Năng lượng tích cực, sức sáng tạo từ các mô hình điểm
VHO- Nhiều phong trào, mô hình điểm trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở đã được hình thành trong thời gian qua, trở thành điểm sáng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở nhiều vùng, miền.
Đầu tư, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa gắn với bảo tồn di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh
Không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ truyền thống
Sau khi Dân ca Quan họ Bắc Ninh được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, chính sách kịp thời, hiệu quả, đảm bảo thực hiện toàn diện nội dung cam kết với UNESCO. Bắc Ninh cũng là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù và đầu tư bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là Dân ca Quan họ.
Hiện Bắc Ninh đã xây dựng được 11 Nhà chứa Quan họ (nhà thực hành Quan họ). Hệ thống này đi vào vận hành đã thu được kết quả tốt, là điểm đến tham quan yêu thích của khách du lịch. Phục dựng Nhà chứa Quan họ tại các làng Quan họ cổ được nhận định là một trong những bước đi quan trọng trong việc phục dựng lại không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ truyền thống, là cái nôi để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Việc đầu tư xây dựng không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa mà các hoạt động giao lưu Quan họ sẽ được triển khai thường xuyên hơn; thu hút nhiều du khách và người yêu mến Quan họ.
Trong những năm qua, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh luôn hoàn thành tốt các chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Trung bình mỗi năm, đơn vị đã xây dựng chương trình, tổ chức luyện tập và biểu diễn thành công trên 100 buổi phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ nhân dân trong nước và du khách quốc tế.
Phát triển CLB dân ca Ví, Giặm và truyền dạy di sản của Nghệ An
Sinh hoạt truyền dạy dân ca Ví, Giặm tại xã Ngọc Sơn (Thanh Chương, Nghệ An) Ảnh: PHẠM NGÂN
Sau khi dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, việc thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm và tập huấn, truyền dạy hát dân ca được đẩy mạnh trong toàn tỉnh.
Để phát triển hệ thống này, Sở VHTT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, cử cán bộ chuyên môn tổ chức điền dã về từng địa phương tiếp cận và tổ chức xây dựng các CLB; tìm gặp những người cao tuổi để sưu tầm, ghi âm, ghi hình các làn điệu, cũng như định hướng trong việc truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá, thắp lửa tình yêu Dân ca Ví, Giặm trong mỗi người dân.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập gần 140 CLB dân ca Ví, Giặm tại 21 huyện, thị thành, với gần 3.000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 NNƯT, 1 NNND. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, ngoài các đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,... các địa phương này cũng thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là cơ sở tiền đề thực hành di sản, gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển kinh tế du lịch cộng đồng.
Hà Nội: Năng lượng tích cực từ những “trưởng thôn thân thiện”
Hội thi Trưo<>ôn thân thiện do TP Hà Nội tổ chu<>
Hội thi Trưởng thôn thân thiện là hoạt động hiệu quả được Hà Nội tổ chức trong những năm qua. Mỗi hội thi là một dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các thôn, các cán bộ Trưởng thôn trong công tác xây dựng thôn, làng văn hóa ở cơ sở.
Đóng vai trò là những hạt nhân “truyền lửa”, các trưởng thôn Hà Nội nhiều năm qua đã đóng góp tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Hội thi Trưởng thôn thân thiện do TP Hà Nội tổ chức nhằm nâng cao vị trí, vai trò của Trưởng thôn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ ở địa phương; củng cố kiến thức, kỹ năng trong triển khai tổ chức thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH; xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhân tố con người thanh lịch, văn minh. Đồng thời tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các nội dung xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung và phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với các phong trào thi đua khác ở địa phương.
Nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ của Trưởng thôn trong thực thi nhiệm vụ nói chung và trong công tác xây dựng đời sống văn hóa nói riêng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình văn hóa, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tham gia cuộc thi, những Trưởng thôn với vai trò hạt nhân trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã khẳng định kiến thức trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; công tác tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng; bình xét các danh hiệu văn hóa; tổ chức, quản lý, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động, nghi lễ tín ngưỡng ở địa phương; tổ chức hoạt động ở các thiết chế văn hóa thể thao cấp xã, thôn…
Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức & Trải nghiệm” gắn với phát triển du lịch ở Gia Lai
Mô hình Cồng chiêng cuối tuần o
Gần 20 năm qua, Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc góp phần giữ vững cam kết với UNESCO bằng nhiều hành động cụ thể. Tuy vậy, nhìn từ góc độ bảo tồn và phát huy giá trị, cồng chiêng đã và đang đi qua những bước thăng trầm. Sinh hoạt truyền thống liên quan đến cồng chiêng ở cơ sở ngày càng thưa vắng, biến đổi. Các cộng đồng người Bahnar, Jrai dù vẫn sở hữu nhiều cồng chiêng nhưng cơ hội cũng như sự tự nguyện sử dụng loại nhạc cụ này trong các sinh hoạt liên quan không còn được như trước. Mô hình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức & Trải nghiệm” ra đời trong bối cảnh ấy.
Mỗi đêm diễn ra, Cồng chiêng cuối tuần thu hút hàng nghìn lượt du khách và người dân tham dự. Hàng ngàn lượt người xem đã truyền tải hình ảnh đất nước, con người Gia Lai, trong đó có văn hóa cồng chiêng. Điều đặc biệt là không chỉ có người lớn, ngày càng có nhiều gia đình cho con em ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng tham gia chương trình vào mỗi tối thứ 7 để vui chơi, trải nghiệm. Các chương trình còn là dịp để những nghệ sĩ buôn làng có không gian thực hành di sản, thỏa sức sáng tạo di sản mình đang nắm giữ.
THẢO ANH