Dấu ấn giao lưu văn hóa Việt Nam - châu Âu
VHO- Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Áo, thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Italia và thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp, tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, ổn định, bền vững. Một trong những thành công của chuyến thăm là dấu ấn của giao lưu văn hóa Việt Nam - châu Âu.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thủ hiến bang Burgenland và các đại biểu với các nghệ sĩ tại chương trình hòa nhạc bang Burgenland (Áo)
Góp phần tạo xung lực mới
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với báo chí sau khi kết thúc chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, chuyến thăm là minh chứng rõ nét của chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đề ra tại Đại hội XIII, thể hiện chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Cộng hòa Áo, quan hệ Đối tác chiến lược với Italia cũng như quan hệ với Tòa thánh Vatican.
“Có thể nói, chuyến thăm lần này của Chủ tịch nước đã góp phần tạo xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương với Áo và Italia trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, an ninh - quốc phòng, văn hóa… Chuyến thăm cũng là điểm nhấn quan trọng nhất trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Áo bước sang trang mới khi hai nước vừa long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1972-2022), cũng như Việt Nam và Italia đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong năm 2023, qua đó góp phần thể hiện Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và ưu tiên cho việc xây dựng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước, vì lợi ích của người dân, vì hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới và khu vực”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong chuyến công tác, Chủ tịch nước và đoàn đã tiến hành khoảng 50 hoạt động với nội dung, hình thức phong phú, đạt được nhiều kết quả cụ thể và toàn diện trên tất cả các mặt. Các nước đã dành cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sự đón tiếp, trọng thị, nồng hậu và chu đáo. Dư luận chính giới, báo chí sở tại và quốc tế quan tâm theo dõi, phản ánh đậm nét và bình luận tích cực các hoạt động của Chủ tịch nước trong khuôn khổ chuyến thăm, qua đó tạo nên một bức tranh toàn cảnh thành công của chuyến thăm, phản ánh quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước.
“Lãnh đạo các nước đến thăm đều khẳng định coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong ASEAN và mong muốn Việt Nam làm cầu nối thúc đẩy quan hệ EU - ASEAN”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Italia Sergio Mattarella thưởng thức màn trình diễn nhạc cụ dân tộc của Việt Nam Ảnh: TTXVN
Dấu ấn giao lưu văn hóa Việt Nam - châu Âu
Một lĩnh vực được đề cập nhiều trong các hội đàm, hội kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các nhà lãnh đạo Áo và Italia là các hoạt động hợp tác, giao lưu về văn hóa.
Chuyến thăm Cộng hòa Áo đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam trong 15 năm qua đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Được mệnh danh là cái nôi của âm nhạc cổ điển và âm nhạc đương đại thế giới, đất nước tuyệt đẹp nằm dưới chân dãy núi Alps là nơi sản sinh những thiên tài Mozart, Beethoven, Gluck, Haydn, Schubert và Johans Straus… Thật tự hào khi đoàn nghệ thuật của Bộ VHTTDL đã có chương trình hòa nhạc đặc sắc tại lâu đài Esterhazy, bang Burgenland với sự hiện diện của Chủ tịch nước và phu nhân, Thủ hiến bang Burgenland, ông Hans Peter Doskozil và phu nhân; Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các thành viên trong đoàn cấp cao Việt Nam.
Phát biểu tại đây, Chủ tịch nước nhấn mạnh, nếu âm nhạc mang đến tình yêu, giúp con người gắn bó với nhau một cách tương thích nhất thì buổi hòa nhạc đặc biệt này sẽ góp phần gắn bó Việt Nam và Áo. “Chương trình hòa nhạc mở ra cơ hội mới tốt đẹp cho sự hợp tác văn hóa giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật; từ đó người dân Việt Nam có nhiều cơ hội thưởng thức âm nhạc của các nghệ sĩ Áo và người dân Áo biết rằng nghệ sĩ Việt Nam cũng rất yêu thích tác phẩm của các nghệ sĩ Áo”, Chủ tịch nước nói.
