Đắk Lắk, Đắk Nông thiệt hại nặng nề do mưa lũ

VHO - Mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã khiến cho nhiều diện tích lúa, hoa màu ở Đắk Lắk bị ngập lụt, có nguy cơ mất trắng. Tại tỉnh Đăk Nông cũng bị thiệt hại nặng nề, nhiều nhà dân và tuyến đường bị ngập sâu trong nước.

Hơn 2.440 ha lúa ở Đắk Lắk bị ngập

Ngày 31.7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo nhanh tình hình ảnh hưởng do mưa lớn, ngập lụt trên địa bàn. Theo báo cáo, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 và bão số 2, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa vừa đến mưa to, đặc biệt từ ngày 21 - 29.7 có mưa rất to, tổng lượng mưa cả đợt từ 100 - 400mm đã gây ngập úng cục bộ tại một số khu vực trũng thấp của các địa phương như: huyện Lắk, Krông Ana, Ea Súp, Krông Bông. Hiện có, hơn 2.440 ha cây trồng bị ngập (trong đó lúa 2.256 ha, 95,5 ha ngô, 45,5 ha điều, 46 ha đậu) và hư hỏng một số công trình cơ sở hạ tầng.

Đắk Lắk, Đắk Nông thiệt hại nặng nề do mưa lũ - Anh 1

Người dân xã Buôn Triết, huyện Lắk (Đắk Lắk) gia cố đoạn đê bị vỡ

Huyện Lắk bị thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, một nhà dân ở xã Đắk Liêng bị sập, khoảng 933 ha lúa bị ngập, khoảng 30m bờ sông xã Buôn Triết bị tràn bờ. Trước tình hình trên, địa phương đã huy động lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ nhanh chóng đắp bờ, khắc phục sự cố. Đến thời điểm hiện tại, nước ở các suối đổ về rất nhanh, khả năng bị ngập trên diện rộng, đặc biệt 3 xã: Buôn Triết, Buôn Tría, Đắk Liêng.

Theo ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Lắk, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn mưa to kéo dài, mực nước các suối đổ về rất lớn khiến mực nước sông Krông Na dâng cao làm khoảng 30m bờ sông xã Buôn Triết bị tràn bờ, gây ngập lụt hàng trăm ha lúa nước của người dân địa phương. Ngay khi xảy ra sự cố, địa phương đã huy động lực lượng xung kích, vật tư, phương tiện tại chỗ đắp bờ, khắc phục sự cố. Dự báo trong thời gian tới diện tích lúa vụ Hè Thu tiếp tục bị ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt tại 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Buôn Triết…

Tại huyện Ea Súp, một số nhà ở bị ngập từ 20 - 30cm, khoảng 1.462 ha cây trồng các loại bị ngập, các tuyến đường liên xã bị ngập từ 10 - 20cm, hư hỏng khoảng 2km đường kênh N12, tuyến kênh Chính Tây bị vỡ tại đoạn K13+300. Ngoài ra, gần 300 ha lúa của 2 huyện huyện Krông Ana và Krông Bông cũng bị ngập.

Trên địa bàn huyện Krông Bông, đến chiều 31.7 đã có khoảng 148 ha lúa bị ngập. Trong đó, xã Ea Trul 108 ha và xã Yang Reh 40 ha. Bên cạnh đó, mưa lũ còn làm ngập một số điểm trên các tuyến đường nội đồng. Hiện nay, các diện tích đang bị ngập, công tác thống kê, đánh giá đang được các địa phương thực hiện để xác định mức độ thiệt hại…

Để chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai thường xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc. Đồng thời, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động trong các tình huống.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Đắk Lắk, trong những ngày tới, dự báo mưa lớn tiếp tục xảy ra, chủ yếu tập trung vào chiều và tối. Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở bờ kè, các tuyến đường giao thông, ngập úng vùng trũng thấp ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp.

