Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

03 Tháng Mười Hai 2023

Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ

Thứ Sáu 08/09/2023 | 21:28 GMT+7

VHO – Tối 8.9, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn (Bình Định), Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Bình Định, các Ban, bộ, ngành và UBND 11 tỉnh khu vực miền Trung long trọng tổ Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV, năm 2023 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo ban, bộ, ngành tham dự Lễ khai mạc 

Dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; các Ủy viên BCH Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng lãnh đạo Ban, bộ, ngành và  11 tỉnh khu vực miền Trung: Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Định.

Tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo

Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hoá; cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hoá đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa. Thông qua quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú. Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá đồ sộ với 5 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, 6 di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia, 176 di sản văn hoá phi vật thể trong danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Đây cũng là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, Mường, Bru-Vân Kiều, Cơ Tu, Ba Na, Gia Rai, Giẻ Triêng, Co, Xơ Đăng, Mnông, Chăm và nhiều tộc người khác, gắn liền với quá trình khai thiên lập địa, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người với thiên nhiên, ước mơ cũng như khát vọng của con người về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, nhận thức sâu sắc vai trò của văn hoá đối với sự phát triển bền vững đất nước nói chung, của các vùng miền trên cả nước nói riêng, những năm qua, Bộ VHTTDL đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, tích cực phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc, đặc biệt là những tinh hoa của cộng đồng dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử. Cùng với Ngày hội văn hoá, thể thao và du lịch các dân tộc tại các vùng miền trên cả nước, Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung đã trải qua 3 lần tổ chức, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Lễ khai mạc 

“Tiếp nối thành công của 3 kỳ ngày hội đã tổ chức, Ngày hội Văn hoá các dân tộc miền Trung lần thứ 4 sẽ diễn ra từ ngày 8-10.9 tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc miền Trung - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, hứa hẹn tạo ra một không gian văn hóa ý nghĩa, để các cơ quan quản lý văn hoá, các nghệ sĩ, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số… gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh và cho biết thêm: Ngày hội cũng là dịp để nhân dân và du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về những đặc trưng văn hoá vùng núi cao, núi thấp, vùng ven biển mang hơi thở cuộc sống gắn với núi rừng, sông suối, biển cả cùng các tập quán canh tác mùa vụ của đồng bào các dân tộc miền Trung qua các hoạt động dân ca, dân vũ, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, khám phá ẩm thực, thưởng thức các tiết mục nghệ thuật được trình diễn công phu, được đắm mình vào không gian lễ hội gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân trong các nghi lễ truyền thống…

Nhắc lại danh ngôn của người Pháp “Văn hoá là những gì còn lại khi tất cả những cái khác mất đi”, Bộ trưởng nhấn mạnh, thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ sẽ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây. Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng cờ lưu niệm và hoa cho các đoàn tham gia Ngày hội

Cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương

Phát biểu chào mừng Ngày hội, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết: Tỉnh Bình Định có bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa, thừa hưởng một mạch nguồn văn hóa đồ sộ và cổ xưa của nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn hóa Chămpa nổi tiếng; là cái nôi của phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, quê hương của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Bình Định là vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa nghệ thuật, nổi bật là Nghệ thuật Tuồng và những làn điệu Bài chòi mượt mà, sâu lắng, trong đó Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Miền đất võ Bình Định với những tinh hoa võ thuật đã hun đúc, kết tinh thành truyền thống thượng võ của con người Bình Định qua nhiều thế hệ.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng phát biểu chào mừng 

Bình Định là nơi hội tụ và giao hòa văn hóa của nhiều dân tộc anh em, ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó chủ yếu là 3 dân tộc: Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định.

Đặc sắc Chương trình nghệ thuật có chủ đề “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ”

Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, trở thành các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trong quá trình phát triển, các dân tộc thiểu số ở Bình Định đã hình thành nên những bản sắc văn hoá vừa mang đặc trưng riêng vừa mang đặc trưng chung của cộng đồng dân tộc. Cách đây hơn 200 năm, các dân tộc Kinh, Bana, Chăm, Hrê cùng sát cánh dưới lá cờ đào của ba anh em nhà Tây Sơn làm nên nghiệp lớn đánh tan giặc ngoại xâm, thu non sông về một mối. Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng theo Đảng, tương thân, tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.

Chương trình quy mô, hoành tráng với sự góp mặt của khoảng 800 ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân chuyên nghiệp… và nghệ nhân đến từ 11 tỉnh trong khu vực

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chia sẻ, trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa. Đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tạo nên các sản phẩm văn hóa - du lịch hấp dẫn, mang đặc trưng riêng của tỉnh, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tỉnh Bình Định, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Đồng thời, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định mong muốn Ngày hội cũng là cơ hội để tỉnh Bình Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của quê hương và con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững.

Sau phần khai mạc là chương trình nghệ thuật có chủ đề “Miền Trung lung linh sắc màu hội tụ” với thời lượng 60 phút, gồm 3 chương: “Bình Định - huyền thoại ngàn năm”, “Sắc màu văn hóa các dân tộc miền Trung”, “Miền Trung hội nhập và phát triển cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam”. Với 12 cảnh diễn và sự góp mặt của khoảng 800 ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân chuyên nghiệp và quần chúng đến từ các đơn vị trong tỉnh, một số đoàn nghệ thuật ngoài tỉnh, các trường đại học, cao đẳng, THPT, nghệ nhân đến từ 11 tỉnh, Chương trình tập trung giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc của 11 tỉnh miền Trung tham dự Ngày hội; quảng bá những sản phẩm du lịch, điểm đến ấn tượng của địa phương; tôn vinh những dấu ấn và công lao của thế hệ cha ông đi trước. Chương trình cũng biểu dương những thành tựu trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung sức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của cộng đồng dân tộc các tỉnh miền Trung trong thời kỳ hội nhập.

PHAN HIẾU

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Mười Hai 2023»
T2T3T4T5T6T7CN
27
28
29
30
1
2
3
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2023 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top