Bằng nghệ thuật và thông qua nghệ thuật, chúng ta đã giới thiệu với bạn bè những nét đẹp văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Tất cả những điều đó đã hoà quyện, mở đường cho sự gần gũi, hiểu biết nhau hơn giữa Việt Nam với các nước châu Âu. Từ chuyến thăm ý nghĩa này, chúng tôi cũng ý thức được gợi mở của Chủ tịch nước về phương hướng trong thời gian tới để chúng ta thực hiện tốt hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa trong các chương trình hợp tác về văn hóa. Để văn hóa làm tốt vai trò là nhịp cầu, là sợi dây kết nối giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau. (Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG) |
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Italia - đất nước của những di tích lịch sử và văn hóa vĩ đại, một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại và là thành viên sáng lập EU cũng để lại trong đoàn những dấu ấn tốt đẹp.
Tại buổi hội đàm với Tổng thống Sergio Mattarella, đánh giá cao bề dày lịch sử, văn hóa và con người Italia, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ: “Từ khi là sinh viên đại học, tôi đã được biết đến Italia - “nơi khởi nguồn của nền văn hóa châu Âu”, là quê hương của những “vĩ nhân phục hưng”, nơi mà những lý tưởng nhân văn cao đẹp được biểu đạt sinh động qua các tác phẩm nghệ thuật và công trình kiến trúc nổi tiếng, có giá trị thôi thúc con người hướng thiện và sáng tạo. Ðến thăm Italia lần này, tôi cảm nhận sâu sắc hơn về điều đó …”. Dẫn câu nói của Dante - đại thi hào nổi tiếng của Italia và thế giới, tác giả của tác phẩm Thần khúc đã nói “Bí quyết của việc hoàn thành mọi thứ là hành động”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: “Chúng ta hãy cùng hành động để hiện thực hóa các cam kết, vì sự phát triển của hai quốc gia, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước”.
Đặc biệt, đề xuất của Tổng thống Sergio Mattarella: “Tôi cũng có ý định thành lập một trung tâm văn hóa Italia tại Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hai nước” đã nhận được sự ủng hộ và đồng tình của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bởi, theo Chủ tịch nước, qua đó sẽ tăng cường hiểu biết giữa người dân về văn hóa của hai nước Việt Nam và Italia.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, được ủy quyền của hai Chính phủ, Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Italia Antonio Tajani đã ký kết Chương trình hợp tác văn hóa giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Italia giai đoạn 2023-2026. Đây là sự tiếp nối Hợp tác Văn hóa giữa hai nước từ năm 1990 và các Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2013 - 2016, 2018 - 2021. Năm 2023 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ Việt Nam và Italia khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược (2013-2023). Việc ký kết Chương trình hợp tác văn hóa giai đoạn 2023-2026 sẽ giúp tiếp tục đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa hai quốc gia, cụ thể hóa quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực văn học, di sản, thư viện, điện ảnh, thể thao, âm nhạc, công nghiệp văn hóa.
Tại buổi hòa nhạc kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia diễn ra tại Phủ Tổng thống Italia, đích thân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã mời Tổng thống Sergio Mattarella lên sân khấu chơi thử hai nhạc cụ truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. Tổng thống Italia bày tỏ sự thích thú trước âm thanh của đàn bầu và đàn T’rưng, ca ngợi đó là những nhạc cụ rất độc đáo và đặc sắc.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến thăm, chia sẻ: “Tiếng thánh thót của đàn bầu, tiếng réo rắt của đàn nhị, sự rộn ràng của đàn tơ rưng cùng hòa âm phối khí với nhạc cụ của nghệ thuật đương đại bác học châu Âu và kết lại, với một ca khúc giàu ấn tượng Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi, như lời mời gọi bạn bè quốc tế đến hiểu hơn đất nước Việt Nam”.
Khẳng định sự thành công trên phương diện giao lưu, hợp tác văn hóa nghệ thuật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: “Bằng nghệ thuật và thông qua nghệ thuật, chúng ta đã giới thiệu với bạn bè những nét đẹp văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Tất cả những điều đó đã hoà quyện, mở đường cho sự gần gũi, hiểu biết nhau hơn giữa Việt Nam với các nước châu Âu. Từ chuyến thăm ý nghĩa này, chúng tôi cũng ý thức được gợi mở của Chủ tịch nước về phương hướng trong thời gian tới để chúng ta thực hiện tốt hơn nữa, trách nhiệm cao hơn nữa trong các chương trình hợp tác về văn hóa. Để văn hóa làm tốt vai trò là nhịp cầu, là sợi dây kết nối giữa các quốc gia, các dân tộc với nhau”.
TÙNG QUANG - LAN PHƯƠNG