Bao giờ hết cảnh nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu? (Bài 1): Nỗi lo thiếu hụt

VHO- Từ trước đến nay, kể cả khi dịch Covid-19 chưa xảy ra, nhân lực du lịch Việt Nam vẫn luôn bị đánh giá vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Đặc biệt là nhân lực gặp nhiều hạn chế về kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ. Chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu và sự chuyển biến liên tục của ngành. Sau dịch Covid-19, việc phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh mới càng đặt ra như một yêu cầu cấp bách.

Bao giờ hết cảnh nhân lực du lịch vừa thiếu, vừa yếu? (Bài 1): Nỗi lo thiếu hụt - Anh 1

 Một lượng lớn nhân lực có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm đã bỏ nghề do ảnh hưởng dịch Covid-19 Ảnh: J.W

Sau dịch Covid-19, mặc dù ngành Du lịch đang phục hồi và lấy lại đà phát triển, thế nhưng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực vẫn đang là nỗi lo, là rào cản trên chặng đường tiếp theo của du lịch Việt Nam.

Nguy cơ thua trên “sân nhà”

Không chịu được những bấp bênh, mất mát của ngành sau đại dịch Covid-19, hàng loạt nhân lực ngành Du lịch, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, giỏi ngoại ngữ, có nhiều năm kinh nghiệm và đam mê nghề đều đã chuyển sang lĩnh vực khác. Chủ doanh nghiệp du lịch lẫn nhân viên khách sạn, hướng dẫn viên phần lớn chuyển sang kinh doanh, môi giới lĩnh vực khác. Cũng do đại dịch, tính riêng trong năm 2021, ngành Du lịch đã có 95% doanh nghiệp lữ hành dừng hoạt động, 35% doanh nghiệp lữ hành xin rút giấy phép kinh doanh, 90% cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa, công suất phòng trung bình năm của toàn bộ hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chỉ đạt 5%, hàng triệu lao động du lịch bị mất việc làm.

Theo nhận định của Tổ chức Du lịch Thế giới, sớm nhất là trong năm 2024, lượng du khách quốc tế mới đạt được ở mức trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Điều này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc phục hồi nguồn nhân lực du lịch để đáp ứng nhu cầu thực tế khi khách du lịch tăng trở lại. Còn theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 7 tháng năm 2023 ước đạt 6,6 triệu lượt, khách nội địa đạt 76,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch 7 tháng đầu năm ước đạt 416,6 nghìn tỉ đồng. Du lịch phục hồi, dần phát triển trở lại, trước những thay đổi về xu hướng tiêu dùng, thị trường du lịch, công nghệ số phát triển mạnh mẽ cùng những yêu cầu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Bên cạnh những thuận lợi, đội ngũ nhân lực ngành Du lịch cũng đứng trước nhiều khó khăn để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tình hình mới.

Ngân hàng thế giới đánh giá chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến chất lượng lao động ngành Du lịch khá nặng nề, lực lượng lao động bị mất việc làm tương đối lớn, một phần vẫn còn việc làm nhưng tâm lý chưa ổn định. Tình trạng này cần phải được giải quyết ngay sau khi dịch lắng xuống, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, mỗi năm ngành cần 40.000 nhân viên mới và 25.000 nhân viên cần được đào tạo lại. Trong khi đó, hằng năm các trường chỉ đào tạo 20.000 sinh viên. Tỉ lệ lao động du lịch được đào tạo chuyên nghiệp còn thấp, chỉ chiếm 43% trong tổng số lao động du lịch, gần một nửa không biết ngoại ngữ.

Theo đánh giá của các chuyên gia, chất lượng, năng suất lao động trong ngành Du lịch và khách sạn còn thấp, cụ thể năng suất lao động tại khách sạn ở Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/10 Nhật Bản và 1/5 Malaysia. Cùng với đó là nguy cơ bị cạnh tranh việc làm ngay tại Việt Nam bởi nhân lực từ các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines và Malaysia… Hiện nay, lao động du lịch từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore đến Việt Nam để làm việc khá nhiều, hầu như khách sạn 4-5 sao đều có lao động nước ngoài.

