Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

03 Tháng Mười Hai 2023

Xác lập lại vị trí của ngành Văn hóa trong phát triển đất nước

Thứ Tư 30/08/2023 | 10:31 GMT+7

VHO- Hơn 1.000 cán bộ làm công tác văn hóa đã tham dự Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023 để gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở nhằm nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Hội nghị diễn ra ngày 28.8, tại trụ sở Bộ VHTTDL, dưới sự chỉ đạo điều hành của Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Kết nối, lan tỏa các mô hình điểm về văn hóa cơ sở

Phát biểu định hướng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Đây là dịp hiếm có hội tụ đầy đủ lãnh đạo các Sở quản lý VHTTDL của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để nhìn nhận lại những việc đã làm trong suốt nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Từ đó, bàn định, thống nhất trong nhận thức những việc sẽ phải làm trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo”.

Với những trăn trở trong vai trò người đứng đầu ngành Văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi: “Ngành Văn hóa đã có những tham mưu cho Đảng, Nhà nước như thế nào; kiến tạo chính sách, khơi thông nguồn lực cho văn hóa ra sao; những gì sẽ để lại dấu ấn trong thời gian tới? Ngành chúng ta cần rút kinh nghiệm và tiếp tục phát huy điều gì?”.

Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý việc chú trọng nhiều hơn trong tổng thể hoạt động và chiều sâu của văn hóa trong mối quan hệ gia đình, các cơ quan đơn vị và cộng đồng dân cư. Bởi vì, địa bàn dân cư, cơ quan đơn vị ở cơ sở là nơi ngành Văn hóa phát hiện, đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, của nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước. Phát triển văn hóa vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hóa vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngành. Tư lệnh ngành Văn hóa cũng yêu cầu toàn ngành tự đổi mới, theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, tăng tốc để về đích càng sớm càng tốt.

Tại Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023, các đại biểu đã nghe chia sẻ, báo cáo gương điển hình với các tham luận từ các mô hình điểm đến từ: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang.

Toàn dân tham gia vào sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các cơ quan làm nhiệm vụ văn hóa, cán bộ văn hóa đã có cách tiếp cận mới hơn về mặt nhận thức vì văn hóa là một lĩnh vực rộng, phải được tiến hành một cách thường xuyên, được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược. Do đó, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từng cơ quan làm công tác văn hóa tham gia vào việc chấn hưng và phát triển văn hóa.

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Bộ VHTTDL đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, toàn ngành đã rà soát xem đâu là khoảng trống pháp lý, chỗ nào cần tháo gỡ, hoàn thiện chính sách. Từ đó, tập trung tham mưu, chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua: 2 dự án Luật, phối hợp trình 1 dự án Luật; 11 Nghị định của Chính phủ; 1 Nghị quyết chuyên đề về du lịch; 12 Quyết định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 48 Thông tư. Việc xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã góp phần rất quan trọng để ngành VHTTDL thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Điểm lại những điều này để thấy khi ngành VHTTDL làm tốt vấn đề quản lý nhà nước, sẽ khắc phục được định kiến hẹp hòi là Văn hóa chỉ “cờ, đèn, kèn, trống”. Sự kiên trì tham mưu, đeo bám quyết liệt để tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho Đảng và Nhà nước trong đó có ở cấp cơ sở, từng bước xác lập lại vị trí của ngành Văn hóa trong sự phát triển của đất nước.

Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành VHTTDL đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các Chiến lược về văn hóa, thể thao, du lịch được Chính phủ ban hành; từ Hội nghị chuyên đề do Quốc hội tổ chức đến các phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước… Chưa bao giờ cụm từ “văn hóa”, “chấn hưng văn hóa”, “phát triển con người”… được nhắc đến nhiều với mật độ cao, yêu cầu lớn hơn như mấy năm qua trong các diễn đàn trong nước và quốc tế. Từ đó, giúp xã hội có nhận thức đúng, hành động đẹp về văn hóa.

Toàn ngành cũng đã bám sát các sự kiện chính trị quan trọng, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương vào các thời điểm để tổ chức các sự kiện văn hóa tầm khu vực, quốc gia, địa phương. Trong đó, bài toán khó là quản lý lễ hội, quản lý văn hóa, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân; đảm bảo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; giữ gìn, phát huy các giá trị nghệ thuật đương đại và truyền thống; kết hợp nhuần nhuyễn, thông qua sự kiện văn hóa kích cầu du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Sau khi phát động xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại Nghệ An năm 2022, có thể thấy, chưa bao giờ ngành Văn hóa được sự hưởng ứng mạnh mẽ như lần này. Việc kiến tạo môi trường văn hóa, tất nhiên không chỉ ngày một ngày hai nhưng với sự kêu gọi của đồng chí Võ Văn Thưởng (khi đó là Thường trực Ban Bí thư) và sự ủng hộ của các ngành, các cấp, quần chúng nhân dân, ngành VHTTDL đã thu được những thành công nhất định.

Lấy ví dụ về việc Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; sự vào cuộc của Tổng Liên đoàn lao động, của Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu doanh nghiệp văn hóa Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc kiến tạo môi trường văn hóa đã có hiệu quả. Văn hóa đã thực sự lan tỏa, thấm đẫm trong đời sống xã hội.

Quá trình phát triển, chấn hưng văn hóa, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại, vừa phát huy giá trị văn hóa của đất nước, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Hoạt động văn hóa đối ngoại được Bộ VHTTDL thực hiện đa dạng, linh hoạt, đặc sắc; giao lưu văn hóa được chính quyền, người dân các vùng biên giới thực hiện để bạn bè quốc tế hiểu về Việt Nam hơn. Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam được triển khai đã đề cao vai trò người dân là “Đại sứ văn hóa” với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Việc tổ chức Tuần văn hóa, Lễ hội văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhân kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ ngoại giao đi vào chiều sâu và thực chất. Các chương trình văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cho thấy văn hóa luôn hiện diện trong sự kiện mang tầm quốc tế, người dân thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Nửa nhiệm kỳ qua, Thể thao Việt Nam tiếp tục thiết lập các dấu ấn lịch sử. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL kiên định với hai trụ cột phát triển, lấy thể thao quần chúng làm gốc để phát triển thể thao thành tích cao, vượt chỉ tiêu đề ra. Thông qua Thể thao, chúng ta đã củng cố khối đại đoàn kết, triệu người như một, khát vọng chấn hưng, xây dựng đất nước.

Du lịch Việt Nam bắt đầu từ văn hóa, bằng văn hóa đã góp phần đưa ngành từng bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho khách quốc tế, đạt con số hơn 100 triệu lượt năm 2022, vượt qua cả thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19. Du lịch quốc tế 8 tháng đầu năm đạt 7,8 triệu lượt, gần đạt mục tiêu đề ra năm 2023 là 8 triệu lượt.

Phải chăng, ngành VHTTDL và các cán bộ của ngành đang ngày ngày tận tâm cống hiến, như Bác Hồ nói: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ví, những hoạt động ở các cấp cơ sở, ở các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL giống như những dòng sông chở nặng phù sa, bồi đắp các bến bờ. Thầm lặng nhưng chứa chan ân tình, khát vọng dựng xây đất nước, như lời bài hát “Chảy đi sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Sông hiến mình tất cả/ Đời sông không hề tiếc vơi đầy”. 

 THÚY HÀ - THANH NGỌC; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Mười Hai 2023»
T2T3T4T5T6T7CN
27
28
29
30
1
2
3
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2023 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top