Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

04 Tháng Mười Hai 2023

Về đề nghị đưa đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” xét danh hiệu NSND, NSƯT: Chưa đưa vào quy định vì sẽ gây ra xáo trộn...

Thứ Hai 02/10/2023 | 09:45 GMT+7

VHO- Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” khi chưa tạo được sự thống nhất, đảm bảo các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm tương tự như đối tượng “Nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật” quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động VHNT, tạo tâm lý bất ổn đối với các cá nhân hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.

 Các nghệ sĩ đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (ảnh có tính minh họa) Ảnh: TRẦN HUẤN

 Tại lần ba xin ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Bộ VHTTDL cho biết đã chỉnh sửa, hoàn thiện theo hướng chưa quy định đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào danh sách xét tặng.

Vì sao chưa xét?

Góp ý dự thảo lần ba, ý kiến từ các Bộ, ngành, Hội chuyên ngành VHNT Trung ương đều đồng thuận với nội dung dự thảo Nghị định. Riêng Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNA) vẫn tiếp tục đề xuất bổ sung đối tượng nghệ sĩ sáng tác, là hội viên Hội NSNA Việt Nam đang tham gia hoạt động tại Hội vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Hội này cho biết, những người không phải hội viên, không tham gia hoạt động tại Hội, không thuộc đối tượng Hội quản lý nên Hội không đề xuất. Nên lấy hội viên Hội NSNA Việt Nam là tiêu chí để xét tặng danh hiệu, đảm bảo chất lượng, chuẩn mực. Về cách tính thời gian hoạt động trong lĩnh vực VHNT với đối tượng này, theo Hội NSNA, được tính từ thời điểm kết nạp vào Hội VHNT địa phương hoặc Hội Nhiếp ảnh các tỉnh, thành phố và có tối thiểu 15 năm là hội viên Hội NSNA Việt Nam (với tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSƯT); 20 năm là hội viên Hội NSNA Việt Nam (với tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND). Thời gian tính liên tục theo quy định tại điểm c, Khoản 2 và điểm c, Khoản 3 Điều 66, Luật Thi đua khen thưởng năm 2022.

Bên cạnh đó, trước nhiều ý kiến không đồng ý, đề nghị cân nhắc việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” trong đó có cả đối tượng Nhạc sĩ sáng tác và Nhiếp ảnh gia vì tác phẩm của họ cũng đang thuộc đối tượng xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT, Hội NSNA Việt Nam cho rằng: Khoản 2, Điều 4, Chương I Nghị định nêu rõ: Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước khác để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước là vinh danh cho những tác phẩm xuất sắc; còn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là vinh danh những đóng góp dành cho tác giả, là vinh danh con người. Trước đó, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành đề nghị làm rõ đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”, cách xác định thành tích nghệ thuật một cách rõ ràng, thâm niên công tác trong lĩnh vực, bởi nếu đánh giá tài năng qua nghệ thuật biểu diễn thì có danh hiệu NSND, NSƯT; đánh giá qua tác phẩm thì có “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về VHNT. Việc đánh giá, trao tặng danh hiệu, giải thưởng cao quý nói trên phải phù hợp với Điều 5 của Luật Thi đua, Khen thưởng: “Không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”.

Bộ VHTTDL cho biết, các ý kiến góp ý, đề xuất cách tính thời gian hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật mà Hội NSNA đưa ra để xét danh hiệu cho đối tượng bổ sung chưa bao quát đầy đủ thực tiễn hoạt động của đối tượng. Về đánh giá giá trị xuất sắc của tác phẩm, các ý kiến góp ý đề xuất chưa nêu được tiêu chí cụ thể. Bộ VHTTDL với vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo ngay từ đầu trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định đã tuân thủ, thực hiện đúng quy trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là với 9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương để xây dựng về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn đối với cá nhân là người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật.

Riêng về nội dung bổ sung đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”, Bộ VHTTDL đã có ba lần gửi công văn xin ý kiến 9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Theo đó, qua tổng hợp ý kiến của các Hội VHNT Trung ương, địa phương, các tỉnh/thành phố và các Bộ, ban, ngành có liên quan, có hai đối tượng phù hợp xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là Nhiếp ảnh gia và Nhạc sĩ sáng tác. Tuy nhiên, các Hội NSNA Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại chưa đề xuất được điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp xét tặng danh hiệu cho đối tượng này. Tại văn bản hồi âm ý kiến dự thảo lần ba, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã không đề xuất bổ sung đối tượng Nhạc sĩ sáng tác vào xét danh hiệu.

Việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” khi chưa thống nhất và đảm bảo các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm tương tự như đối tượng “Nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nghệ thuật” quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động văn hóa nghệ thuật, xáo trộn hệ thống pháp luật, gây tâm lý bất ổn đối với các cá nhân hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì vậy, Bộ VHTTDL đang trình Chính phủ chưa quy định đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại dự thảo Nghị định này.

Theo nhiều ý kiến và nhận định, hiện chưa đưa đối tượng “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” vào xét danh hiệu NSND, NSƯT vì chưa đủ điều kiện, tạo tâm lý bất ổn trong hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Trong ảnh: Các nghệ sĩ vui mừng đón nhận danh hiệu NSND, NSƯT năm 2019 Ảnh: TR.HUẤN

Nghiên cứu quy định phù hợp

Bộ VHTTDL cũng cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương để tiếp tục nghiên cứu, đưa ra quy định phù hợp trong xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”.

Nhiều ý kiến đồng thuận quan điểm chưa đưa các đối tượng này vào xét tặng danh hiệu. Trong đó, Hội Điện ảnh Việt Nam đề nghị nên cân nhắc việc đưa các đối tượng “Nhạc sĩ sáng tác”, “Nhiếp ảnh gia” vào đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vì công việc của hai thành phần này không mang tính biểu diễn, tiêu chí chủ yếu để xét tặng danh hiệu nghề nghiệp; tác phẩm của họ cũng đã và đang được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Để đảm bảo chính xác, công bằng như quy định tại Khoản 2, Điều 5 Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022, nếu Nghị định đưa hai đối tượng này vào diện xét tặng danh hiệu nghề nghiệp thì cũng cần đưa một số thành phần có tính chất tương đồng trong hoạt động sáng tác là Nhà văn, Biên kịch điện ảnh, Kịch tác gia… vào đối tượng xét tặng. Cùng với đó, góp ý của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng nêu rõ, Hội không đồng nhất với ý kiến đưa Biên kịch, Tác giả kịch bản múa, Nhạc sĩ hòa âm phối khí, Soạn giả vào xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, với quan điểm: Không xét một thành tích được cả danh hiệu NSND, NSƯT, được cả Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT.

Hội Nhà văn cũng bày tỏ, khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm để mang ra xét Nhà văn ưu tú hay Nhà văn nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sĩ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng “nhà văn” là cao quý, thiêng liêng. Hội đề xuất không xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nhà văn. Theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật” là đối tượng hoàn toàn mới và phủ rộng trên các lĩnh vực hoạt động VHNT. Vì thế, rất cần làm rõ nội hàm “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”. Hội này đề nghị, cần có sự đánh giá thành tích nghệ thuật một cách rõ ràng: “Thực tế, qua các đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, có nhiều người là NSND, NSƯT đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, nghĩa là họ vừa là nghệ sĩ biểu diễn, nhưng cũng là người sáng tạo tác phẩm VHNT. Đó là điều cần xem xét, làm rõ để mục đích của thi đua khen thưởng đi đúng hướng, không chỉ vinh danh người sáng tạo VHNT mà lớn hơn là góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa nước nhà trong thời kỳ phát triển mới của đất nước”.

Nhiều chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo lắng nếu việc bổ sung các đối tượng xét tặng danh hiệu không đúng quy định về đối tượng, tiêu chuẩn và cách tính thời gian hoạt động sáng tạo tác phẩm… sẽ dẫn đến tình trạng “loạn danh hiệu”. 

Riêng về nội dung bổ sung đối tượng “Người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật”, Bộ VHTTDL đã có ba lần gửi công văn xin ý kiến 9 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương. Theo đó, qua tổng hợp ý kiến của các Hội VHNT Trung ương, địa phương, các tỉnh/thành phố và các Bộ, ban, ngành có liên quan, có hai đối tượng phù hợp xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là Nhiếp ảnh gia và Nhạc sĩ sáng tác.

Tuy nhiên, các Hội NSNA Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại chưa đề xuất được điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp xét tặng danh hiệu cho đối tượng này. Tại văn bản hồi âm ý kiến dự thảo lần ba, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã không đề xuất bổ sung đối tượng Nhạc sĩ sáng tác vào xét danh hiệu.

 PHƯƠNG ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Mười Hai 2023»
T2T3T4T5T6T7CN
27
28
29
30
1
2
3
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2023 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top