Tăng đầu tư ngân sách cho phát triển văn hóa
VHO- Hôm nay 11.8, UBND tỉnh Bình Phước sẽ tổ chức Hội nghị Văn hóa năm 2023, trong đó xác định sẽ tăng mức đầu tư ngân sách nhànước cho phát triển văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa.
Bình Phước tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, sau 25 năm xây dựng và phát triển văn hóa (từ năm 1997 đến năm 2023) đã tạo nên bước ngoặt mới, các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy tốt, thể dục thể thao phát triển rộng khắp, môi trường văn hóa đạt nhiều kết quả tích cực.
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng nhiều hơn và ngày càng hoàn thiện. Công tác tuyên truyền cổ động, biểu diễn nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp được chú trọng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” dần đi vào chiều sâu, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội từng bước thấm sâu vào ý thức của người dân; hủ tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội từng bước được ngăn chặn và đầy lùi. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, thông tin truyền thông không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được khôi phục và phát huy. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao ở địa phương. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc S’tiêng, M’nông, Khmer được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng...
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định một trong năm nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước trong những năm tiếp theo: “Quan tâm đầu tư các lĩnh vực xã hội nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó, con người được đặt vào vị trí trung tâm vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển”.
Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng văn hóa của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng trong xã hội. Hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đến năm 2030, 100% xã, phường, thị trấn có Trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định; 100% khu phố, thôn, ấp có Nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh...
Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Bình Phước sẽ gắn các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa và xây dựng con người với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, từng cấp. Tập trung ưu tiên cho nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Tạo thuận lợi và có cơ chế khuyến khích để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch… Đặc biệt, tăng đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực để phát triển văn hóa.
Theo bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, sau 25 năm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, địa phương đã có nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, có bài học về tăng cường nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa. Xem văn hóa là mục tiêu và động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững và hiệu quả với phát triển văn hóa; xây dựng hoàn thiện các thiết chế văn hóa.
HOÀNG HẢI