Vì sao Bộ VHTTDL tổ chức ba Cuộc thi Tài năng về Múa Rối, Múa và Diễn viên Kịch nói toàn quốc cùng một thời điểm?

VHO - Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 2045/QĐ-BVHTTDL giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTT TP Hà Nội, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chứcCuộc thi Tài năng Múa Rối toàn quốc - 2022”, Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc - 2023 và Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2023.

Các cuộc thi được diễn ra từ ngày 20-26.8.2023. Theo đó, Cuộc thi tài năng Múa Rối toàn quốc - 2022 với sự tham gia của 20 diễn viên đến từ năm đoàn nghệ thuật được tổ chức tại Nhà hát Múa Rối Việt Nam, 361 đường Trường Chinh, Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội. Cuộc thi tài năng Múa toàn quốc - 2023 với sự tham gia của 61 diễn viên đến từ 24 đơn vị được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình, Hà Nội. Cuộc thi tài năng diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2023 với sự tham gia 63 diễn viên đến từ 17 đơn vị được tổ chức tại Nhà hát Tuổi Trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội.

Vì sao Bộ VHTTDL tổ chức ba Cuộc thi Tài năng về Múa Rối, Múa và Diễn viên Kịch nói toàn quốc cùng một thời điểm? - Anh 1

 NSƯT Trần Ly Ly, Q.Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Chủ trương của Bộ VHTTDL tất cả các cuộc thi, sự kiện của Bộ sẽ tập trung vào khoảng thời gian nhất định trong năm để tạo ra dấu ấn, điểm nhấn nhất định. Sở dĩ ba Cuộc thi được tổ chức cùng một thời điểm là bởi chúng tôi hướng đến kỷ niệm Quốc khánh 2.9 và kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023). Một lí do nữa khi chúng tôi tổ chức tổ chức cùng một thời điểm là ngành Múa, Múa Rối,Kịch có ba Nhà hát thuộc Bộ đảm bảo những yêu cầu tốt nhất để Cuộc thi diễn ra. Trong đó, Cuộc thi Tài năng Múa Rối toàn quốc - 2022 là chuyển từ nhiệm vụ của năm 2022 sang năm 2023, bởi năm 2022 sau Covid 19 có nhiều bất cập, chưa đủ điều kiện để Cuộc thi diễn ra nên chúng tôi chuyển sang năm 2023”.

Ba Cuộc thi là hoạt động nghệ thuật nhằm tìm kiếm tài năng biểu diễn nghệ thuật Múa, Múa Rối, Kịch nói kịp thời ghi nhận công sức tìm tòi, sáng tạo của các nghệ sĩ, diễn viên trong quá trình lao động nghệ thuật; qua đó, giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá đúng thực trạng hoạt động nghệ thuật ba loại hình trên và đưa ra những phương thức hoạt động mới, tìm ra giải pháp khắc phục những tồn tại, thúc đẩy nghệ thuật Kịch nói phát triển phù hợp với thực tế đời sống xã hội. Cuộc thi nhằm tôn vinh những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; là dịp để các đơn vị nghệ thuật tìm kiếm, thu hút, bồi dưỡnglực lượng nghệ sĩ, diễn viên Kịch nói kế cận; là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật phục vụ Nhân dân.

Cuộc thi Tài năng Múa toàn quốc - 2023

 Thí sinh tham dự Cuộc thi đáp ứng các điều kiện sau: Là công dân Việt Nam đủ 16 đến 35 tuổi tính đến năm tổ chức Cuộc thi (độ tuổi tính theo căn Cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân đang có hiệu lực; số lượng thí sinh của đơn vị đăng ký dự thi không quá tám người; Không quá hai thí sinh dự thi trong cùng một tiết mục, trích đoạn (tác phẩm); là diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân; là giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (đối với thí sinh hoạt động ngoài công lập phải có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến năm tổ chức Cuộc thi). Cá nhân đã đoạt Giải Nhất (Huy chương Vàng) trong các Cuộc thi nghệ thuật Múa chuyên nghiệp trước đây do Bộ VHTTDL tổ chức không tham gia dự thi.

 Cuộc thi chia làm ba bảng với ba phong cách: Bảng A: Ballet (cổ điển và hiện đại), Bảng B: Đương đại, Bảng C: Dân gian (dân tộc, đương đại) và truyền thống. 

 Thí sinh dự thi tuân thủ Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tuân thủ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, các quy định của pháp luật hiện hành và Quy chế Cuộc thi. Thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật Múa. Khuyến khích những tác phẩm mới, có sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn. Mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tại một Bảng. Hai thí sinh được tham gia một tác phẩm theo hình thức Duo, Trio phải thể hiện nổi bật vai trò của mỗi thí sinh. Hội đồng Giám khảo chấm, xét giải cả hai thí sinh.

 Các thí sinh cần tuân thủ các quy định về tác phẩm dự thi như sau: Bảng A, thí sinh dự thi có thể lựa chọn: Một biến tấu trong vở ballet cổ điển có thời lượng theo quy định của tác giả biến tấu đó; một tác phẩm ballet hiện đại có thời lượng từ bốn phút và không vượt quá 12 phút. Trường hợp dự thi ở hình thức Pas de deux (là phần múa đôi trong vở ballet cổ điển gồm có phần mở, phần biến tấu và phần kết), thí sinh không nhất thiết phải múa một tác phẩm solo; hai tác phẩm ballet hiện đại, trong đó một tác phẩm phải là hình thức solo có thời lượng từ bốn phút và không vượt quá 12 phút.

