Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Văn hóa

19 Tháng Ba 2024

Cảnh báo rủi ro từ mô hình "sở hữu kỳ nghỉ" (Bài 1): Cân nhắc kỹ từ thông tin đến giao kết hợp đồng

Thứ Tư 31/05/2023 | 21:06 GMT+7

VHO- Mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ” xuất hiện ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây, thu hút sự quan tâm của nhiều người có nhu cầu nghỉ dưỡng. Nhiều doanh nghiệp còn xem đây là giải pháp kích cầu du lịch hậu Covid-19. Tuy nhiên, gần đây Thanh tra Bộ VHTTDL đã nhận được nhiều đơn tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của công dân có liên quan đến việc mua “Sở hữu kỳ nghỉ”.

 Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tham gia mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ”

 Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu cho biết: “Liên quan đến nội dung “Sở hữu kỳ nghỉ”, nhiều người khiếu nại, tố cáo về nội dung sau khi ký hợp đồng mua kỳ nghỉ, chủ sở hữu kỳ nghỉ (người mua) phải thanh toán cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, người mua còn phải thanh toán thêm các khoản phí như phí duy trì, phí thường niên, phí quản lý, phí vận hành, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng…, và các khoản phí này được doanh nghiệp tăng hàng năm”.

Người tiêu dùng không được hưởng đúng quyền lợi

Khi tiếp thị với khách hàng về “Sở hữu kỳ nghỉ”, người tiêu dùng được giới thiệu về lịch sử phát triển hơn nửa thế kỷ của mô hình này trên toàn thế giới, hàng nghìn điểm trao đổi kỳ nghỉ tại nhiều hệ thống khách sạn 5 sao.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công thương), bên cạnh các lợi ích được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng, thời gian qua thị trường đã phải chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo. Để người dân hiểu rõ hơn về mô hình này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cung cấp thêm thông tin để những ai quan tâm tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định tham gia. Theo đó, để cung cấp loại hình này, bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ” có thể sở hữu hoặc không sở hữu các khu nghỉ dưỡng, khách sạn. Những khu này có sẵn hoặc hình thành trong tương lai. Điều đáng lưu ý là, ngay cả trường hợp bên bán sở hữu khu nghỉ dưỡng, khách sạn thì quyền “Sở hữu kỳ nghỉ” của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản. Có nghĩa, hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản. Đối với những đơn vị chào bán sản phẩm không sở hữu dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn… thì họ là nhà phân phối và bán sản phẩm lưu trú trên cơ sở hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của đối tác.

Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho rằng, đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ lưu trú, việc đi nghỉ trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động chính thức. Điều này có nghĩa là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ, khách sạn… để nghỉ còn chưa hình thành. Đối với loại hình bên bán sản phẩm không có dự án, khách sạn…, việc cung cấp sản phẩm tới tay bên mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba do bên bán ký kết, hợp tác. Tức là, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị “đứt gãy” nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác hoặc thậm chí là rút lui, “biến mất”. Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người mua sản phẩm cần nhận thức rõ các rủi ro này để cân nhắc trước khi ký hợp đồng.

Hiện nay, hầu như tất cả các hợp đồng mua - bán “Sở hữu kỳ nghỉ” đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng đều phải trả số tiền lớn từ trước. Do đó, người tham gia cần phân tích, đánh giá rõ về rủi ro hoặc tỷ suất sử dụng dịch vụ trên thực tế. Bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài như việc bên bán không thực hiện đúng hợp đồng cam kết, nhiều phản ánh hiện nay thể hiện việc sản phẩm trên thực tế không như các thông tin quảng cáo. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ không đúng như người mua “trông đợi”, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ.

Tìm hiểu kỹ trước khi “xuống tiền”

Để tránh xảy ra tình huống bất lợi không mong muốn, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm, dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp, thông qua các phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện hoặc sử dụng sản phẩm. Người tiêu dùng cần xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm.

Bên cạnh đó, trước khi quyết định “xuống tiền” mua “Sở hữu kỳ nghỉ”, người dân cần yêu cầu bên bán cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ. Người tiêu dùng đặc biệt cần cân nhắc, xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình trong một thời gian dài. So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Trong trường hợp nhận thấy có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Ví dụ như mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…

Đồng thời, xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Theo tìm hiểu, hầu hết các hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ” hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện… Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng chứ không có trong thông tin quảng cáo, chào bán và có thể không được quy định một cách rõ ràng, đầy đủ. Vì thế, người mua cần tìm hiểu kỹ, các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…

Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng như: Hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm (không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án, khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án, khách sạn)… cũng cần được người mua hiểu rõ trước khi bỏ tiền ra mua “Sở hữu kỳ nghỉ”, tránh tiền mất tật mang.

(Còn nữa)

NGUYỄN ANH

Print

Danh mục theo ngày

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top