Liên kết để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch
VHO - Liên kết là yêu cầu khách quan trong phát triển du lịch. Liên kết giúp mở rộng không gian, phát huy thế mạnh của các bên hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, huy động nguồn lực, tạo sức mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến chung, thu hút đầu tư, thúc đẩy lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội liên địa phương, liên vùng.
Đẩy mạnh liên kết
Trong 7 tháng năm 2023, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 6,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 76.5 triệu lượt, lần lượt đạt 82,5% và 75% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 416 nghìn tỉ đồng, đạt 64% kế hoạch năm.
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết được đánh giá là một trong những định hướng quan trọng để phục hồi, phát triển du lịch và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 82 của Chính phủ. Liên kết hiệu quả, bền vững giúp du lịch các địa phương không những “đi xa” mà còn “đi nhanh”, “đi cùng nhau”.
Bình Định có lợi thế về di sản văn hóa Chămpa để hút khách du lịch
Tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch ba địa phương Bình Định - Quảng Ninh - Hải Phòng vừa diễn ra tại TP Hạ Long vào cuối tháng 7 năm nay, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh đề nghị các địa phương trong chuỗi liên kết cần phát huy tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương, doanh nghiệp để thúc đẩy liên kết hiệu quả. Bên cạnh đó, chú trọng tạo ra các chuỗi sản phẩm liên địa phương đặc trưng, có chất lượng, mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách.
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho cho rằng, cần đẩy mạnh trao đổi khách từ Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, duyên hải Đông Bắc vào Bình Định và duyên hải miền Trung và ngược lại; khách quốc tế đi đường bộ từ Móng Cái, đi đường biển từ Malaysia, Singapore vào Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Định. Hơn hết, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm đến, kết nối quốc tế và phát triển các điểm đến mới, sản phẩm mới, tour tuyến mới.
Về xúc tiến quảng bá và chuyển đổi số phát triển du lịch, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho hay, các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và cách thức xúc tiến quảng bá. Kết hợp xúc tiến quảng bá trực tiếp với trực tuyến trên các nền tảng số và mạng xã hội; phát huy hiệu quả của Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội, ITE-HCMC hàng năm, cũng như các sự kiện lớn của quốc gia. Đồng thời, nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong quản lý và liên kết phát triển du lịch; chủ động chuyển đổi số các nền tảng dữ liệu du lịch, xây dựng các hệ thống điều hành du lịch hiệu quả; nâng cao năng lực tiếp cận, khai thác công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch…
Chú trọng tạo ra các sản phẩm du lịch mới
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh đưa ra quan điểm: “Giữa ba địa phương Bình Định - Quảng Ninh - Hải Phòng đều sở hữu các sân bay và đã hình thành đường bay thẳng giữa 3 địa phương. Vì vậy, chính quyền 3 địa phương cần bắt tay với doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không để nghiên cứu chính sách khai thác tối ưu du lịch hàng không, liên kết đẩy mạnh khai thác các chuyến bay thẳng từ các sân bay: Cát Bi (Hải Phòng) – Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và Phù Cát (Bình Định)”. Ngoài ra ông Thủy cũng mong muốn các địa phương phối hợp hỗ trợ nhau trong công tác xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch với mục tiêu liên kết các sản phẩm du lịch, điểm đến của ba địa phương để tạo chuỗi các sản phẩm độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Sân bay Phù Cát (Bình Định) cần liên kết đẩy mạnh khai thác các chuyến bay thẳng đến sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh)
Còn ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng chia sẻ: Hải Phòng hiện tập trung nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất du lịch. Thành phố hiện có trên 500 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 15.000 phòng; trong đó có hơn 20 khách sạn tiêu chuẩn 4, 5 sao; 4 sân Golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lượng du khách tham gia thường xuyên và ổn định trong 4 mùa. “Những năm qua, Hải Phòng cũng đã có bước phát triển đột phá trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với sự có mặt của nhiều nhà đầu tư chiến lược như: Vingroup, Sun group, Flamingo, Geleximco .... Hải Phòng cũng tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối hiện đại như: Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; đường cao tốc ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thanh Hóa; nâng cấp mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi... Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong nước, quốc tế nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố”, ông Thưởng nói thêm.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết: Thời gian qua, Bình Định đẩy mạnh liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như nâng cấp, cải thiện cơ sở vật chất du lịch với kỳ vọng làm cho hoạt động du lịch ngày càng hiệu quả với nhiều sản phẩm và hướng đến trao đổi khách hai chiều, tạo thêm thị trường cho các điểm đến. Từ đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc và thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư vào du lịch, thương mại - dịch vụ, chuyển đổi số... góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
PHAN HIẾU