Sức sống mới nơi “Tọa độ lửa”

VHO- Truông Bồn từng là “tọa độ lửa” trong chiến tranh nhưng giờ đây cuộc sống đang hiện hình màu xanh no ấm. Trên mảnh đất "bom cày đạn xới" ngày nào đang hồi sinh mạnh mẽ dưới đôi bàn tay của người dân Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) anh hùng.

Với vị trí đặc biệt trọng yếu trên tuyến đường 15A huyết mạch, bảo đảm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền nam, hơn 50 năm trước, Truông Bồn trở thành nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt giữa ý chí, tinh thần thép của những con người quả cảm với bom đạn khốc liệt của quân thù. Trong cuộc chiến sinh tử ấy, trên cung đường này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và anh dũng hy sinh. Ngày 31.10.1968, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong (TNXP) của “Tiểu đội thép” đã anh dũng hy sinh, làm nên khúc tráng ca Truông Bồn bất tử. 

Sức sống mới nơi “Tọa độ lửa” - ảnh 1

Tích cực chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, anh Nguyễn Đức Lễ làm giàu ngay trên mảnh đất Mỹ Sơn anh hùng

Chiến tranh đã lùi xa, “túi bom” ngày nào nay đã hồi sinh mạnh mẽ từ màu xanh của hàng nghìn cây xanh. Ông Phan Trọng Lộc, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Truông Bồn cho biết: Trên diện tích hơn 210.000 m2 khu di tích có khoảng gần 2.000 cây to các loài, chưa tính các loài cây, bồn hoa nhỏ khác. Những gốc cây to lớn đã phủ xanh “tọa độ chết” ngày nào. Tại Truông Bồn, mỗi cây có một “lịch sử” riêng, có cây được chở về từ Tây Bắc xa xôi, có cây phải vận chuyển, hay chiết cành từ miền nam… Có nhiều loài cây lưu niệm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương. Những năm gần đây, việc áp dụng số hóa bản đồ cây xanh, đánh dấu số hiệu lô thửa, loại cây, đơn vị và thời gian trồng giúp cho việc chăm sóc, thăm cây dễ dàng, thuận tiện hơn. “Truông Bồn giờ đây đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh của nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc mỗi khi có dịp về Nghệ An. Nơi đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục cho các thế hệ trẻ về truyền thống anh hùng của dân tộc, về tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đi trước”, ông Phan Trọng Lộc chia sẻ thêm.

Sức sống mới nơi “Tọa độ lửa” - ảnh 2

Sức sống mới nơi “Tọa độ lửa” - ảnh 3

Người dân và du khách thập phương thắp hương tri ân anh hung liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Dưới các tán rừng xã Mỹ Sơn là hàng chục trang trại, gia trại chăn nuôi cho thu nhập cao, trong đó có trang trại của đoàn viên Nguyễn Đức Lễ (30 tuổi) ở xóm 7. Lễ mạnh dạn vay mượn gia đình, ngân hàng để lập trang trại rộng 2 ha trồng cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Lễ tâm sự: Tôi sinh ra trong thời bình, khi nghe bố mẹ và cô chú ở đây kể nơi đây ngày trước là trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù nên cây cối không thể sống nổi. Cả quả đồi, có thời điểm chỉ còn lại một số cây nhỏ xác xơ. Bố mẹ tôi từ trong những cánh rừng sơ tán trở về nhà. Khi đó, nơi đây chỉ có hố bom chồng lên hố bom; đồi núi lở lói, nham nhở đầy rẫy mảnh bom, mảnh đạn. Không cam chịu đói nghèo, mọi người ra sức cải tạo hố bom làm ao cá, làm ruộng trồng lúa, rau muống, rồi lấp hố bom làm nhà... Năm 2015, thi đua với nhiều gia đình khác trong xóm, gia đình tôi đã mạnh dạn đấu thầu gần 2ha đất ven rừng để chăn nuôi dê, vỗ béo trâu, bò và trồng cây ăn quả. Sau thời gian chăm bẵm, gần 500 gốc cam, mít, ổi đã cho thu hoạch. Trong chuồng, đàn dê gần 150 con và năm con trâu béo sắp xuất chuồng. Lễ nhẩm tính, thương lái trả mỗi con trâu hơn 55 triệu đồng, mỗi con dê hơn bốn triệu đồng, như vậy, thu nhập đợt này khoảng 500 - 600 triệu đồng… 

Sức sống mới nơi “Tọa độ lửa” - ảnh 4

Nhiều cây xanh khuôn viên Khu di tích lịch sử Truông Bồn

Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Sơn Đặng Văn Tú cho biết: Phát huy truyền thống anh hùng, không cam chịu đói nghèo, Đảng bộ, chính quyền và người dân Mỹ Sơn đã xây dựng quyết tâm, bằng những nghị quyết, đề án phát triển kinh tế từ thế mạnh vườn đồi, rừng nhằm tăng thu nhập cho người dân. Giờ đây, Mỹ Sơn được biết đến với các trang trại, gia trại gắn chăn nuôi gia súc, gia cầm với trồng cây ăn quả cho thu nhập khá. Đặc biệt, Đảng bộ Mỹ Sơn xác định phát triển giáo dục là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Nhờ sự quan tâm đầu tư cho giáo dục, Mỹ Sơn là một trong những đơn vị tốp đầu của huyện Đô Lương có ba trường đạt chuẩn Quốc gia". Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, người dân xã Mỹ Sơn hết sức coi trọng xây dựng đời sống văn hóa mới với 100% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa…Mỹ Sơn đã về đích nông thôn mới năm 2019 và đang tập trung xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất, khi đã hoàn thành được hơn một nửa các chỉ tiêu liên quan. 

                                                                                                                                                       PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc