Giữ gìn và phát huy giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế
VHO - Ngày 9.8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Đại học Waseda (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế về “Nghiên cứu giá trị cảnh quan văn hóa di sản Huế và các vùng phụ cận trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế”. Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ Nhật Bản và các nhà nghiên cứu, chuyên gia bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam.
Hội thảo quốc tế về nghiên cứu giá trị cảnh quan di sản văn hóa Huế và vùng phụ cận
Cố đô Huế được mệnh danh là một “di sản kiến trúc đô thị” tiêu biểu của nhân loại, là nơi tíchhợp, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa mang tầm cỡ quốc gia. Trong cách đánh giá của các vua triều Nguyễn, vị trí địa lý của Huế không chỉ quan trọng về mặt giao thông, có tính chất phòng thủ, mà còn hàm chứa những ý nghĩa đặc biệt về phong thủy theo quan niệm truyền thống Á Đông. Chính vì thế các công trình kiến trúc dưới triều Nguyễn, đặc biệt là lăng các vua Nguyễn đều gắn liền với cảnh quan phong thủy, mang một vẻ đẹp riêng biệt…, tất cả tạo thành hệ di sản kiến trúc cung đình độc đáo.
Cảnh quan và môi trường sinh thái ở bốn lăng vua đầu triều Nguyễn gắn liền với cảnh quan khu vực sông Hương đã được nhiều chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản quan tâm và nghiên cứu nhiều năm qua. Đây được xem là yếu tố quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế về lâu dài, được các chuyên gia tiếp tục chia sẻ và thảo luận.
Cảnh quan lăng Gia Long nhìn từ trên cao
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã tập trung bàn về vai trò của vùng đệm đối với việc bảo vệ yếu tố gốc của di sản; trao đổi ý kiến, quan điểm về vùng đệm cảnh quan văn hóa nhằm mục đích bảo vệ tính toàn vẹn, duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa - lịch sử, cảnh quan, môi trường của các di tích. Đồng thời, tiếp tục bàn thảo nhằm xây dựng phương án phù hợp cho khoanh vùng bảo vệ di sản khu vực II; thiết lập các mô hình du lịch sinh thái tại các lăng vua Nguyễn…
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: những thông tin được thống nhất từ Hội thảo này sẽ bổ sung cho việc nghiên cứu đề án “Quy hoạch, bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Ngoài ra, kết quả này cũng sẽ được xem xét bổ sung vào hồ sơ tái đề cử Quần thể Di tích Cố đô Huế với tiêu chí cảnh quan văn hóa. Việc xây dựng hồ sơ tái đề cử nhằm vinh danh một lần nữa Quần thể Di tích Cố đô Huế là Di sản Cảnh quan quan văn hóa thế giới đã từng được UNESCO và Bộ VHTTDL khuyến nghị nhiều năm trước.
PGS.TS Đặng Văn Bài tiếp tục nhấn mạnh việc xây dựng hồ sơ cảnh quan sông Hương
PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) đã “nhắc lại” về việc từng nhiều lần khuyến nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ về cảnh quan văn hóa hai bờ sông Hương, bổ sung hồ sơ tái đề cử cho Quần thể Di tích Cố đô Huế, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa thực hiện. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng rằng Hội thảo lần này sẽ mở ra những kết quả, hướng tiếp cận để các cơ quan chuyên môn và tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ cảnh quan cho sông Hương.
Được biết, trước đó tại kỳ họp lần thứ 28 của Ủy ban Di sản thế giới (năm 2004), UNESCO đã chính thức đề nghị Việt Nam và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lập hồ sơ tái đề cử để đưa sông Hương và cảnh quan đôi bờ sông vào danh mục Di sản văn hóa thế giới. Đến năm 2014, đoàn chuyên gia cao cấp của UNESCO khi đến khảo sát tại Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng đã lưu ý tỉnh Thừa Thiên Huế nhanh chóng thực hiện vấn đề này.
S.THÙY