng ngôn từ nhã nhặn, lịch sự khi đến với di tích. “Với khách nước ngoài, do sự khác biệt về văn hóa, đôi khi du khách chưa hiểu hết về những quy định nên ăn mặc có phần “thoải mái” hơn. Để khách tham quan có những trải nghiệm tốt nhất khi đến di tích, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn áo choàng cho du khách khi vào bên trong, đặc biệt với những khu vực thiêng liêng như đài tưởng niệm”, bà Hoàng Vân Anh cho biết thêm.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, vẫn còn đó hiện tượng việc giao tiếp ứng xử của một số người dân nơi công cộng vẫn chưa được lịch sự, nói thiếu chủ ngữ, nói trống không hoặc xưng hô thiếu tôn trọng đối với người khác; có hành vi ứng xử thiếu văn minh tại khu di tích, danh lam thắng cảnh, công trình công cộng… Thời gian tới bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở VHTT Hà Nội đề nghị các địa phương cần nhân rộng mô hình điểm, đồng thời động viên kịp thời những cá nhân, tập thể thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng để tạo sức lan tỏa đến cộng đồng.

ĐÌNH TOÁN - THANH NGỌC
 

Ý kiến bạn đọc