 Bảng B, thí sinh dự thi hai tác phẩm đương đại, trong đó một tác phẩm phải là hình thức solo có thời lượng từ bốn phút và không vượt quá 12 phút; Bảng C, thí sinh dự thi có thể lựa chọn hai tác phẩm thuộc một trong các loại hình múa Dân gian (dân tộc, đương đại) và truyền thống, trong đó một tác phẩm phải là hình thức solo có thời lượng từ bốn phút và không vượt quá 12 phút.

 Bộ VHTTDL sẽ trao các giải thưởng sau: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba và các giải phụ (một Dàn dựng tài năng, một Huấn luyện tài năng) gắn với tên đơn vị.

Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói toàn quốc - 2023

  Thí sinh tham dự Cuộc thi đáp ứng các điều kiện sau: Là công dân Việt Nam đủ 18 đến 45 tuổi tính đến năm tổ chức Cuộc thi (độ tuổi tính theo Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân đang có hiệu lực); số lượng thí sinh của đơn vị đăng ký dự thi không quá sáu người; trong cùng một tiểu phẩm, trích đoạn không quá hai thí sinh đăng ký dự thi; là diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân; là giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (đối với thí sinh hoạt động ngoài công lập phải có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến năm tổ chức Cuộc thi); cá nhân đã đoạt Giải Nhất hoặc Huy chương Vàng trong các Cuộc thi Tài năng Diễn viên Kịch nói trước đây do Bộ VHTTDL tổ chức không tham gia dự thi.

  Thí sinh  dự thi tuân thủ Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; tuân thủ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, các quy định của pháp luật hiện hành và quy chế Cuộc thi. Mỗi thí sinh dự thi một tiểu phẩm, trích đoạn có thời lượng không quá 25 phút; trường hợp hai diễn viên cùng dự thi một tiểu phẩm, trích đoạn thì thời lượng không quá 35 phút. Thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật Kịch nói. Khuyến khích vai diễn trong tiểu phẩm, trích đoạn sáng tác mới, có sự sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn.

Bộ VHTTDL sẽ trao các giải thưởng sau: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba và các giải phụ (một Nam diễn viên trẻ tài năng, một Nữ diễn viên trẻ tài năng) gắn với tên đơn vị. 

Cuộc thi Tài năng Múa rối toàn quốc - 2022

 

Vì sao Bộ VHTTDL tổ chức ba Cuộc thi Tài năng về Múa Rối, Múa và Diễn viên Kịch nói toàn quốc cùng một thời điểm? - Anh 2

Thí sinh tham dự Cuộc thi đáp ứng các điều kiện sau: Là công dân Việt Nam đủ 18 đến 45 tuổi tính đến năm tổ chức Cuộc thi (độ tuổi tính theo Căn cước công dân hoặc Giấy chứng minh nhân dân đang có hiệu lực); Số lượng thí sinh của đơn vị đăng ký dự thi không quá sáu người; trong cùng một tiết mục, trích đoạn không quá 02 thí sinh đăng ký dự thi; là diễn viên đang hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trong và ngoài công lập có tư cách pháp nhân; là giảng viên, người đang theo học tại các cơ sở đào tạo nghệ thuật trong và ngoài công lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (đối với thí sinh hoạt động ngoài công lập phải có thời gian hoạt động chuyên nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến năm tổ chức Cuộc thi); Cá nhân đã đạt Giải Nhất hoặc Huy chương Vàng trong các Cuộc thi Tài năng Múa rối trước đây do Bộ VHTTDL tổ chức không tham gia dự thi.

 Thí sinh dự thi tuân thủ Điều 3 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; Tuân thủ quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, các quy định của pháp luật hiện hành và quy chế Cuộc thi. Không diễn lại vai diễn mà mình đã đạt giải trong tiết mục, trích đoạn tại các Cuộc thi và vở diễn trong Liên hoan Múa rối trước đây do Bộ VHTTDL tổ chức.

  Quy định thể loại Múa rối được đăng ký dự thi gồm: Rối nước, Rối cạn. Tiết mục, trích đoạn đăng ký dự thi một nhân vật Rối có thời lượng không quá 25 phút. Tiết mục, trích đoạn đăng ký dự thi hai nhân vật Rối có thời lượng không quá 35 phút. Một thí sinh chỉ được đăng ký dự thi một nhân vật Rối (trường hợp nhiều diễn viên cùng tham gia biểu diễn một nhân vật Rối chỉ được tính một thí sinh đăng ký dự thi). 

 Mỗi tiết mục, trích đoạn dự thi có nhiều nhân vật Rối cùng tham gia chỉ đăng ký hai thí sinh cho hai nhân vật Rối.  Thí sinh dự thi phải thể hiện được các đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật Múa rối. Khuyến khích vai diễn trong tiết mục, trích đoạn sáng tác mới, có sáng tạo trong dàn dựng và phong cách biểu diễn.

 Bộ VHTTDL sẽ trao các giải thưởng sau: Giải Nhất, Giải Nhì, Giải Ba và các giải phụ (một Họa sĩ tạo hình con Rối, một Hướng dẫn tài năng) gắn với tên đơn vị.

THUỲ DƯƠNG

Ý kiến bạn đọc