Việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là nhiệm vụ hết sức cấp thiết, quan trọng
VHO - Thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ VHTTDL đang tích cực xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 (Chương trình). Đây là Chương trình có ý nghĩa quan trọng, sống còn, tạo động lực, nguồn lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng
Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, được Bộ VHTTDL thực hiện theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Triển khai các định hướng, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Quốc hội về việc “khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa”, trong thời gian qua, Bộ VHTTDL đã rà soát, nghiên cứu các tài liệu về Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020; các tài liệu, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, Hội thảo 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam…
Nhờ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của những giai đoạn trước, di tích đền vua Đinh, vua Lê ở Ninh Bình được tu bổ, tôn tạo kịp thời
Trên cơ sở các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ VHTTDL đã khẩn trương soạn thảo, gửi Công văn tới các Bộ, ngành, Viện nghiên cứu… xin ý kiến về đề xuất chính sách làm cơ sở xây dựng Chương trình. Đồng thời, xin ý kiến các Bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chương trình, đề nghị các địa phương đề xuất nhiệm vụ cụ thể, kinh phí để đưa vào Chương trình.
Khẳng định việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cho đến nay, căn cứ đề xuất, ý kiến góp ý của 63 tỉnh, thành, các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội liên quan, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ VHTTDL đã tổng hợp, xây dựng Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình, trong đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035).
Về nguồn kinh phí 350.000 tỉ đồng, Bộ VHTTDL khẳng định, cần nhìn nhận chính xác, khách quan về nguồn kinh phí này sẽ được sử dụng cho những mục tiêu cụ thể nào, tránh tạo dư luận tiêu cực về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Theo đó, dự kiến tổng vốn của Chương trình là 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035) sẽ được sử dụng để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng; đảm bảo đầu tư phát triển toàn diện, hài hòa giữa các lĩnh vực hoạt động văn hóa; đảm bảo mục tiêu văn hoá ngang hàng kinh tế, chính trị, xã hội theo quan điểm xuyên suốt trong các Nghị quyết của Đảng.
Cụ thể, đến năm 2030, việc sử dụng nguồn kinh phí từ Chương trình sẽ hướng đến mục tiêu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế chế văn hóa, cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa hóa - thể thao; 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích quốc gia được tu bổ, tôn tạo; ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa; hằng năm có khoảng 20-30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước; tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa; các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP; đầu tư cho văn hóa hóa tối thiểu 2% tổng chi ngân sách hằng năm.
Hiện nhiều di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt trên cả nước đang xuống cấp trầm trọng, trong khi chưa có nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Trong ảnh: Di tích quốc gia đặc biệt Km số 0 ở Nghệ An xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Phạm Ngân
Đến năm 2035, đạt các mục tiêu cụ thể: 100% thư viện bảo đảm điều kiện hoạt động; 100% công chức, viên chức lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, văn nghệ sĩ thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn; 100% các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật được trang bị đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất; có 5 trường đại học trọng điểm và 2 Viện nghiên cứu được tập trung đầu tư trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm quốc gia trong các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu - Điện ảnh và Văn hóa, ngang tầm với các nước tiên tiến trọng khu vực và thế giới.
Việc xây dựng Chương trình thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đầu tư công. Đây là nhiệm vụ cấp thiết, quan trọng. Bộ VHTTDL cho biết, trong thời gian tới, còn nhiều nội dung cần tiếp tục triển khai, gồm: Chính phủ thẩm định, trình Quốc hội Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Quốc hội thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Bộ VHTTDL lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình.
Trong đó, căn cứ ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ VHTTDL hoàn chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình và dự thảo quyết định đầu tư chương trình gửi Hội đồng thẩm định nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Việc xây dựng Chương trình là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của ngành Văn hóa, thực hiện theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Trong quá trình xây dựng Chương trình, Bộ VHTTDL đã bám sát các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội thảo về thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa năm 2022.
Chương trình chấn hưng văn hóa là yêu cầu chính đáng và cấp thiết trong thời điểm hiện nay
TS Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương
Theo TS Cao Văn Chóng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới việc phát triển văn hóa bởi ý nghĩa và tầm quan trọng của lĩnh vực này như phát biểu tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021: “Văn hoá còn thì dân tộc còn. Văn hoá mất thì dân tộc mất”. Vì thế việc các Bộ, ngành chức năng nghiên cứu, tham mưu trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa là yêu cầu hết sức chính đáng và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Cũng theo TS Cao Văn Chóng, hiện đất nước ta có rất nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể quý giá nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu không có nguồn lực và một chương trình tổng thể, mang tầm cỡ quốc gia thì rất có thể những giá trị văn hóa vô giá, khó đo đếm được mà cha ông ta để lại sẽ không có cơ hội truyền lại cho các thế hệ sau.
Đó chỉ là một trong nhiều lợi ích mà chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng phát triển văn hóa mang lại. Các giá trị mà chương trình mang lại không chỉ cho quốc gia, cho các địa phương mà còn cho mỗi người dân có điều kiện thuận lợi hơn để thụ hưởng những giá trị văn hóa.
Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 nhằm triển khai thực hiện các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về chấn hưng, phát triển văn hoá, xây dựng con người Việt Nam; cụ thể hoá các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phát triển văn hoá của đất nước; thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ, phát triển văn hoá và đất nước bền vững.
Chương trình cũng nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hoá trong thời kỳ mới. Theo TS Cao Văn Chóng, yêu cầu của sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước đang đặt ra cấp bách nhiều vấn đề phức tạp, cần có lời giải ngay, ở tầm mức mới. Đây chính là những vấn đề mà nếu không giải quyết được thì không thể tạo ra được bước chuyển biến to lớn để phát triển văn hóa, xây dựng con người như tinh thần của Đại hội Đảng lần thứ XIII yêu cầu.
“Với tất cả những ý nghĩa trên, tôi cho rằng đây là chương trình cấp bách và cần thiết, mong được các cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm được triển khai, thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy văn hoá truyền thống của dân tộc, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới của thời đại”, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bình Dương nhấn mạnh.
Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh. Ảnh: TTXVN
Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh cho biết, ngành VHTTDL Trà Vinh cũng như những người làm văn hóa nói chung rất mong chờ “Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045” mà Bộ VHTTDL đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng, nếu được thông qua sớm, sẽ là bước ngoặc lớn để phát triển sự nghiệp văn hóa giai đoạn mới.
“Việc thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020 đã góp phần tạo dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa bước đầu được thiết lập. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã tích cực chủ động tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, rộng khắp, qua đó đáp ứng phần nào nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Mặt khác thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong hệ thống nhà văn hóa đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, chuyển tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đến với người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ kinh tế, xã hội của địa phương. Chương trình đã làm tốt công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích trên địa bàn tỉnh”, ông Sum nhấn mạnh.
Đầu tư cho văn hóa chính là tư con người, tương lai, là đầu tư cho sự phát triển bền vững, sao lại đặt vấn đề lãng phí?
GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Chia sẻ với Văn Hóa, GS.TS Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam bày tỏ: “Trước hết tôi thấy các nội dung chương trình chấn hưng văn hóa là vô cùng cần thiết. Trên các diễn đàn và mạng xã hội, mặc dù có vài ý kiến nhỏ băn khoăn về chương trình này, nhưng đa số ý kiến đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư cho chương trình hết sức quan trọng này”.
Liên quan đến một số ý kiến hiện nay trên các diễn đàn, mạng xã hội về mức đầu tư cho Chương trình, GS Nguyễn Chí Bền cho biết: “Tôi cũng chia sẻ ý kiến của những người trên mạng xã hội, băn khoăn về mức đầu tư này. Đương nhiên y tế và giáo dục cũng rất cần, nhưng các lĩnh vực này đều đã có. Trong khi văn hóa từ trước đến nay, phấn đấu mãi chưa bao giờ đạt được mức 2% GDP, đặc biệt là những địa phương khu vực miền núi, mức đầu tư này rất thấp. Rõ ràng rất cần sự quan tâm, đầu tư trong thời gian tới. Phải thẳng thắn nhìn nhận, kinh phí đầu tư 350.000 tỉ đồng cho giai đoạn 11 năm (2025-2035) trên phạm vi cả nước của Chương trình không hề lớn, trong khi nhu cầu tại các địa phương rất lớn và hoàn toàn chính đáng. Ví dụ ngay một thành phố lớn nhất nước như TP.HCM sau 48 năm giải phóng đến nay vẫn chưa xây được các thiết chế văn hóa quy mô, xứng tầm. Các nhà hát của Hà Nội và Bộ VHTTDL cũng chung thực trạng này”.
“Và tôi muốn nhần mạnh rằng, khi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho tương lai; là đầu tư cho sự phát triển bền vững, tại sao đặt vấn đề lãng phí ở đây?”.
NHÓM P.V