Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

VHO - Ngày 24.6.2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết 98 bao gồm 44 cơ chế, chính sách với bảy lĩnh vực, được kỳ vọng tạo điều kiện hơn nữa cho TP.HCM khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Thành phố để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của vùng Đông Nam bộ và cả nước. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ hôm nay 1.8.

Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM - Anh 1

Nghị quyết 98 được kỳ vọng tạo điều kiện hơn nữa cho TP.HCM phát triển

Nghị quyết 98/2023/QH15 đã bổ sung một số nhóm chính sách mới như: Thành phố được áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD): sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 để thu hồi đất, thực hiện tái định cư tại chỗ và tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị. Quy định về các điều kiện cần đáp ứng đồng thời để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất.

Thành phố được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa và được chủ động quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP này. Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án công trình đường bộ hiện hữu với các điều kiện thực hiện bảo đảm lợi ích của người dân; được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT thanh toán bằng tiền từ ngân sách Thành phố.

Quy định UBND quận được bố trí khoản chưa phân bổ từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách quận để thực hiện chi các nhiệm vụ cần thiết mà chưa được dự toán. Thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; hỗ trợ các địa phương khác trong nước và một số địa phương tại nước khác…

Nghị quyết 98/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1.8.2023 và thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14.

Sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 hết hiệu lực thi hành, các chính sách, dự án và các đối tượng khác được cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện theo các cơ chế, chính sách được quy định tại khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều 4, điểm d khoản 8 Điều 5 và điểm c khoản 3 Điều 6 của Nghị quyết này chưa kết thúc thì được tiếp tục triển khai theo các quyết định đã ban hành.

Đối với dự án đầu tư áp dụng loại hợp đồng BOT, BT đã được ký kết hợp đồng theo cơ chế, chính sách quy định tại điểm c và điểm d khoản 5 Điều 4 của Nghị quyết này thì được tiếp tục thực hiện sau ngày Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành cho đến khi kết thúc hợp đồng.

Các dự án quy định tại Điều 7 của Nghị quyết 98/2023/QH15 được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này cho đến hết thời gian thực hiện dự án.

Sau khi Nghị quyết 98/2023/QH15 hết hiệu lực thi hành, thời gian miễn thuế cho các đối tượng theo quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 8 của Nghị quyết này chưa kết thúc thì tiếp tục thực hiện cho đến khi kết thúc thời gian miễn thuế.

Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết 98/2023/QH15 với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của Nghị quyết 98/2023/QH15. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết 98/2023/QH15 thì đối tượng được ưu đãi được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi có lợi nhất.

T.TRANG

Ý kiến bạn đọc