Bao giờ hết cảnh nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu? (Bài cuối): Giải bài toán “khoảng trống”

VHO- Có thể nhận định rằng, ngành du lịch Việt Nam đang phải giải quyết bài toán về nhân lực du lịch trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19 với nhiều thách thức, yêu cầu phục hồi và phát triển nguồn nhân lực cả về chất lượng, số lượng, tính chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn, kỹ năng đáp ứng tốt nhu cầu tăng trưởng ngày càng nhanh của ngành.

Bao giờ hết cảnh nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu? (Bài cuối): Giải bài toán “khoảng trống” - Anh 1

 Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam Ảnh: QUANG HÀ

Trước tình hình nguồn nhân lực du lịch đáng lo ngại hiện nay, Bộ VHTTDL cần có thống kê, dự báo chính xác nguồn nhân lực du lịch và nhu cầu sử dụng của xã hội. Từ đó, định hướng phát triển và xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành và xã hội.

Rà soát toàn bộ nguồn nhân lực

Những tác động của đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều thách thức trong phục hồi ngành du lịch Việt Nam, trong đó việc phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu của ngành Du lịch trong bối cảnh mới là một bài toán lớn, cần những chính sách mang tính căn cơ, hiệu quả từ các cơ quan quản lý Nhà nước, sự tham gia phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, đặc biệt là liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Cũng cần có cuộc tổng rà soát, đánh giá nguồn nhân lực du lịch Việt Nam hiện nay. Từ đó, thúc đẩy lại mạng lưới lao động trong ngành Du lịch, thay đổi tâm lý xã hội về nghề nghiệp, đào tạo và phát triển nhân lực du lịch hiệu quả, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phục hồi và hội nhập quốc tế của ngành du lịch Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, Trưởng khoa Du lịch - Khách sạn (Trường Đại học Thương mại Hà Nội) cho biết: “Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành Du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có dự báo cụ thể về nhu cầu nhân lực cho từng ngành, nghề ở các trình độ khác nhau để chuẩn bị tốt nhất cho tổ chức đào tạo nhân lực theo nhu cầu tại các cơ sở giáo dục nói chung và các trường trung cấp, cao đẳng nói riêng.

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường KHXHNV Quốc gia) cho rằng, công tác đào tạo của chúng ta đang nghề hoá nhân lực. Tôi cho rằng cần làm rõ việc định hướng đào tạo học thuật hay định hướng đào tạo nghề, kỹ năng hoặc kết hợp cả 2 là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc này phải rõ để phân loại đào tạo. Ví dụ, trường đại học thì đào tạo học thuật, nghiên cứu, giảng dạy, quản lý nhà nước; các trường cao đẳng, trung cấp thì đào tạo nghề, kỹ năng. Có nhiều nước, từ lớp 9 họ đã định hướng học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp. Ở ta thì đại học cũng đào tạo nghề nhưng sinh viên ra trường lại muốn phải làm trong cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, tương lai của ngành Du lịch không phải chỉ toàn “màu hồng” nên việc tuyển dụng lại lao động cũ là rất khó khăn. Trong khi đó, đào tạo mới cũng khó khăn không kém. Ông Cao Quốc Chung, Phó giám đốc chi nhánh Vidotour (Hà Nội) cho biết: “Ở góc độ người sử dụng lao động, chúng tôi rất muốn các cơ sở đào tạo nghiên cứu và hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động vì đa số hiện nay sinh viên ra trường phải đào tạo lại”.

Yếu kém nhất của sinh viên chuyên ngành du lịch của chúng ta hiện nay là trình độ ngoại ngữ, nhiều sinh viên không có khả năng giao tiếp tối thiểu bằng tiếng Anh. Trong khi đó, yêu cầu về trình độ ngoại ngữ đối với người lao động trong ngành Du lịch là rất cao. Vì vậy, sức cạnh tranh để có cơ hội việc làm tốt nhất trong ngành Du lịch là thấp.

Cần giải pháp đồng bộ

Bà Vũ Thị Mai Oanh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Yên Bái cho biết: “Liên quan đến nguồn nhân lực du lịch, chúng tôi rất muốn Trung ương và các cơ sở đào tạo biết địa phương cần gì. Ở Yên Bái, địa phương sẵn sàng bố trí kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của mình. Tuy nhiên, có một thực trạng là khoảng cách giữa người đào tạo và người cần đào tạo là quá xa”.

Theo bà Vũ Thị Mai Oanh, gần đây Yên Bái có thành lập một câu lạc bộ quản lý điểm đến. Các thành viên ở đây sẵn sàng lắng nghe, phối hợp với Sở VHTTDL trong các hoạt động du lịch. Yên Bái cũng là tỉnh thí điểm tổ chức “Hội nghị 0 đồng”. Có nghĩa là, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tổ chức Hội nghị mà không mất tiền ngân sách. Người tham dự sẽ đóng tiền để tham Hội nghị này, những Hội nghị đó rất đông người tham dự. Trước đó, những người làm du lịch ở Yên Bái cho rằng, tham gia các Hội nghị đào tạo, lớp bồi dưỡng là giải ngân cho nhà nước. Thực trạng này cực đáng buồn. Nguyên nhân, theo bà Mai Oanh là do các giảng viên không đáp ứng được yêu cầu của học viên tham dự, bổ sung năng lực, kiến thức cho họ. Mỗi ngày, ở nhà họ có thể kiếm được 1 triệu đồng nếu có khách. Đi dự Hội nghị, họ đã mất 1 triệu đồng đó mà lại không thu được kiến thức hay kinh nghiệm gì nên nhiều người không đi.

Bà Vũ Thị Mai Oanh cũng thừa nhận rằng nhân lực du lịch ở Yên Bái đang rất thiếu tính chuyên nghiệp. “Địa phương cũng có “lỗ hổng” rất lớn về nguồn nhân lực khi 100% nhân sự đang tham mưu lĩnh vực du lịch ở các huyện không có bất cứ người nào có chuyên môn. Vì thế, chúng tôi rất cần thay đổi thức về phát triển du lịch ở địa phương cho tất cả các cấp, ngành và người dân; khoanh vùng tài nguyên du lịch; quy hoạch du lịch và chuyên nghiệp hoá nhân sự du lịch”, bà Mai Oanh nói.

Không phải chỉ riêng Yên Bái mà rất nhiều địa phương hiện nay đang thiếu trầm trọng nhân lực du lịch, bộ phận tham mưu lĩnh vực du lịch gần như không có chuyên môn về ngành. Để khắc phục khó khăn trước thực trạng thiếu nguồn nhân lực du lịch, cần giải quyết nhiều vấn đề một cách đồng bộ và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các chuyên gia cho rằng, cần tập trung xây dựng cơ chế, chính sách trong phục hồi nguồn nhân lực du lịch từ Trung ương tới địa phương nhằm giải quyết vấn đề nhân lực sau đại dịch và mục tiêu phát triển nguồn nhân lực theo hướng bền vững. Các cơ quan các cấp cần phối với với ngành Du lịch trong thực hiện các chính sách về kiểm kê, rà soát tổng thể thực trạng nhân lực du lịch; đánh giá hiện trạng thất thoát nhân lực trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19; có chính sách khuyến khích, thu hút người lao động qua trở lại làm việc. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để thu hút người lao động.

Chính phủ và các cơ quan chức năng cần xây dựng những chính sách ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thực hiện việc hỗ trợ nhân lực du lịch quay trở lại với nghề, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong phát triển kinh doanh, tiếp cận thị trường, tháo gỡ các thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh du lịch.

Bên cạnh đó, thực hiện giải pháp về tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nhân lực du lịch; tăng cường truyền thông, thay đổi nhận thức và nhu cầu học tập đối với ngành Du lịch; liên kết, hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong phục hồi, phát triển nhân lực du lịch. 

 VŨ AN - NGHIÊM HÙNG

Ý kiến bạn đọc