Nhân lực ngành còn nhiều mặt chưa đáp ứng nhiệm vụ phát triển du lịch khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng và yêu cầu phát triển nền kinh tế tri thức. Số lượng nhân lực còn ít, cơ cấu chưa đồng bộ và năng lực thực tiễn chưa tương xứng với bằng cấp. Nhân lực có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều và ngày càng thiếu những cán bộ “đầu đàn” làm nòng cốt đào tạo nhân lực trẻ, nhất là sau làn sóng di chuyển lao động du lịch sang các ngành khác do tác động của đại dịch Covid-19. Một bộ phận nhỏ chưa tích cực tự học, còn ngại học, kết quả làm việc không cao. Nhiều lĩnh vực chuyên môn sâu còn thiếu nhiều nhân lực. Nguồn nhân lực ngành Du lịch hiện đang cần bổ sung ở một số vị trí như cán bộ tham mưu quản lý nhà nước, quản lý doanh nghiệp, quản trị kinh doanh, chuyên gia hoạch định chính sách, nghiên cứu chiến lược phát triển Ngành; đặc biệt thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi kỹ thuật, nghiệp vụ du lịch.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Đỗ Thị Thanh Hoa cho biết: “Việt Nam rất thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn, có tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế và có đủ niềm đam mê để làm trong ngành Du lịch. Bởi theo đánh giá của các chuyên gia, mặt bằng chung chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam vẫn thấp, vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Du lịch trong nước, càng khó để cạnh tranh với nguồn nhân lực du lịch nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam”.

Nhiều địa phương “khát” nhân lực

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên, số lượng nhân lực đảm nhiệm công việc liên quan tới quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay là 13 người, trong đó có 6 người chuyên trách quản lý nhà nước về du lịch. Cấp huyện và xã phần lớn không có cán bộ chuyên trách, chủ yếu là kiêm nhiệm. Tỉ lệ cán bộ, nhân viên có trình độ cử nhân trở lên là 98,9% nhưng trong đó chỉ có 17,6% được đào tạo chuyên ngành.

Tổng số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch toàn tỉnh Phú Yên khoảng 6.560 người, lao động gián tiếp là 13.120 người. Trong đó, trình độ đại học và trên đại học chiếm 24,4%, cao đẳng và trung cấp chiếm 31,3%, số lao động trình độ sơ cấp, học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn và đào tạo tại chỗ chiếm 34,5%, lao động chưa qua đào tạo chiếm 9,8%. Đến năm 2025, Phú Yên dự báo số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 8.100 người, trong đó 80-90% lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.

Ông Trịnh Đăng Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: “Trước khi dịch bùng phát, năm 2019, du lịch Quảng Ninh có 100.000 lao động (khoảng 30.000 lao động trực tiếp). Trong đó, nhân lực trực tiếp khối lưu trú du lịch trên bờ và tàu thủy du lịch chiếm khoảng 53%; lữ hành 5%; khu, điểm du lịch 23%; nhà hàng, điểm mua sắm, bãi tắm du lịch, điểm vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch khoảng 12%; tàu thủy du lịch (tàu tham quan vịnh Hạ Long theo tiếng) khoảng 5%”. Ông Trịnh Đăng Thanh cho biết thêm, năm 2022, lao động trực tiếp khoảng 20.000 người, giảm gần 10.000 người so với năm 2019. Năm 2023, khi du lịch đã bắt đầu phục hồi và tăng trưởng, nguồn nhân lực du lịch đã gia tăng trở lại, tuy nhiên số lượng lao động trực tiếp chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, chỉ đạt khoảng 70% so với năm 2019. Về chất lượng, số lượng lao động chất lượng cao và được đào tạo đúng chuyên ngành chiếm tỉ lệ thấp (khoảng 22%), số lao động được đào tạo ở chuyên ngành khác và chưa qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao hơn (khoảng 46%), còn lại khoảng 32% số lao động chưa xác định được trình độ.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2023 đạt khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022. Trong đó 3 triệu lượt khách quốc tế (có 2,1 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 100% so với năm 2022 và 19 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,5% so với năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77.000 tỉ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022. Tổng số lao động du lịch phục hồi đạt 130.000 người, trong đó lực lượng lao động trực tiếp đạt 52.300 người. Phấn đấu đến năm 2030, thủ đô Hà Nội sẽ đón và phục vụ trên 48 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 11,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế); tổng thu từ khách du lịch đạt trên 230.000 tỉ đồng. Tổng số lao động đạt 510.000 người, trong đó có 160.000 lao động trực tiếp làm việc trong ngành. Tỉ lệ đóng góp tổng hợp ngành Du lịch vào GRDP thành phố phấn đấu đạt khoảng 12%.

Trong 7 năm (từ 2023-2030), Hà Nội đặt mục tiêu lượng khách tăng 2,2 lần; khách quốc tế tăng gần 4 lần và tổng số lao động tăng gần 4 lần. Điều này đòi hỏi ngành Du lịch Hà Nội phải có những giải pháp hết sức đồng bộ, đặc biệt là đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng.

VŨ AN - NGHIÊM HÙNG

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc