“Cõi người hiền mộ chỉ ở trong tim”!
VHO- Thành Vinh những ngày thu tháng Tám, nắng vẫn rót những cọng vàng oi ả. Tiết trời nóng bức nhưng không ngăn được dòng người hướng về di tích Nhà lưu niệm (số nhà 52, đường Quang Trung, TP Vinh, Nghệ An) để dự lễ giỗ lần thứ 82 của liệt nữ Nguyễn Thị Minh Khai (4.7 năm Quý Mão).
Ban thờ nữ trung anh kiệt Nguyễn Thị Minh Khai trong ngày giỗ lần thứ 82
Di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai được xây dựng ngay trên mảnh đất mà bà cất tiếng khóc chào đời vào ngày 30.9.1910. Được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2012, Nhà lưu niệm trở thành nơi thờ phụng, tri ân, cũng là nơi lưu giữ những hình ảnh về gia đình, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà Minh Khai.
Lễ giỗ của liệt nữ Nguyễn Thị Minh Khai năm nay được tổ chức trong hai ngày, từ mùng 3 đến mùng 4 tháng 7 âm lịch. Vào những ngày trước và trong lễ giỗ, hàng trăm lượt khách nườm nượp ra vào di tích. Mỗi người đến đây có thể khác về thành phần xã hội, về đời sống kinh tế nhưng đều gặp nhau ở lòng thành kính, sự biết ơn vô hạn đối với người nữ trung anh kiệt, đã cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc. Năm nay, lễ giỗ lần thứ 82 của liệt nữ được tổ chức trang trọng, thu hút đông đảo nhân dân và du khách. Những ngày này, không khó để bắt gặp hình ảnh cô thuyết minh nhỏ bé Trần Thị Thu Hằng đang thoăn thoắt sắp xếp, lau dọn từng chiếc bát, đĩa, từng chén nước trên bàn thờ. Với thao tác thuần thục, ánh mắt không giấu nổi niềm tự hào, nhìn lên di ảnh của liệt nữ, cô tâm sự: “Em chăm lo hương khói cho bà đã gần chục năm nay nhưng cứ mỗi lần nhìn lên di ảnh, em lại không ngăn được cảm xúc. Cũng là phụ nữ nên em hiểu sự hy sinh to lớn của bà cho Đảng, cho Tổ quốc. Em cảm thấy tự hào và may mắn khi được làm việc tại đây và cũng mong di tích ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và du khách, góp phần sưởi ấm trái tim của người chiến sĩ cộng sản kiên trung”.
Dòng người vào thắp hương tại di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai
Cũng với tình cảm thiêng liêng ấy, các tổ chức đoàn thể của các trường học trên địa bàn phường Quang Trung, TP Vinh đều hướng về di tích, mong góp sức mình để lễ giỗ diễn ra thêm phần long trọng, ấm cúng. Các em phân công nhau dọn dẹp vệ sinh ở khu vực sân và phía trước cổng di tích. Nhìn những đôi tay còn lóng ngóng, có thể hiểu ở nhà các em chưa hẳn đã phải cầm đến cái chổi, cái cuốc… nhưng nhìn sự háo hức, vui tươi hiện lên trên từng khuôn mặt ngây thơ, khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng. Em Nguyễn Thu Hà, học sinh lớp 6 vừa nhổ những nhánh cỏ mọc trên sân, vừa bộc bạch, đôi mắt ánh lên niềm xúc động: “Em biết đến bà Minh Khai qua những bài học lịch sử, em rất khâm phục ý chí của một người con gái có vẻ ngoài nhỏ nhắn nhưng chứa đựng một ý chí phi thường. Lần nào có dịp được đi dọn dẹp, tổng vệ sinh di tích Nhà lưu niệm Nguyễn Thị Minh Khai, em cũng xung phong đi vì với em, đây không chỉ là trách nhiệm mà còn là sự tri ân công lao to lớn của một bậc tiền bối cách mạng”. Đã nhiều lần đến với di tích, tham dự nhiều lễ giỗ của bà Minh Khai nhưng lần nào chị Lê Diệu Thúy, Chi hội phụ nữ Công an tỉnh Nghệ An cũng không nén nổi sự xúc động. Chị cho biết: “Hình ảnh bà Minh Khai là biểu tượng của hàng triệu người Mẹ, người vợ trên đất nước Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng. Với những người làm ngành Công an như chúng em càng cảm nhận rõ sự hy sinh vĩ đại của bà. Chúng em luôn xem bà là tấm gương mẫu mực, là hình tượng của người phụ nữ “kiên cường, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Bởi vậy, năm nào cứ đến giỗ bà Minh Khai, dù bận đến mấy em cũng thu xếp để về thắp nén nhang tri ân”.
Ngay từ sáng sớm ngày 4.7 âm lịch vừa qua, trên bàn thờ, mâm cúng đã chuẩn bị tươm tất với những món dân giã của xứ Nghệ nhưng được trình bày bắt mắt, phía ngoài, nhiều đoàn khách đã nhộn nhịp vào làm lễ dâng hương. Trong không gian nhỏ bé, linh thiêng tại Nhà lưu niệm, khuôn viên thật tĩnh lặng, trầm tư, ngọn gió như ngừng lay, đóa ngọc lan dịu nhẹ, phảng phất hương thơm trầm mặc như cũng tưởng niệm, tri ân người con gái trung trinh xứ Nghệ. Khác với những năm trước đây, ngoài thành phần là đại biểu các cấp, các tổ chức đoàn thể, di tích còn được đón nhiều lượt nhân dân, du khách gần xa. Đặc biệt, năm nay còn có sự hiện diện của đoàn đại biểu ở huyện Hóc Môn (TP.HCM), nơi bà Nguyễn Thị Minh Khai hy sinh, ra dâng viếng.
Trong giờ phút linh thiêng, đứng trước di ảnh của người, chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động, nhớ đến khung cảnh người con gái kiên trung xứ Nghệ, hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng của kẻ thù. Phút cuối cùng lìa xa nhân thế, bà muốn nhìn hình ảnh Tổ quốc thân yêu, muốn ngắm bầu trời xanh của miền Nam yêu dấu, muốn nhìn thấy đồng bào thống khổ đang quật cường làm cuộc bão táp cách mạng và dường như, bà thấy cả thắng lợi của dân tộc ở một tương lai không xa. Tinh thần bất khuất trên pháp trường, sự hy sinh oanh liệt của nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai đã làm lay động hàng triệu, hàng triệu trái tim yêu nước. Bà Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống, xương máu hòa lẫn trên mảnh đất Nam Kỳ. Cả quê hương, người thân đau đáu trên hành trình tìm mộ của bà, muốn thay cha mẹ gom chút hình hài của bà nhưng không được. Ông Huy Dung, em trai ruột của bà, năm nay cũng ngót đà trăm tuổi đã xúc động viết rằng: “Cõi người hiền mộ chỉ ở trong tim”!
TUỆ LINH