Di tích Huế trước nguy cơ bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão

VHO - Hệ thống di tích Huế trải dài theo trục sông Hương, ven sông, núi, gò đồi nên đối diện với nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng khi bước vào mùa mưa bão. Bên cạnh một số điểm bị ảnh hưởng bởi sạt lở, các công trình di tích kiến trúc gỗ cũng đứng trước những thách thức với ngập lụt, gió bão… Chính vì thế, công tác phòng chống thiên tai đã được đơn vị quản lý di sản triển khai từ sớm.

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Trung tâm) cho biết, ngay từ đầu tháng 9 đơn vị đã triển khai các phương án, kế hoạch về phòng chống lụt bão, thiên tai. 

Xử lý khẩn cấp các điểm di tích bị sạt lở

Các đoàn của Trung tâm đã tiến hành kiểm tra, khảo sát tất cả các di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế để đánh giá tình hình, có các giải pháp phù hợp với từng điểm di tích. Đặc biệt, thực hiện công điện của Chính phủ, công văn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về ngăn ngừa sạt lở ở các điểm di tích, chúng tôi đã khảo sát kỹ các di tích ven sông, núi, các điểm có nguy cơ…

Di tích Huế trước nguy cơ bị ảnh hưởng trong mùa mưa bão - Anh 1

 Nước lũ “bủa vây” trước Ngọ Môn Huế trong một lần mưa bão lớn

Qua các đợt khảo sát của Trung tâm và các đơn vị liên quan, có 2 điểm di tích đã xảy ra tình trạng sạt lở và tiếp tục đối diện với các nguy cơ về sạt lở nghiêm trọng, gồm: di tích điện Huệ Nam (hay điện Hòn Chén) và khu vực vườn ươm cạnh lăng Cơ Thánh (hay lăng Sọ). Các khu vực này đều nằm ven sông Hương. Trong tháng 9 vừa qua, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp ở di tích điện Huệ Nam. Hiện nay, Trung tâm đang khẩn trương tiến hành các giải pháp cấp thiết để đảm bảo an toàn khi thời tiết bất lợi và mưa bão cận kề. “Tại điện Hòn Chén, đơn vị đã tiến hành 2 bước song song, vừa lập hồ sơ để triển khai dự án về giải pháp ngăn chặn, xử lý sạt lở, vừa tiến hành xử lý khẩn cấp các công việc, đảm bảo an toàn khi thời tiết bất lợi đang cận kề”, ông Sơn nói.

Theo đó, các hạng mục có nguy cơ như mặt bằng trước điện có hiện tượng sụt lún, lối bậc cấp lên điện có đoạn kè đá bị sạt lở… đang được tiến hành gia cố lại kè, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tuần này. Công đoạn khó khăn nhất là đảm bảo an toàn, phòng tránh sạt lở ở khu vực phía sau Minh Kính điện (điện chính của di tích). Vấn đề này, những năm qua đã có nguy cơ và diễn biến ngày càng nguy hiểm hơn. Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn mời các chuyên gia trong nước, đối tác quốc tế đến khảo sát, đánh giá, xây dựng phương án nhưng đến nay vẫn chưa có phương án khả thi. Trong lúc chờ giải pháp tối ưu, hiện nay Trung tâm đã đề xuất và triển khai một số biện pháp khẩn cấp: Tiến hành giằng néo, dùng cáp thép níu đan thành hệ lưới để giữ cố định toàn bộ hệ thống cây và các tảng đá lớn ở khu vực triền đồi phía núi Ngọc Trản, qua đó phòng tránh sạt lở, đá lăn, cây đổ xuống khu vực chính điện. Ngoài khu vực di tích điện Hòn Chén, tại khu vực vườn ươm cạnh lăng Cơ Thánh (hay lăng Sọ) cũng đang đối diện với tình trạng sạt trượt nghiêm trọng. Mùa mưa năm 2022, nơi đây từng xảy ra sạt lở vùng đồi phía sau, đất đá rơi xuống gây ảnh hưởng đến khu vực vườn ươm và 2 ngôi nhà sinh hoạt và làm việc của nhân viên Phòng Cảnh quan môi trường (thuộc Trung tâm). Trước mắt, Trung tâm đã làm việc với UBND xã Thủy Bằng cùng các hộ dân có đất ở khu vực liền kề để xin phép và thỏa thuận việc xây dựng đoạn kè chống sạt lở ở đây. 

Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho di tích

Quần thể di tích Cố đô Huế tập trung các công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt cũng như đang lưu giữ hệ thống cổ vật quý hiếm. Tại khu di tích Huế cũng thường xuyên có các công trình di tích được tu bổ, tập trung khối lượng lớn tài sản của nhà nước, cùng với hệ thống cây xanh cảnh quan dày đặc xen kẽ với các công trình di tích. 

Theo lãnh đạo Trung tâm, hệ thống Quần thể di tích Cố đô Huế trải rộng trên địa bàn từ vùng trũng trong khu vực Kinh thành đến các khu lăng tẩm gò đồi phía Tây Nam của TP Huế. Ngoài ra, nhiều điểm di tích nằm ven sông Hương cũng thường chịu sự tác động đe dọa nặng nề của ngập lụt, gió bão, gồm: một số di tích bên trong khu di sản Hoàng cung Huế; các di tích ven Kinh thành như Phu Văn Lâu, Nghinh Lương Đình, Quốc Tử giám, Điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), lầu Tàng Thơ… Một số điểm dễ xảy ra chia cắt khi có thiên tai như lăng Gia Long (cách trung tâm Huế 20 km), lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, điện Hòn Chén…, nên gặp nhiều khó khăn trong việc ứng cứu và khắc phục hậu quả của thiên tai. Thêm vào đó, phần lớn các di tích có kiến trúc gỗ truyền thống, một số di tích đã xuống cấp nên nguy cơ sụp đổ khi có mưa bão. Một số điểm lưu ýcó tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh…

Ông Lê Công Sơn thông tin, trong những ngày vừa qua, Trung tâm đã tiến hành giằng néo, chống đỡ đảm bảo an toàn cho di tích, bảo vệ các cổ vật bên trong di tích cũng như đảm bảo an toàn cho du khách, nhân viên ở các điểm di tích. Hệ thống cây xanh ở các khu vực di tích cũng được cắt tỉa, tránh nguy cơ ảnh hưởng của gió lớn. Cùng với đó là triển khai các giải pháp về nơi tránh trú bão cho lực lượng nhân viên, người lao động; triển khai phương án “4 tại chỗ” khi có bão và các tình huống thời tiết cực đoan… Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Trung tâm đã xây dựng lực lượng tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai với hơn 200 người, tập trung ở tất cả các điểm di tích. Riêng với các công trình đang trùng tu, yêu cầu đơn vị thi công cắt cử tối thiểu 20 người và có thể huy động thêm toàn bộ lực lượng khi có sự cố xảy ra. Lãnh đạo Trung tâm cũng chỉ đạo Ban Quản lý dự án di tích Ban Tư vấn bảo tồn di tích Huế thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị thi công để giải quyết những yêu cầu của công tác phòng chống thiên tai, nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản của trung tâm, cũng như phối hợp giải quyết khi có tình huống thiên tai xảy ra. Khảo sát thiết kế hệ thống giằng néo các công trình đang thi công, các công trình xuống cấp có nguy cơ ảnh hưởng do mưa bão gây nên.

“Việc chuẩn bị kỹ càng kế hoạch và phân công nhiệm vụ PCTT&TKCN nhằm chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo đảm an toàn cho các công trình di tích, hiện vật, tài sản được an toàn. Ngoài ra, do yêu cầu kịp thời, chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khách du lịch nên sau khi có sự cố thiên tai xảy ra, đơn vị phải huy động mọi lực lượng để khắc phục hậu quả”, lãnh đạo TTBTDTCĐ Huế nhấn mạnh. 

SƠN THÙY

 

Ý kiến bạn đọc