Nhiều nhà dân, tuyến đường ở Đắk Nông bị ngập

Những ngày qua, mưa lớn tục xảy ra kéo dài đã gây ngập úng, sạt lở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân và thiệt hại nặng nề về kinh tế. Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, đến chiều 31.7, có 64 hộ dân tại các phường Nghĩa Tân, Nghĩa Trung và Quảng Thành (TP Gia Nghĩa) bị ngập. Nhiều vị trí tại phường Quảng Thành, phường Nghĩa Trung, xã Đắk Nia có nguy cơ sạt lở đất. Nhiều diện tích cây trồng, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập nước, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Đỗ Tấn Sương, Chủ tịch UBND TP Gia Nghĩa cho biết: “TP đang rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó bão, ngập lụt, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó”.

Đắk Lắk, Đắk Nông thiệt hại nặng nề do mưa lũ - Anh 2

Nhiều nhà dân và tuyến đường ở TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) bị ngập do nước dâng cao

Tại huyện Đắk R’Lấp có 29 gia đình bị ngập, một số tuyến đường ở xã Nhân Cơ, Kiến Thành và xã Kiến Đức bị sạt lở, khoảng 64 ha cây trồng, ao cá bị ngập. Huyện Tuy Đức có 3 căn nhà bị ngập, 3 tuyến đường bị hư hỏng, hơn 40 ha lúa, hoa màu và 68 ha ao cá bị ngập.

Ngoài ra, mưa lớn và dòng nước chảy xiết đã làm xói lở nhiều hạng mục công trình của 2 nhà máy thủy điện trên suối Đắk Nông, thuộc địa phận TP Gia Nghĩa.

Tại nhà máy thủy điện Đắk Nông 2 (của Công Ty Cổ phần Thủy điện Á Đông), trạm biến áp đặt cạnh dòng suối đã bị xói lở móng. Một số đế chân bị dòng nước cuốn trôi hoặc xô đổ. Nhiều thiết bị điện hư hỏng, ngập nước.

Gần đó, khuôn viên của nhà máy thủy điện Đắk R’tih bậc trên (thuộc Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R’Tih) cũng bị xói lở. Hàng trăm mét vuông nền sân cạnh dòng suối đã bị nước cuốn trôi. Dòng nước lớn cũng gây xói lở sát nhà máy này. Bên cạnh đó, con đường nhựa dẫn xuống 2 nhà máy thủy điện cũng bị ảnh hưởng bởi nước lũ, trong đó, một đoạn đường nhựa dài khoảng 10m cạnh bờ suối bị nứt toác, nguy cơ cao bị sạt lở xuống suối.

Trước diễn biến thất thường của mưa lũ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông – Lê Trọng Yên vừa ký văn bản hoả tốc chỉ đạo các đơn vị, địa phương và người dân chủ động các biện pháp ứng phó với thiên tai trên địa bàn tỉnh. Văn bản nêu rõ, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong những ngày tới, Đắk Nông tiếp tục có mưa với lượng mưa từ 50 - 100mm, có nơi > 120mm.

Để chủ động phòng, chống mưa lớn, ngập úng, lũ quét và sạt lở, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân và công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa, các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang… nghiêm túc triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ rà soát, chủ động phương án trợ giúp xã hội; hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm ổn định đời sống Nhân dân.

Các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho Nhân dân chủ động phòng tránh; giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và mưa lớn; lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng phương án phòng chống ngập úng, nhất là khu vực đô thị và khu dân cư tập trung.

UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, doanh trại ven sông, suối, khu vực sườn dốc để kịp thời phát hiện có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người và cơ sở hạ tầng. Đồng thời, có phương án hỗ trợ tái định cư, ổn định đời sống cho các hộ dân phải di dời.

UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường, thị trấn nghiêm túc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”; triển khai lực lượng xung kích rà soát, kiểm tra các khu vực ven sông, suối; khu vực trũng, thấp có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; khơi thông dòng chảy các sông, suối, xử lý nghiêm các trường hợp lần chiếm hành lang thoát lũ; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật về an toàn tính mạng, tài sản của người dân trên địa bàn.

Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương xử lý, khắc phục ngay các vị trí bị sạt lở, ngập sâu; kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng để có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, các trục giao thông chính...

NGỌC HOÀ

Ý kiến bạn đọc