Mong có nhiều nhà trọ giá rẻ cho công nhân ở Thủ đô
VHO - Nhà trọ cho công nhân thuê giá chỉ khoảng 40.000 – 50.000 đồng/người/tháng; khoảng 1,6 triệu đồng/hộ gia đình/tháng… Tuy nhiên số lượng nhà quá ít ỏi nên công nhân đa phần không thuê được, phải ra thuê bên ngoài với chi phí cao hơn.
Giá thuê nhà chỉ bằng một bát phở
Gần 10 năm được sống ở khu nhà ở cho công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội), chị Đặng Thị Thu Huệ (công nhân Công ty Canon Việt Nam) tỏ ra khá hài lòng với giá thuê nhà tại đây.
Chị Nguyễn Thu Hường vui vì được thuê nhà trọ cho công nhân
Căn nhà của chị Huê khoảng 75m2, có phòng ngủ, vệ sinh, bếp, khu bếp và sinh hoạt chung. Chị cho biết, chị vào thuê nhà từ năm 2005, cho đến nay hầu như không tăng giá nhà. Tổng chi phí cho điện, nước, tiền thuê nhà của cả gia đình 4 người là 1,6 – 1,7 triệu đồng/tháng. Tuy thu nhập hai vợ chồng công nhân của chị khoảng 20 triệu đồng/tháng, nhưng các chi phí khác cho 2 cháu đi học thì hầu như anh chị không tích luỹ được bao nhiêu.
Chính thế mà 17 năm qua gia đình chị vào ở nhà cho công nhân không muốn chuyển ra ngoài thuê trọ của người dân. Và hầu hết những người thuê trọ ở nhà trọ công nhân đều không muốn ra ngoài. Theo chị Huệ, khu công nghiệp Bắc Thăng Long có hàng nghìn công nhân, nhưng đa số phải thuê trọ bên ngoài, số người được thuê trọ tại nhà ở cho công nhân rất ít. Một số gia đình sau một thời gian, vay tiền hoặc được bố mẹ hỗ trợ mới chuyển đi, thì những người khác mới được vào ở.
Tại khu nhà trọ cho công nhân độc thân cách đó không xa, Nguyễn Thu Hường mới đi làm tại Công ty Canon Việt Nam được hơn một năm, sau nhiều tháng chờ đợi, chị cũng được lọt được vào “khe cửa hẹp” để thuê nhà tại đây.
Chị Hường cho hay, chi phí thuê nhà, điện, nước, internet khoảng 40.000 – 50.000 đồng/tháng, chỉ bằng một bát phở. Căn phòng của chị khoảng 25 – 30m2, dành cho bốn người ở giường tầng. Mặc dù điều kiện sinh hoạt, khu bếp chung nên cũng khá bất tiện, cùng với đó là đi bộ 20 phút để đến công ty qua một con đường khá bẩn, bụi nhưng với mức giá thuê nhà rẻ như thế thì với chị Hường cũng chấp nhận. “Tôi mong có nhiều nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ như thế này để nhiều công nhân được vào ở hơn, đỡ phần nào chi phí tiền nhà, điện, nước cho cuộc sống của họ”.
Thống kê cho thấy, tại Hà Nội, với gần 170 nghìn công nhân nhưng thực tế mới đáp ứng được hơn 22 nghìn chỗ ở cho công nhân, khoảng 13% nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân. Trưởng phòng Quản lý nhà ở xã hội - tái định cư (Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) Bùi Dũng cho biết, chỗ ở cho công nhân được TP. Hà Nội quan tâm từ nhiều năm nay. Trong đó, Khu nhà ở công nhân Kim Chung (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) là một trong những khu nhà ở thí điểm đầu tiên được xây dựng cho công nhân thuê với nguồn kinh phí của thành phố.
"Mặc dù được thiết kế, xây dựng cung cấp chỗ ở cũng như giá cho thuê phù hợp với các đối tượng: Đơn thân (phòng ở tập thể), hộ gia đình (căn hộ khép kín). Tuy nhiên, các thiết kế này mới chỉ đáp ứng được chỗ ngủ, nghỉ chứ chưa đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày như nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, hạ tầng xã hội..." ông Dũng nhấn mạnh.
Công nhân khó mua nhà ở xã hội
Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay cả nước có 3,78 triệu công nhân lao động trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong số đó có khoảng 1,8 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở.
Một khu nhà trọ công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh)
Kết quả phát triển nhà ở xã hội cho công nhân chưa đáp ứng được nhu cầu do mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ, với tổng diện tích 3.135.000 m2 đáp ứng được gần 30% nhu cầu của công nhân lao động. Có 127 dự án đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 160.900 căn hộ, tổng diện tích 8.045.000 m2.
Trước thực tế này, ngày 11.3.2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Một trong những nhiệm vụ, giải pháp đưa ra để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội là triển khai gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn 2021-2030.
Gói hỗ trợ này để chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường trong từng thời kỳ; và các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước có đủ điều kiện với từng gói tín dụng cụ thể.
Đây là tin vui với rất nhiều người lao động, công nhân làm công ăn lương, đang phải đi thuê nhà trọ có cơ hội được thuê, thuê mua nhà ở xã hội với giá ưu đãi để ổn định tâm lý, toàn tâm toàn ý cho công việc lao động sản xuất.
Tuy nhiên, tại toạ đàm “Đảm bảo chỗ ở cho công nhân - Từ thực tiễn đến chính sách" do Báo Kinh tế và Đô thị, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, Dự án an sinh xã hội Việt Nam hợp tác tổ chức ngày 6.8 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội), các đại biểu cho rằng, thực tế hiện nay với mức lãi suất 8,2%/năm so với thu nhập của người lao động là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp đô thị, nhất là người lao động di cư. Bên cạnh đó, thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Ngoài ra, gần như công nhân lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Xuân Khánh, Phó Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho rằng, với mức lương trung bình từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng, hầu hết các gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích luỹ tài chính để mua nhà ở xã hội. Do thiếu quỹ nhà ở dành cho công nhân, tại nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, công nhân phải thuê nhà trọ của người dân trong khu vực lân cận, điều kiện sống không đảm bảo chất lượng, an toàn…
Tại toạ đàm, các chuyên gia, nhà quản lý được nghe chia sẻ, tâm sự của chính những công nhân đang thuê trọ tại các khu nhà ở để làm rõ bức tranh về điều kiện sống thực tế của người lao động, về những vướng mắc, bất cập trong việc phát triển nhà ở xã hội cho công nhân hiện nay. Từ đó, các đại biểu đưa ra những ý kiến, giải pháp phù hợp nhằm góp phần hoàn thiện Dự án Luật Nhà ở sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua trong thời gian tới. Đồng thời tạo ra những cơ chế, chính sách nhằm cải thiện điều kiện ăn ở, sinh hoạt, tái tạo sức lao động tốt nhất, góp phần tăng năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp nói riêng cũng như kinh tế-xã hội của Thủ đô, đất nước.
QUỲNH HOA; ảnh: NGỌC TÚ