Bí ẩn tộc người Đàng Hạ tại ngôi làng Sơn Đừng

VHO - Hàng trăm năm qua, tộc người Đàng Hạ sinh sống tại ngôi làng Sơn Đừng (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) có nguồn gốc từ đâu vẫn còn là ẩn số. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác người Đàng Hạ vẫn từng ngày vượt khó để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bí ẩn tộc người Đàng Hạ tại ngôi làng Sơn Đừng - Anh 1

Một góc làng biển Sơn Đừng, nơi 60 hô dân Đàng Hạ đang sinh sống

Chúng tôi về làng Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vào buổi trưa tháng 8.2023, trong tiết trời nắng gắt. Làng biển Sơn Đừng nơi có khoảng gần 60 hộ  với 300 người, dân tộc Đàng Hạ sinh sống đẹp như một bức tranh thủy mặc với sơn nước hữu tình, mây trời trong xanh và thanh bình đến lạ.

Tộc người Đàng Hạ có nguồn gốc từ đâu và sinh sống tại đây từ bao giờ chưa thể xác định, nhưng các vị cao niên tại đây cho rằng, làng này có từ rất lâu đời, trải qua nhiều thế hệ cha, ông của họ sinh sống.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Trò, một vị cao niên đã 93 tuổi (người Đàng Hạ cao tuổi nhất trong làng) cho biết:  Chúng tôi không biết ngôi làng Sơn Đừng của tộc người Đàng Hạ có từ bao giờ, chỉ biết đã hàng trăm năm qua tộc người của chúng tôi đã sinh sống tại đây. Và tính từ nhiều đời cha ông thì ngôi làng của tộc người Đàng Hạ sinh sống đã hình thành và phát triển khoảng trên 300 năm.

Theo ông Trần Trò, hiện nay, có nhiều giả thuyết cho rằng, gốc người Đàng Hạ xưa kia là những ngư dân Indonesia trên đường hành nghề đánh bắt hải sản trên biển, gặp cơn bão giữa khơi xa xô đẩy, trôi dạt vào những đảo nhỏ ở Vạn Thạnh. Sau nhiều ngày lênh đênh, họ đã tìm thấy nước ngọt ở xóm Sơn Đừng nên dựng chòi, hái rau quả và sinh cơ lập nghiệp ở đó cho tới ngày nay.

Nhưng theo những truyền thuyết được truyền miệng trong dân gian lại cho rằng, người Đàng Hạ vốn là một nhóm người dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định. Do chiến tranh loạn lạc đã khiến họ phiêu bạt về làng Sơn Đừng, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Truyền thuyết lưu truyền rằng, vua Gia Long (lúc chưa lên ngôi) trên đường bị quân Tây Sơn truy đuổi đã dạt vào bán đảo Sơn Đừng. Trong lúc quẫn bách, vua Gia Long cầu khấn thần linh xin được giúp đỡ thức ăn, nước uống. Tức thì, ngoài khơi có một luồng cá lớn chạy vào. Còn trên bãi cát, cách mép nước biển chừng vài gang tay, binh sĩ đào xuống một hố nhỏ, nước ngọt trào ra lênh láng, tha hồ ăn uống, tắm giặt. Cứ như thế những người trên các thuyền bắt cá nấu ăn và nước ngọt để uống và vào được làng Sơn Đừng sinh sống như ngày nay.

Bí ẩn tộc người Đàng Hạ tại ngôi làng Sơn Đừng - Anh 2

Vợ chồng ông Trần Trò lưu giữ bức ảnh Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp như báu vật

Theo nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Việt Kỉnh ở tỉnh Khánh Hòa, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu dân tộc học, xã hội học nào chứng minh và khẳng định người Đàng Hạ từ đâu đến Sơn Đừng và họ đã cư trú ở đây từ khi nào. Cũng theo ông Trần Viết Kỉnh, đến khoảng cuối năm 1990, ở Sơn Đừng chỉ có 36 nhân khẩu người Đàng Hạ, sống trong 7 nóc nhà. Gọi là nhà, kỳ thực ấy là những túp lều trên cát, được dựng bằng hai mảng lá cây lơ thơ ghép lại.

Được người dân chỉ dẫn, chúng tôi tiếp tục đến nhà ông Đinh Văn Trớt ( 63 tuổi, người Đàng Hạ, xóm Sơn Đừng). Ông Trớt cho biết: Ở đây người dân vẫn gọi tôi là chủ làng, bởi những người lớn tuổi như tôi và hiểu chuyện chỉ tính trên đầu ngón tay. Tôi sống từ nhỏ ở đây, các bậc tiền bối kể rằng tộc người Đàng Hạ có từ hàng trăm năm trước. Nhưng thật chất, nguồn gốc đến bây giờ vẫn chưa xác định được từ đâu...”.

Ông Trớt kể: Người dân xóm Sơn Đừng, ở thôn Đầm Môn vẫn nhớ câu hát về Sơn Đừng cùi, dân Sơn Đừng đi chợ bằng gùi, đội nón mo cau. Dân nơi này từ khi lập xóm mặc dù ở gần biển nhưng hầu như lúc đó không ai biết đi biển đánh bắt cá mà chỉ đi lên núi chặt củi, hầm than và trồng củ khoai, củ sắn để sinh sống qua ngày. Khi có được những bó củi khô hoặc nông sản trên rừng thì mang đi đổi lấy gạo về ăn và chiếc nón mo cau luôn luôn gắn bó với người dân mỗi khi đi làm.

Bà Nguyễn Thị Cúc, cư dân Đàng Hạ cho biết: Bà con nơi đây trước kia cuộc sống rất khó khăn nên chủ yếu dùng tay moi cát lấy nước ngọt. Cứ đào sâu khoảng 10 – 20cm là thấy nước ngọt. Đào hố rồi để ít phút chờ nước trong rồi lấy nước cho vào can nhựa và mang đi rẫy để uống. Nhưng trải qua thời gian, nhiều hộ gia đình đã đào giếng và mua nước ngọt về sử dụng nên mạch nước này dần dần bị lãng quên".

“Ngày xưa cuộc sống ở đây khổ lắm. Dân không có nghề gì, quanh năm chỉ biết đi hầm than kiếm sống. Dần dần hết cây và nhà nước không cho hầm than nên một số người mới tập tành đi làm nghề biển, tập đánh bắt hải sản. Gia đình con cái lại đông, kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc đi học chỉ đi bộ rất vất vả nên hầu hết các gia đình đều cho con nghỉ học sớm”, bà Cúc nói.

Theo bà Cúc người Đàng Hạ xóm Sơn Đừng rất dễ dàng nhận biết với các đặc điểm, nước da ngăm đen, tóc xoăn, mũi tẹt, môi dày, cặp mày rậm rạp và bàn chân to bè khác người. Đặc biệt cặp mắt của người nào ở xóm Sơn Đừng cũng có màu đồng.

Khoảng 20 năm trước, nếu ai muốn đến xóm Sơn Đừng này để thăm người thân thì chỉ có thể đi lại bằng hai cách. Một là lội bộ với quảng đường dài khoảng 7km vượt qua các đồi cán mịn. Hai là dùng ghe đò dong theo bờ biển mà đến. Tuy nhiên, ghe đò ngày xưa rất hiếm, lâu lâu mới có một chuyến nên việc đi lại ở xóm Sơn Đừng vẫn chủ yếu là lội bộ qua các triền cát...

Bà Cúc vui vẻ nói: Làng này không có con sông, không có suối, không có chợ mà hàng trăm năm qua người dân vẫn tồn tại và duy trì qua nhiều thế hệ. Bây giờ cuộc sống cũng có phần tạm ổn hơn trước nên người dân Đàng Hạ như chúng tôi ai cũng mừng. Trai giái trong làng lấy chồng rất sớm, trước kia 14-15 tuổi đã lấy vợ gả chồng, nay thì khoảng 17-18 tuổi. Cả làng gờ đây cũng chỉ có ngôi trường cấp I, việc đến trường của học sinh người Đàng Hạ cũng vô cùng khó khăn nên học sinh nơi đây nghỉ học là phần lớn. Người già như chúng tôi thì không có việc làm, thu nhập chỉ chờ vào mảnh vườn, bó rau, con gà mang ra chợ bán rất bấp bênh.

Nói về ước vọng, bà Cúc cho rằng: Mặc dù cuộc sống có thay đổi nhiều so với trước, bớt đi nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi rất mong muốn các cấp chính quyền địa phương đầu tư xây dựng trường học để trẻ em nơi đây được đến trường. Đầu tư hệ thống nước sinh hoạt đến thôn, mở thêm các lớm đào tạo nghề cho người lao động tại địa phương có việc làm, tăng nguồn thu nhập.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc