Thăm quan và tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi

VHO - Chiều 3.8, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi phối hợp Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao) tổ chức thăm quan, tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và những di tích khảo cổ học tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Thăm quan và tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - Anh 1

Thăm quan, tìm hiểu ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi

Phía Vụ Thông tin Báo chí ông Đoàn Khắc Việt, Phó Vụ trưởng, làm Trưởng đoàn, cùng đi có các đại diện phóng viên, cơ quan Văn phòng báo chí các nước Đức, Đài Loan, Nhật Bản thường trú tại Việt Nam. 
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đã giới thiệu di tích khảo cổ Sa Huỳnh, theo đó, phân bố của văn hóa Sa Huỳnh trải rộng từ đồng bằng ra đến hải đảo và rộng lên vùng núi. Tỉnh Quảng Ngãi có 26 di tích được khai quật trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu. Trong đó, mộ táng là đặc trưng điển hình của văn hóa Sa Huỳnh, các loại hình mộ táng cơ bản gồm mộ chum, mộ vò,…và bộ sưu tập quan tài gốm văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Ngãi là nét độc đáo.

Thăm quan và tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - Anh 2

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh giới thiệu di tích khảo cổ Sa Huỳnh

Tiến sĩ Khôi cũng giới thiệu đoàn những đồ trang sức của người Sa Huỳnh được tìm thấy tại các di tích, đặc biệt, người Sa Huỳnh đã biết nấu thủy tinh, các sản phẩm thủy tinh rất phong phú gồm khuyên tai, hạt chuỗi,…trong đó, đặc sắc nhất là khuyên tai ba mấu nhọn, những loại khuyên tai này được các cư dân Đông Nam Á ưa chuộng, sự có mặt của chúng ở nhiều khu vực khác nhau ở Đông Nam Á đã nói lên điều đó.
Với nền văn hóa Sa Huỳnh đặc biệt trên, di tích Văn hóa Sa Huỳnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, đây là niềm vinh dự lớn cũng là trách nhiệm Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Quảng Ngãi trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị đặc biệt của di tích này.

Thăm quan và tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi - Anh 3

Những mộ chum trong văn hóa Sa Huỳnh được phục hồi nguyên dạng

Tiến sĩ Khôi cho biết: “Việc công nhận di tích văn hóa Sa Huỳnh là di tích Quốc gia đặc biệt là cơ sở pháp lý để bảo vệ di tích này, do vậy, vấn đề phát triển kinh tế xã hội phải có quy hoạch phù hợp, bảo vệ vùng lõi đã xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ vùng đệm và trong vùng đệm nếu phát lộ di tích thì bổ sung vào vùng lõi. Hiện nay, điều đáng mừng là cảnh quan di tích này tại Sa Huỳnh đều giữ nguyên vẹn cảnh quan, người dân vẫn sống bằng nghề đánh bắt cá trên đầm An Khê, nghề làm gốm, nông nghiệp, có thể thấy, không gian sống đã tái hiện không gian Sa Huỳnh cổ, từ đó, người dân trở thành điểm kết nối bên ngoài”.
Hiện nay, tại Sa Huỳnh có Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh lưu giữ những hiện vật Văn hóa Sa Huỳnh Quảng Ngãi và Miền Trung Việt Nam và 2 hố trưng bày ngoài trời di tích khảo cổ học.
Ông Đoàn Khắc Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí chia sẻ, qua chuyến thăm lần này là dịp các cơ quan báo chí nước ngoài thường trú tại Hà Nội có thể tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh của tỉnh Quảng Ngãi và ra đảo Lý Sơn, qua đó, quảng bá về nền văn hóa Sa Huỳnh, sức hấp dẫn du lịch cho tỉnh Quảng Ngãi sau này. 

NHƯ ĐỒNG

Ý kiến bạn đọc